Cơm nhà
Người ta thường nói 'muốn hiểu rõ về một người phụ nữ, hãy nhìn vào căn bếp của họ'.
Căn bếp ấm áp, thường xuyên đỏ lửa, được bố trí sạch sẽ, gọn gàng phần nào phản ánh tính cách, nếp sống của người vợ, người mẹ cũng như cho người khác cảm nhận được cuộc sống và không khí của gia đình ấy…
Cơm nhà - 2 tiếng đó hàm chứa một giá trị thiêng liêng ở không khí chan hòa yêu thương, gắn bó, nơi những câu chuyện đời thường có cơ hội được tụ về, san sẻ. Là nơi chứng kiến bàn tay ân cần chăm bẵm của người mẹ, người vợ trong từng buổi chợ cùng tình yêu và tâm huyết mà họ gửi vào mỗi bữa ăn. Cơm nhà, với ý nghĩa đó, góp phần giáo dục cho con trẻ về ý thức sinh hoạt, không khí gia đình và cao hơn cả là phong vị nếp nhà trong văn hóa người Việt.
Mặc dù vậy, với vòng quay công việc bận rộn trong xã hội hiện đại, đôi khi người mẹ, người vợ cũng phải cảm thông phần nào cho chồng con mỗi khi tan sở còn phải quán sá tiếp khách, bạn bè mời mọc liên hoan… Thực tế, nhiều bà mẹ trong thâm tâm tuy đã hiểu điều đó nhưng không bỏ được thói quen mỗi chiều vẫn ngồi đợi chồng con về bên cạnh mâm cơm đang nguội dần. Nếu ai đã đôi lần chứng kiến cảnh mẹ hay vợ mình tất tả chợ búa, nấu nướng, chăm chút từng bữa cơm để mỗi chiều ngồi trước mâm cơm trầm tư ngồi đợi, hẳn sẽ trân trọng biết bao nhiêu tình yêu của họ để có thể từ chối hay gác lại những cuộc hẹn bên ngoài.
Tôi ít ăn uống bên ngoài mặc dù khá tiện lợi và tiết kiệm thời gian, bởi không thích nghi được với không gian ồn ã, kém thoải mái, có khi còn chen lấn, bụi bặm. Với tôi, miễn là cơm nhà thì… ăn gì cũng ngon. Đôi khi quá bận rộn, chỉ cần một đĩa rau muống luộc, mấy quả cà cùng đĩa trứng rán hay đậu phụ cũng xong. Cuối tuần rảnh rang hơn thì tranh thủ ghé chợ chọn mua thức ăn cả nhà ưa thích rồi mặc sức bày biện nấu nướng.
Tôi thích cái cảm giác được cùng vợ vào bếp mỗi chiều, cùng đỡ đần nhau nhặt rau, nấu xào, rửa bát… Đó cũng là khoảng thư giãn sau một ngày dài “đánh đu” với công việc, có những phút giây được trò chuyện, chia sẻ cùng nhau để trút bỏ nhọc nhằn.
Xã hội càng hiện đại, mỗi người càng dành thời gian cho công việc, đối đãi, tạo quan hệ nhiều hơn. Nhiều người vợ, người mẹ tất tả hơn với vòng xoay công việc; có người bố, người con quanh năm “cơm hàng cháo chợ” không phải vì họ đã đánh mất đi nghĩa vụ với gia đình, quên hẳn thói quen vào bếp. Chẳng thế, họ vẫn thường tranh thủ tối đa những ngày nghỉ hiếm hoi của mình chỉ để về nhà ăn “cơm mẹ nấu”.
“Cơm mẹ nấu” - tôi thích cách gọi giàu hình tượng này dù nó thật giản dị. Ước muốn ngỡ nhỏ nhoi ấy chứa đựng trong đó biết bao nỗi khát thèm tình yêu thương, sự chăm bẵm của mẹ cha, không khí sinh hoạt gia đình. Ở đấy, cho ta những khoảnh khắc bình yên, lắng dịu đi bao phiền muộn.
Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/van-hoc/com-nha/250782.htm