Có một làng nghề bên dòng sông Cái
Trong ký ức ngày cũ, cứ đến những ngày giáp Tết, làng tôi lại rộn ràng hẳn lên với những lò nung đỏ lửa cả ngày lẫn đêm. Ấy là khi người ta làm bếp ông Táo...
Có lẽ không quá nhiều người biết rằng giữa TP. Nha Trang nhộn nhịp khách du lịch, xe cộ và những nhà hàng, khách sạn sang trọng, có một làng gốm Lư Cấm hàng trăm năm tuổi từng vang danh một thuở nằm bên dòng sông Cái hiền hòa (thuộc phường Ngọc Hiệp). Không ai nhớ nghề có chính xác từ bao giờ, chỉ biết rằng từ lúc sinh ra, lớn lên, bao thế hệ gia đình đã gắn bó với đất, từ đất mà làm ra nồi, niêu, chén bát, lu, vại, bình… Những vật dụng ấy, theo tàu thuyền tấp nập ngược vào Phan Rang, Phan Thiết nắng gió, xuôi ra Phú Yên hiền hòa, rồi tỏa khắp mọi miền.
Ngoại tôi kể, thời huy hoàng, trong số những sản phẩm gốm Lư Cấm, mặt hàng được sản xuất nhiều nhất là bếp ông Táo, đặc biệt vào dịp gần Tết, mỗi ngày cả làng Lư Cấm làm ra hàng ngàn cái bếp, thế nên nhiều người vẫn gọi đây là “làng ông Táo”. Dịp này, khi cúng đưa ông Táo về trời cũng là lúc người dân chuẩn bị thay bếp cũ, để năm mới đón ông Táo trở về có một ngôi nhà mới, cùng gia đình đón Tết, cầu mong một năm gia đình ấm êm, no đủ.
Ngoại bảo, làm bếp lò tưởng chừng đơn giản nhưng để ra được một “ông Táo” hoàn chỉnh phải qua hơn mười công đoạn, từ chọn đất, nhào đất, đến tạo hình, lên khuôn, làm vỉ lò, phơi nắng, nung… Đất để làm bếp lò phải là loại đất sét dẻo, mịn, được nhào nhuyễn. Sau đó, qua đôi tay khéo léo của người thợ tạo hình bếp, làm cửa bếp, vỉ lót, gắn ba chân - đại diện cho ba ông bà Táo, đây được xem là công đoạn quan trọng để tạo nên hình thù của “ông Táo”. Tiếp đến là công đoạn phơi nắng, rồi bếp được đưa vào lò nung trong khoảng 20 giờ… Mọi công đoạn đều làm thủ công, thế nên đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên trì của người thợ.
Tôi nhớ, cứ đến tháng Chạp, khi cả làng rộn ràng làm bếp ông Táo cũng là khi người mua từ các nơi đổ về, người dân trong vùng có, thương lái có, cứ thế nhộn nhịp không ngơi tay. Còn đám nhỏ chúng tôi thì háo hức lắm vì sắp được nghỉ học, háo hức vì sắp Tết được ăn bánh mứt, được mặc đẹp. Lúc đó, không có nhiều trò chơi như bây giờ, nên mỗi khi bố và các chú làm bếp ông Táo, tôi và mấy đứa em vẫn thường mon men lại lấy những cục đất sét đã nhào sẵn để chơi trò chơi. Khi thì rủ nhau nặn ra đủ mọi hình thù, khi thì bắt chước làm pháo đất. Chơi xong, đứa nào đứa nấy mặt mũi, áo quần lấm lem đất sét. Trong ký ức ngày cũ là tiếng cười giòn tan của đám trẻ con, là tiếng người lớn gọi nhau í ới, hối hả chuẩn bị cho những mẻ bếp lò và cả mâm cúng ông Táo của ngoại. Lúc ấy, bên cạnh mâm cỗ tươm tất là cái bếp lò mới cứng được đặt nơi căn bếp bập bùng đỏ lửa, chờ lễ cúng hoàn tất, ngoại đem cái bếp cũ ra nơi bờ sông, thầm cảm ơn một năm đã qua bình an.
Bây giờ cuộc sống hiện đại, bếp gas, bếp điện trở thành quen thuộc trong căn bếp của mỗi gia đình, người ta thỉnh thoảng bắt gặp cái bếp lò ở các hàng quán vỉa hè hoặc đôi khi dùng để nướng một ít đồ hải sản, thịt thà… ở các gia đình. Cạnh tranh không lại với những sản phẩm từ các tỉnh, thành khác, nghề gốm quê tôi cũng trở nên đìu hiu, chỉ có một đôi nhà còn lưu lại lò và làm một vài sản phẩm khi có khách du lịch ghé thăm. Tuy vậy, mỗi khi năm hết, Tết đến, trong sâu thẳm, ngoại tôi, má tôi… những người đã từng sống cả cuộc đời với nghề gốm vẫn luôn tồn tại một niềm hy vọng, rằng một ngày nào đó, nghề gốm của làng lại hồi sinh.
Má tôi vẫn thường hay bảo, chỉ cần quê còn thì nghề còn. Và ngoại, ở cái độ tuổi “xưa nay hiếm”, mỗi khi Tết đến vẫn không quên nhắc con cháu dọn sạch sẽ căn bếp, chuẩn bị mâm cỗ và ngôi nhà mới cho ông bà Táo. Trong tâm thức của ngoại, ba, má và những người dân làng gốm, hình ảnh “ông Táo” bằng đất đỏ lửa ngày Tết quan trọng chẳng khác bánh chưng, dưa hành, nếu thiếu nó thì thiếu đi dư vị Tết.
BÀI: NGUYÊN PHƯƠNG - ẢNH: MẠNH HÙNG