Công bố Luật Năng lượng nguyên tử, công nghiệp công nghệ số

Chiều 11/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Công nghiệp công nghệ số cùng một số luật khác.

Tham dự họp báo có ông Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước - chủ trì buổi họp báo; ông Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng; Thượng tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công An; ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; ông Phạm Quang Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; ông Lê Xuân Định, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về một số luật. Ảnh: Hải Linh

Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về một số luật. Ảnh: Hải Linh

Hình thành hành lang pháp lý cho công nghiệp công nghệ số

Tại buổi họp báo, trình bày nội dung cơ bản của Luật Công nghiệp công nghệ số, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Lê Xuân Định nhấn mạnh, mục tiêu xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm hình thành hành lang pháp lý chuyên ngành, bảo đảm có chính sách ưu đãi đủ mạnh, vượt trội phát triển ngành công nghiệp công nghệ số - một trong những lĩnh vực công nghiệp đặc thù, nền tảng.

Đưa Việt Nam trở thành một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; phát triển một số doanh nghiệp công nghệ số chiến lược và một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có thế mạnh như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Cũng theo Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam trở thành nước đầu tiên trên thế giới ban hành một bộ luật riêng về lĩnh vực công nghiệp công nghệ số. Lần đầu tiên, các khái niệm mới như công nghệ số, công nghiệp công nghệ số, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tài sản số... được định danh trong một văn bản luật. “Luật bao gồm đầy đủ quy định, ưu đãi, hỗ trợ cần thiết để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số”, Thứ trưởng Lê Xuân Định cho hay.

Luật bao gồm 6 Chương, 61 Điều, theo lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Luật Công nghiệp công nghệ số gồm 8 nội dung chính. Trong đó, thúc đẩy, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ số; thu hút và phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp công nghệ số; tập trung nguồn lực cho phát triển hạ tầng cho công nghiệp công nghệ số.

Luật cũng đưa ra những chính sách phát triển công nghiệp bán dẫn; hỗ trợ, ưu đãi đầu tư cho hoạt động công nghiệp công nghệ số; quy định quản lý và thúc đẩy trí tuệ nhân tạo; thúc đẩy đổi mới sáng tạo qua cơ chế cho phép thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ số; hình thành khung pháp lý để phát triễn và quản lý tài sản số.

Nhiều điểm mới trong Luật Năng lượng nguyên tử

Về Luật Năng lượng nguyên tử năm 2025, Thứ trưởng Lê Xuân Định cũng cho hay, có nhiều điểm mới so với Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 và được xây dựng bám sát 4 chính sách đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua.

Cụ thể: Chính sách 1, thúc đẩy phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử; chính sách 2, bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân, phân cấp trong công tác quản lý nhà nước; chính sách 3, tạo thuận lợi cho hoạt động thanh sát hạt nhân; chính sách 4 quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân; trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Lê Xuân Định trình bày nội dung cơ bản một số luật. Ảnh: Hải Linh

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Lê Xuân Định trình bày nội dung cơ bản một số luật. Ảnh: Hải Linh

Luật Năng lượng nguyên tử năm 2025 đã được thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV ngày 27/6/2025 với 441/442 số phiếu thuận. Luật gồm 8 chương, 73 điều, (giảm 20 điều tương ứng với hơn 20% số điều so với Luật năm 2008) quy định về phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử; an toàn bức xạ, bảo vệ bức xạ, an toàn hạt nhân và an ninh hạt nhân; nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu; ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân, bồi thường thiệt hại bức xạ, thiệt hại hạt nhân; thanh sát hạt nhân và quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Chưa có đề xuất của nhà đầu tư đường sắt vượt quy định

Tại họp báo, trả lời vấn đề các cơ quan báo chí quan tâm về Luật Đường sắt, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Danh Huy, thông tin, Bộ Xây dựng đã nhận được đề xuất của một số nhà đầu tư đầu tư đường sắt Bắc - Nam. “Hiện chúng tôi đã đề xuất các nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để đánh giá và đánh giá cẩn trọng lợi ích đầu tư. Chúng tôi cũng đã xây dựng tiêu chí đánh giá và gửi văn bản đến các nhà đầu tư quan tâm”, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng cho hay, hiện các nhà đầu tư đều tuân thủ qu định của pháp luật, chưa có nhà đầu tư đề xuất vượt quá khung khổ pháp luật.

Về Luật Đường sắt đã được thông qua, lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng cho hay, việc ban hành Luật Đường sắt là để thể chế hóa các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, đặc biệt là “bộ tứ chiến lược” (Nghị quyết 57, Nghị quyết 59, Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68) nhằm phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, công nghiệp và vận tải đường sắt đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn đầu tư phát triển, kinh doanh vận tải đường sắt thời gian vừa qua.

Theo đó, Luật Đường sắt năm 2025 được xây dựng trên 5 quan điểm chỉ đạo: Tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách phát triển đường sắt; đảm bảo sự tương thích với các điều ước quốc tế về đường sắt mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế tốt; hoàn thiện các quy định trên cơ sở kế thừa những quy định còn phù hợp của Luật Đường sắt 2017 và sửa đổi, bổ sung các nội dung không phù hợp, đồng thời tăng cường phân quyền trong hoạt động đường sắt; huy động tối đa nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt…

Cùng với Luật Năng lượng nguyên tử; Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Đường sắt, chiều 11/7, Văn phòng Chủ tịch nước còn công bố Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa; Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cong-bo-luat-nang-luong-nguyen-tu-cong-nghiep-cong-nghe-so-410124.html