Công trình kiến trúc tế trời, giá trị lịch sử văn hóa

Đàn tế trời đất Tây Sơn hay còn được gọi là Bảo Sơn Thiên Ấn (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) được xây dựng ở khu vực núi non trùng điệp. Ảnh: DƯƠNG TRÍ

Nhà nước phong kiến cho xây dựng những công trình có quy mô lớn để làm nơi tổ chức những ngày lễ trọng đại trong năm, được gọi là đàn tế trời. Thời nhà Lý có đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc ở kinh thành Thăng Long; nhà Tây Sơn có đàn Kính Thiên ở Bình Định; nhà Nguyễn có đàn Nam Giao ở cố đô Huế và ở Bắc Kinh - Trung Quốc có Thiên Đàn.

Đàn tế trời tại Việt Nam

Người xưa quan niệm: Trời tròn đất vuông, trời là cha và đất là mẹ, đó là những đấng tối linh thiêng. Chế độ phong kiến cho rằng vua là con trời (thiên tử) trị vì thiên hạ, hằng năm vua thay mặt trăm họ đứng chủ tế, tế trời vào dịp đầu năm gọi là tân niên, vào cuối năm gọi là tất niên.

Tại quận Đống Đa - Hà Nội ngày nay có phường Xã Đàn còn lại vết tích đàn Xã Tắc để vua cùng các đại thần long trọng tế trời hàng năm. Ngoài ra còn có đàn Nam Giao được xây dựng ở phía nam kinh thành, quận Hai Bà Trưng, tiếc rằng các công trình lịch sử này không còn dấu tích cụ thể nào.

Tại Bình Định có đàn Kính Thiên ở xã Bình Tường (huyện Tây Sơn, cách TP Quy Nhơn 55km về phía tây bắc), hiện nằm trong quần thể Khu du lịch tâm linh Ấn Sơn. Công trình được xây dựng thời nhà Tây Sơn (1778-1802), trên dãy núi Hoàng Sơn cao 364m, rộng 36ha. Kiến trúc công trình có 3 phần tượng trưng cho thiên - địa - nhân; ở cổng chính phía nam có bức hoành ghi “Bảo sơn thiên ân” có nghĩa là ngọn núi quý có dấu ấn của trời.

Đàn Kính Thiên mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần hòa ái với thiên nhiên, với ước nguyện cầu cho mưa thuận gió hòa, thiên hạ thái bình. Năm 2012, kỷ niệm 220 năm (1792-2012) ngày mất Hoàng đế Quang Trung, UBND tỉnh Bình Định cho đầu tư khôi phục công trình và làm lễ dâng hương, đưa công trình vào hoạt động tham quan du lịch.

Tại kinh đô Huế có đàn Nam Giao, là công trình kiến trúc cổ nằm trong quần thể kiến trúc Cố đô Huế. Hàng năm vào ngày tốt năm mới, vua tổ chức đại lễ tế trời để cầu trời ban cho trăm họ được bình an, mưa thuận gió hòa, ấm no và hạnh phúc. Thời gian tế lễ kéo dài tới 3 ngày đêm, với sự tham gia, chứng kiến của đông đảo Nhân dân, về sau này rút gọn lại chỉ còn 1 ngày đêm.

Đàn Nam Giao ở Huế được xây dựng vào năm 1806 thời nhà Nguyễn - Gia Long, trên một ngọn đồi thuộc làng Dương Xuân có quy mô rộng 265m, dài 340m, diện tích gần 100ha. Kiến trúc đàn Nam Giao được xây dựng 3 phần: Phần đế hình vuông mỗi cạnh 165m, cao 0,85m, đế và lan can sơn màu nâu tượng trưng cho nhân (con người); phần giữa (phương đàn) cũng hình vuông thu nhỏ lại mỗi cạnh 83m, cao 1m, được sơn màu vàng tượng trưng cho địa hoàng (đất) và tầng trên cùng (viên đàn) là hình tròn đường kính dài 40,5m, cao 2,8m, được sơn màu thiên thanh, tượng trưng cho trời. Với ý niệm trời tròn, đất vuông và triết lý nhà Phật: Thiên - Địa - Nhân là một thể thống nhất.

Xung quanh đàn Nam Giao có một số công trình phụ như: Trại Cung là nơi dành cho vua đến tĩnh dưỡng trước khi bước vào đứng chủ đại lễ tế trời. Ngoài ra còn có nhà quan cư là nơi dành cho quan chức đại thần tạm nghỉ trong dịp lễ, có nhà cho lính ở gọi là binh xá và các công trình phục vụ khác.

Đặc biệt tại nơi đây, việc trồng cây xanh tạo bóng mát chỉ dành cho quan lại, đại thần, mỗi người phải trồng từ một cây trở lên và có trách nhiệm chăm sóc cho cây xanh tốt. Trong những ngày trọng lễ, 4 cửa Đông, Tây, Nam, Bắc được treo màu cờ khác nhau; cửa Nam treo cờ màu đỏ, cửa Bắc cờ đen, cửa Đông cờ xanh, cửa Tây cờ trắng và ở giữa treo cờ màu vàng. Tất cả hợp lại thành ngũ hành: kim - mộc - thủy - hỏa - thổ. Quần thể đàn Nam Giao tại Huế là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1993.

Thiên Đàn Bắc Kinh - Trung Quốc

Trong một lần đi tham quan du lịch Trung Quốc, tôi đã được nghe một kiến trúc sư nước bạn giới thiệu về quy hoạch TP Bắc Kinh và quần thể kiến trúc Tử Cấm Thành, trong đó có công trình đàn tế trời Thiên Đàn.

Thiên Đàn nằm ở phía đông thành cổ Bắc Kinh, công trình này được xây dựng vào thời nhà Minh năm 1420, một quần thể có giá trị về lịch sử, văn hóa. Với quy mô lớn, rộng 1.600m, dài 1.700m; chia làm 2 khu vực: Phía nam lấy hình tròn làm tâm là nơi nhà vua làm lễ tế trời gọi là Thiên Đàn, phía bắc có điện tế năm mới gọi là Kỳ Niên Điện và các công trình phụ khác.

Tại quần thể này còn có Xã Tắc Đàn ở phía nam Hoàng Thành đối diện với Thái Miếu, phía bắc thành cổ có Địa Đàn, phía đông có Nhật Đàn và phía tây có Nguyệt Đàn. Thiết kế tổng thể Thiên Đàn - Bắc Kinh mang tư tưởng mở ra chân trời, bay lên không trung, mang giá trị văn hóa, biểu trưng, ẩn giấu trong kiến trúc hoành tráng.

Vào ngày đông chí hàng năm, Hoàng đế và các đại thần cùng đoàn tùy tùng ăn mặc những bộ trang phục đặc biệt lộng lẫy, đi diễu hành trên đường phố và dừng tại Thiên Đàn. Tại đây, Hoàng đế đích thân cử hành lễ tế trời cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, trăm họ ấm no hạnh phúc, nghi lễ được diễn ra và hoàn tất một cách hoàn hảo. Quần thể Thiên Đàn ở Bắc Kinh - Trung Quốc được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1998.

Đàn Nam Giao của Việt Nam cũng như Thiên Đàn của Trung Quốc là hai công trình kiến trúc có quy mô đồ sộ. Ngày nay, các công trình này đã trở thành những địa danh tham quan nổi tiếng cho khách du lịch trong và ngoài nước, là nơi vui chơi, giải trí của các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là trong dịp tết cổ truyền của mỗi dân tộc.

KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG - KS LÊ VĂN THỨNG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/291210/cong-trinh-kien-truc-te-troi-gia-tri-lich-su-van-hoa.html