Có phải vaccine ngừa quai bị ngày càng kém hiệu quả?

Một nghiên cứu mới của Hoa Kỳ cho thấy, có đến 1/3 trẻ em và thanh thiếu niên đã được tiêm vaccine nhưng vẫn mắc quai bị trong những năm gần đây.

1. Quai bị có thể để lại biến chứng nguy hiểm

Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra do virus paramyxovirus. Virus lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, qua đường hô hấp và dễ lây lan trong cộng đồng, đặc biệt là đối với trẻ em. Quai bị thường truyền qua các hoạt động tiếp xúc gần dùng chung các vật dụng như chai nước hoặc cốc.

Dấu hiệu thường được biết đến nhiều nhất khi mắc quai bị là má hóp và sưng dọc theo hàm. Một bên của khuôn mặt có thể trông lớn hơn đáng kể so với bên còn lại. Quai bị cũng có thể gây sốt, nhức đầu, đau nhức cơ thể và mệt mỏi.

Biến chứng của quai bị thường là viêm màng não, suy giảm thính lực, viêm tinh hoàn (nam giới trưởng thành); viêm buồng trứng (nữ trưởng thành). Biến chứng viêm tinh toàn và viêm buồng trứng có thể gây vô sinh, tuy nhiên rất hiếm gặp. Chính vì vậy, việc tiêm vaccine phòng quai bị là rất quan trọng.

Hiện nay, để phòng chống mắc bệnh quai bị, việc tiêm vaccine phòng quai bị đã và đang được đưa vào chương trình tiêm chủng cho trẻ nhỏ ở nhiều nước trên thế giới.

Tiêm vaccine phòng quai bị được đưa vào chương trình tiêm chủng cho trẻ nhỏ ở nhiều nước.

2. Gia tăng các trường hợp mắc quai bị khi đã tiêm vaccine

Tại Hoa Kỳ, sau khi vaccine quai bị được sử dụng vào năm 1967, các trường hợp nhiễm bệnh đã giảm mạnh tới 99%. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây của Hoa Kỳ cho thấy, kể từ năm 2006, đã có sự gia tăng các trường hợp mắc quai bị hàng năm, thường là ở những người trong độ tuổi học đại học đã được tiêm vaccine quai bị khi còn nhỏ. Thống kê cho thấy, số người mắc quai bị khi đã tiêm vaccine chiếm gần 1/3 (32%) trong tổng số ca mắc quai bị từ năm 2007 đến năm 2019.

Mặc dù vẫn chưa biết nguyên nhân vì sao, nhưng theo các chuyên gia, có thể do khả năng miễn dịch của cơ thể suy giảm. Ngoài ra, vaccine ngừa bệnh quai bị hàng thập kỷ có thể đã mất đi một phần sức mạnh chống lại các chủng virus đang lưu hành hiện nay.

Các nghiên cứu cho thấy, virus quai bị tương đối ổn định về mặt di truyền. Tuy nhiên, có bằng chứng về một số khác biệt giữa chủng được sử dụng trong vaccine và chủng virus quai bị đang lưu hành ngày nay. Nếu đúng như vậy, các nhà khoa học cần nghiên cứu vaccine mới có thể diệt được chủng virus mới.

Ở hầu hết các nước, vaccine phòng quai bị như một phần của vaccine MMR.

Ngày nay, ở hầu hết các nước, vaccine phòng quai bị như một phần của vaccine MMR (vaccine sởi, quai bị, rubella) hai liều chống lại bệnh sởi, quai bị và rubella. Sởi, quai bị, rubella đều là những căn bệnh rất dễ lây qua đường hô hấp nếu chưa có kháng thể phòng bệnh. Bệnh lây lan nhanh và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng. Phụ nữ mang thai bị nhiễm bệnh có nguy cơ gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi, sinh non hoặc thai chết lưu.

Bệnh quai bị thường nhẹ. Tuy nhiên, đôi khi có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, chẳng hạn như viêm não và tủy sống và mất thính giác.

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, việc tiêm vaccine định kỳ ở trẻ em vẫn là vũ khí tốt nhất để chống lại bệnh quai bị. Hiện nay, nhiều trẻ có thể bị chậm lịch tiêm chủng vì đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, ngoài việc lo lắng vì COVID-19 chúng ta cũng cần bảo vệ trẻ khỏi nhiều căn bệnh khác. Do dó, cần cho trẻ em đi tiêm chủng đúng lịch, trong đó có tiêm vaccine phòng quai bị.

Xem thêm video đang được quan tâm:

DS. Hoàng Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//co-phai-vaccine-ngua-quai-bi-ngay-cang-kem-hieu-qua-169211206141428017.htm