Con không lên lớp 6 Ams thì thôi, thiếu gì cách để con thành tài?
Phụ huynh không nên phản ứng thái quá trước vụ dừng tuyển lớp 6 trường Ams vì thực tế đứa trẻ còn nhiều lối đi khác và vẫn có cơ hội thành công.
“Cơm không ăn thì gạo còn đó, ôn thi Ams mà không được thi nữa thì dùng kiến thức phục vụ cho việc học sau này chứ kiến thức cũng không chạy đi đâu mà sợ”.
Đây là quan điểm của chị Thu Trang (phụ huynh tại Hà Nội) khi bàn về việc trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam có thể dừng tuyển sinh lớp 6. Là phụ huynh có con ở độ tuổi đi học và sắp chuyển cấp, chị Trang cho rằng một số phụ huynh đang có phản ứng hơi thái quá trước thông tin dừng tuyển sinh lớp 6 trường Ams.
Không học Ams thì học trường khác
Những ngày gần đây, khi theo dõi thông tin trên báo đài và các trang mạng xã hội, chị Thu Trang biết rằng trong năm 2024-2025, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam có thể không được tuyển sinh lớp 10 hệ không chuyên và không được tuyển sinh lớp 6.
Sau khi tin này được công bố, nhiều phụ huynh phản ứng dữ dội và cho rằng việc dừng tuyển sinh như vậy khiến công sức ôn tập của con mình suốt bao năm qua đổ sông đổ bể.
Đọc bài viết chia sẻ của một số phụ huynh về việc trường Ams ngừng tuyển sinh, chị Trang hiểu rằng việc đột ngột thông báo dừng tuyển sinh có thể khiến nhiều phụ huynh và cả các bé thấy sốc. Tuy nhiên, chị vẫn không đồng tình khi thấy một số người khóc lóc, "ăn vạ" Bộ GD&ĐT rồi cho rằng công sức ôn thi của con “đổ sông đổ bể”.
Cá nhân chị Trang cho rằng không có gì gọi là “đổ sông đổ bể” ở đây cả. Chị Trang cũng là mẹ, cũng đồng hành với con trong hơn 4 năm học tiểu học, bản thân chị hiểu sự vất vả và cố gắng của trẻ nhỏ.
Với những học sinh tiểu học cố gắng ôn tập và rèn luyện để vào trường chuyên, các bé sẽ càng phải cố gắng nhiều hơn vì tiêu chuẩn để vào lớp 6 chuyên Ams rất khắt khe.
Với thời gian học tập và nỗ lực như vậy, chị Trang tin rằng những bé ôn thi lớp 6 chuyên Ams vượt trội hơn rất nhiều so với bạn bè cùng lứa. Chỉ riêng trong vòng sơ tuyển, ví dụ như vào năm 2023, các bé phải đạt 167 điểm trên 17 bài kiểm tra cuối năm học, nghĩa là học bạ phải toàn 10 mới "có cửa" vào trường Ams.
“Học bạ toàn điểm 10, lại còn giỏi môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh thì các con học ở đâu cũng vẫn giỏi. Môi trường học chỉ chiếm một phần, yếu tố quyết định vẫn nằm ở năng khiếu và sự nỗ lực của các con nên các phụ huynh không việc gì phải khóc cả. Con không được học Ams thì cho con học trường khác rồi chịu khó đầu tư nhiều hơn cho con phát triển”, chị Trang nêu quan điểm.
Chung ý kiến với chị Thu Trang, chị Nguyễn Tâm (phụ huynh ở Hà Nội) cũng khuyên rằng phụ huynh không nên phản ứng quá gay gắt nếu Bộ GD&ĐT đã “chốt” dừng tuyển sinh lớp 6 trường Ams.
Con gái lớn của chị Tâm cũng đang học hệ chuyên tại một trường THPT của Hà Nội nên cá nhân chị hiểu rất rõ những đứa trẻ vào trường chuyên đã phải nỗ lực đến thế nào. Khi nghe tin trường Ams dừng tuyển sinh lớp 6, chị cũng thương các con vì có thể thông tin này sẽ khiến các con hụt hẫng hoặc mất đi động lực học tập.
Nhưng dù trường Ams ngừng tuyển, cánh cửa tương lai của các bé vẫn không đóng hết. Chị Tâm tin rằng con đường của trẻ vẫn đang rất rộng mở.
Phụ huynh có thể cân nhắc cho con học môi trường quốc tế để phát triển toàn diện về mặt trí tuệ và cảm xúc. Hoặc nếu vẫn cho con học trường công lập, chị Tâm đề xuất phụ huynh định hướng cho con tham gia các kỳ thi học sinh giỏi.
Đó cũng là một cách để trẻ tiếp tục rèn luyện phát huy khả năng của bản thân và “tận dụng” vốn kiến thức đã tích lũy từ khi học tiểu học.
Còn trong thời điểm hiện tại, chị Tâm khuyên rằng thay vì phản ứng gay gắt hay quay qua đổ lỗi cho nhà trường và Bộ GD&ĐT, ngay từ bây giờ phụ huynh nên tìm hướng đi mới cho con, đồng thời tìm cách giải thích nhẹ nhàng, dễ hiểu nhất để các bé biết vì sao mình không thể vào lớp 6 trường Ams nữa.
Phụ huynh đừng “vẽ” ước mơ thay con
Bàn thêm về việc phụ huynh cho con ôn thi trường Ams từ sớm, chị Thu Trang nói rằng nhiều người làm cha làm mẹ nhưng có tâm lý rất “biến thái”, thích tự quyết định ước mơ thay con hay thậm chí tự vẽ luôn lộ trình tương lai rồi bắt con phải làm theo.
Trên những bài viết liên quan vụ tuyển sinh lớp 6 trường Ams, chị Trang thấy một số phụ huynh chia sẻ họ cho con chuẩn bị vào trường Ams khi chỉ mới lên lớp 1. Đọc những dòng chia sẻ đó, chị Trang chỉ thấy khó hiểu chứ không hưởng ứng nổi.
“Con nít lớp 1 thì làm gì biết được thế nào là trường chuyên lớp chọn mà ước rồi muốn thi vào. Mới học lớp 1 đã lo chuyện lớp 6 thì chỉ có là do bố mẹ tự ý định hướng cho con rồi bắt con làm theo. Nhiều khi tôi cũng không hiểu trường Ams là ước mơ của các con hay ước mơ của bố mẹ nữa”, chị Trang nói.
Thông qua vụ dừng tuyển lớp 6 trường Ams lần này, chị Thu Trang mong các phụ huynh nên tôn trọng con và ước mơ của con. Thay vì ép con vào guồng ôn thi từ sớm, các cha mẹ có thể đầu tư cho con phát triển năng khiếu hoặc đơn giản là cho con được trải qua những năm học tiểu học nhẹ nhàng, không bị áp lực bài vở.
“Đừng bắt con thực hiện ước mơ của bố mẹ” cũng là điều chị Nguyễn Tâm đề cập. Cá nhân chị cho rằng phụ huynh châu Á nói chung và phụ huynh Việt Nam nói riêng vẫn khá coi trọng thành tích và mặt mũi. Họ cho rằng con học trường chuyên, thi điểm cao, đạt giải thưởng lớn thì cha mẹ mới được coi là những người nuôi dạy con thành công.
Chị Tâm lại nghĩ khác. Đối với chị, người nuôi dạy con thành công phải là người khiến con cảm thấy hạnh phúc và hài lòng với những điều các em tự lựa chọn. Các em phải có quyền quyết định những điều mình muốn rồi tự mình thực hiện điều đó.
Ví dụ chuyện vào trường chuyên, chị tự hỏi những đứa trẻ tiểu học đang ôn thi chuyên ngoài kia có thực sự hạnh phúc với điều đó không, hay các em chỉ đơn giản là đang chạy theo hạnh phúc của cha mẹ.
Con gái chị Tâm cũng học trường chuyên, nhưng chuyện thi vào hệ chuyên là do con quyết định, chị chỉ đóng vai trò là người đồng hành và hỗ trợ về mặt tài chính - tinh thần trong thời gian con ôn thi chuyên. Đối với chị, con vào trường chuyên cũng không làm chị vui bằng việc được chứng kiến con hạnh phúc khi hoàn thành nguyện vọng của mình.
Theo đó, chị Tâm khuyên các phụ huynh không nên quá nặng nề với việc con có học trường chuyên hay không. Nếu vẫn thực sự muốn con học hệ chuyên, các cha mẹ nên bình tĩnh chờ thêm vài năm nữa, khi con đã lên THCS - lúc đó tâm lý và khả năng tự học vững vàng hơn, rồi định hướng cho con theo trường chuyên ở bậc THPT.
Vị phụ huynh nhấn mạnh khi đề cập chuyện học trường chuyên, phụ huynh chỉ nên định hướng, không được ép con dưới mọi hình thức.
“Định hướng nghĩa là giải thích cho con trường chuyên nghĩa là gì, có những mặt tốt và mặt trái ra sao, rồi hỏi con có thích học chuyên không. Con thích thì tốt, bạn cứ mạnh dạn đầu tư. Còn nếu con không thích thì thôi, bạn đừng quát mắng hay tỏ thái độ với con. Con học trường thường trường chuyên gì cũng đều có cơ hội làm người thành công và tử tế nên cha mẹ đừng nóng vội làm gì”, chị Tâm nêu ý kiến.