Cơn sốt matcha toàn cầu khiến các trang trại trà Nhật Bản cạn kiệt
Tại một quán matcha tối giản ở Los Angeles, bột trà xanh Nhật Bản được pha chế cẩn thận, bất chấp tình trạng khan hiếm toàn cầu do cơn sốt của loại đồ uống màu xanh rực rỡ này trên mạng xã hội.
Biểu tượng văn hóa phương Tây
Quán Kettl Tea, vừa khai trương trên đại lộ Hollywood năm nay, có 25 loại matcha trên thực đơn, nhưng theo lời người sáng lập Zach Mangan chỉ còn bốn loại có sẵn. "Một trong những khó khăn lớn nhất là phải nói với khách hàng rằng chúng tôi không có thứ họ muốn", anh chia sẻ.

Matcha được cung cấp tại Kettl Tea ở khu phố Los Feliz của Los Angeles vào ngày 20/5.
Theo lời giải thích của Zach Mangan, 40 tuổi, với hương cỏ đậm đà, màu sắc cuốn hút và tác dụng tăng năng lượng, matcha đã trở nên "bùng nổ" trong thập kỷ qua, đặc biệt trong hai ba năm gần đây. Giờ đây, matcha đã trở thành "một biểu tượng văn hóa ở phương Tây" - xuất hiện khắp nơi, từ bảng hương vị kem đến menu của Starbucks.
Điều này khiến thị trường matcha gần như tăng gấp đôi chỉ trong một năm. "Dù cố gắng thế nào, chúng tôi cũng không thể tìm thêm hàng để mua", Mangan nói.
Cách đó hàng ngàn cây số, tại Sayama, tỉnh Saitama, anh Masahiro Okutomi - thế hệ thứ 15 điều hành doanh nghiệp trà gia đình - đang bị nhu cầu vượt xa khả năng đáp ứng. "Tôi phải đăng trên website rằng chúng tôi không nhận thêm đơn hàng matcha nữa", anh nói.
Quá trình sản xuất bột matcha rất công phu: lá trà tencha được che bóng vài tuần trước khi thu hoạch để tăng độ đậm đà và dưỡng chất. Sau đó, lá được tỉ mỉ rút gân bằng tay, sấy khô và nghiền mịn bằng máy.
Hành trình dài hơi
"Làm matcha đúng chuẩn cần nhiều năm đào tạo. Đó là một hành trình dài hơi, đòi hỏi thiết bị, nhân công và đầu tư. Tôi vui vì thế giới đang mê matcha của chúng tôi… nhưng trong ngắn hạn, điều này gần như là một mối đe dọa - chúng tôi không thể đáp ứng kịp", anh Okutomi chia sẻ.

Chủ trang trại trà Masahiro Okutomi làm việc tại trang trại của mình ở Sayama, tỉnh Saitama, vào ngày 4/6.
Cơn sốt matcha được thúc đẩy bởi những người ảnh hưởng trực tuyến như Andie Ella, với hơn 600.000 người theo dõi trên YouTube và đã ra mắt thương hiệu matcha riêng. Tại cửa hàng pop-up màu hồng phấn mà cô mở ở khu Harajuku thời thượng của Tokyo, hàng chục người hâm mộ xếp hàng hào hứng để chụp ảnh với cô gái 23 tuổi người Pháp hoặc mua các lon matcha vị dâu tây, sô-cô-la trắng.
"Matcha rất bắt mắt", cô Ella đánh giá. Thương hiệu matcha của cô, sản xuất tại tỉnh Mie, đã bán được 133.000 lon kể từ khi ra mắt vào tháng 11/2023 và hiện có 8 nhân viên. "Nhu cầu không ngừng tăng", cô cho biết.
Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, năm 2024, matcha chiếm hơn nửa trong 8.798 tấn trà xanh xuất khẩu từ nước này, gấp đôi so với một thập kỷ trước.
Tại cửa hàng trà Jugetsudo ở khu chợ cá Tsukiji đông khách du lịch ở Tokyo, quản lý Shigehito Nishikida đang cố kiểm soát lượng hàng tồn kho trước nhu cầu ngày càng tăng. "Chúng tôi không giới hạn số lượng mua chính thức, nhưng đôi khi từ chối bán số lượng lớn cho những khách bị nghi là mua đi bán lại. Trong hai ba năm qua, cơn sốt matcha ngày càng mạnh: khách hàng giờ muốn tự pha matcha như họ thấy trên mạng xã hội", anh kể.
Mối đe dọa thuế quan
Cô Anita Jordan, một du khách Úc 49 tuổi đến Nhật du lịch cho biết, "bọn trẻ nhà tôi mê matcha lắm. Chúng giao tôi nhiệm vụ tìm loại matcha ngon nhất", cô cười.

Các bước chế biến trà tại một nhà máy ở Sayama vào ngày 4/6.
Thị trường matcha toàn cầu được ước tính trị giá hàng tỷ USD, nhưng có thể bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp lên sản phẩm Nhật Bản - hiện là 10% và có thể tăng lên 24%.
Khan hiếm và thuế quan khiến "chúng tôi phải tăng giá, dù không muốn chút nào", đại diện quán Kettl Tea, Mangan nêu lý do, nhưng giải thích điều đó chưa làm giảm nhu cầu. "Khách hàng nói: 'Tôi muốn matcha, trước khi nó hết hàng'".
Tại cửa hàng Kettl Tea, matcha có thể được pha với sữa thành latte hoặc thưởng thức nguyên bản, đánh tay với nước nóng trong bát gốm để cảm nhận hương vị tinh tế. Nhưng đây không phải món rẻ: một ly matcha nguyên chất ít nhất 10 USD, còn 20 gram bột để pha tại nhà có giá từ 25 đến 150 USD.
Chính phủ Nhật đang khuyến khích các nhà sản xuất trà mở rộng quy mô để giảm chi phí. Nhưng điều đó có nguy cơ làm giảm chất lượng và "ở các vùng nông thôn nhỏ, điều này gần như bất khả thi", chủ trang trại Okutomi nói. Số lượng đồn điền trà ở Nhật Bản đã giảm còn 1/4 so với 20 năm trước, khi nông dân già đi và khó tìm người kế nghiệp.
"Đào tạo thế hệ mới cần thời gian… không thể làm vội được", anh Okutomi thêm vào.