Công ty CP Nông sản Hưng Việt – Tan vỡ từ mâu thuẫn nội bộ. Bài 2: Khởi nguồn rạn nứt
Một nhà máy sơ chế, đóng gói, bảo quản rau củ quả có tiếng ở Hải Dương với những dây chuyền, thiết bị liên tục hoạt động 5 năm về trước đã biến mất. Dưới lớp mái tôn nhà máy này hai năm nay chỉ còn lại sự im ắng, điêu tàn.
Yếu sau cổ phần
Như chúng tôi đã đề cập ở bài viết trước, cuối tháng 5/2018, Công ty TNHH một thành viên Hưng Việt đã chuyển đổi thành Công ty CP Nông sản Hưng Việt. Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đăng ký thay đổi lần thứ 3, ngày 25/5/2018) do Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương) cấp, Công ty CP Nông sản Hưng Việt có vốn điều lệ 56,2 tỷ đồng, do ông Trần Hoàng H. (hộ khẩu thường trú tại HN) làm Tổng Giám đốc; ông Tăng Xuân Trường làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Đến tháng 11/2018, Hưng Việt nâng vốn điều lệ lên mức 81,2 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật của Hưng Việt lúc này là ông Trần Hoàng H., chức danh Tổng Giám đốc; ông Tăng Xuân Trường là Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Theo biên bản họp Đại hội đồng cổ đông bất thường và quyết định của Đại hội đồng cổ đông cùng ngày 1/11/2018 của Công ty Hưng Việt, trong tổng số 8.120.000 cổ phần, ông Tăng Xuân Trường nắm giữ 50% tổng số cổ phần, tương đương 40,6 tỷ đồng, ông Lê Việt A. nắm giữ 4% tổng số cổ phần, tương đương 3,248 tỷ đồng, Công ty CP Quốc tế B. (đại diện là bà Lê Thị Lan A.) nắm giữ 46% tổng số cổ phần, tương đương 37,352 tỷ đồng.
Sau khi chuyển đổi thành công ty cổ phần, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty Hưng Việt có thể nói không được như kỳ vọng. Theo số liệu báo cáo tài chính năm 2018 của công ty này và biên bản kiểm tra thuế của Chi cục Thuế khu vực Tứ Lộc, tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty Hưng Việt là 71,4 tỷ đồng, tăng hơn 10 tỷ đồng so với năm 2017. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ đạt chưa đầy 50 triệu đồng.
Ngoài ra, một trong những chỉ số tài chính đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp là số vòng quay hàng tồn kho. Từ báo cáo tài chính của Công ty Hưng Việt, năm 2017 công ty này có số vòng quay hàng tồn kho là 25, có nghĩa là cứ khoảng 14-15 ngày thì công ty này sẽ bán hết đợt hàng tồn trong kho. Trong khi đó, chỉ số này ở năm 2018 giảm xuống còn 11, tức là thời gian lưu kho hàng hóa tăng hơn 2 lần. Đối với một doanh nghiệp sơ chế rau củ như Công ty Hưng Việt, thời gian tồn kho tăng sẽ kéo theo rất nhiều khoản chi phí, đặc biệt là tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới chất lượng hàng nông sản.
Về cơ bản, có lẽ đây là lý do mang tính bước ngoặt dẫn đến một biên bản đã được lập ra để điều chỉnh lại phương thức quản lý, điều hành Công ty Hưng Việt.
Bản thỏa thuận bước ngoặt
9 giờ sáng 15/8/2019, các ông: Tăng Xuân Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Lại Huy B., ủy quyền của Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Trần Hoàng H., thành viên Hội đồng quản trị Công ty Hưng Việt đã họp bàn, đi đến thống nhất chia 2 nhóm cổ đông. Nhóm không điều hành gồm ông Trường (sở hữu 50% cổ phần), do ông Trường đại diện; nhóm điều hành gồm Công ty B. (sở hữu 46% cổ phần), ông Lê Việt A. (sở hữu 4% cổ phần), nhóm này do ông Lại Huy B. và Trần Hoàng H. đại diện.
Sau 3 lần họp bàn trong các ngày 15, 23, 27/8/2019, với 3 biên bản tương ứng được thông qua gồm: 01/2019/BB-HV, 1A/2019/BB-HV, 1B/2019/BB-HV, việc chia nhóm nêu trên đã được toàn bộ thành viên hội đồng quản trị tham gia họp cùng đồng thuận. Theo đó, nhóm điều hành có toàn quyền thực hiện việc quản lý, điều hành các hoạt động hằng ngày của Công ty Hưng Việt từ ngày 1/9/2019 đến ngày 31/8/2020 và có quyền chỉ định nhân sự vào tất cả các vị trí khác nhau trong công ty. Nhóm không điều hành cam kết không tham gia vào quá trình quản lý điều hành của nhóm điều hành, ngoại trừ những quyền và nghĩa vụ được quy định cho Chủ tịch Hội đồng quản trị, Trưởng Ban Kiểm soát và Ban Kiểm soát được quy định trong nội dung biên bản họp và điều lệ Công ty Hưng Việt.
Tuy nhiên, nhóm điều hành sẽ phải thực hiện hoạt động điều hành với điều kiện bảo đảm kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn nêu trên với các chỉ số cơ bản bao gồm lợi nhuận sau thuế, tiền gốc trả ngân hàng, chi phí giao tế địa phương. Tổng cộng kết quả sản xuất, kinh doanh mà nhóm điều hành cam kết hoàn thành là 8,1 tỷ đồng trong thời gian nói trên.
Tại mục V.2 của biên bản 01 nêu rõ nhóm điều hành phải điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của Công ty Hưng Việt theo đúng quy định của pháp luật, điều lệ công ty và quyết định của Hội đồng quản trị. Không có các hoạt động làm phát sinh chi phí đầu tư, không huy động vốn góp trong các cổ đông. Nếu điều hành trái với quy định này mà gây thiệt hại cho công ty thì Tổng Giám đốc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi thường thiệt hại cho công ty.
Lợi nhuận sau thuế cam kết 5 tỷ đồng. Thống nhất chia lợi nhuận theo quý, quý lợi nhuận thứ nhất được tính từ ngày 1/9-31/12/2019. Trước ngày 15 của tháng liền kề quý lợi nhuận mà nhóm điều hành không thanh toán lợi nhuận cam kết và không có lý do giải trình được chấp thuận thì nhóm không điều hành có quyền gửi văn bản yêu cầu nhóm điều hành chấm dứt điều hành và hai bên thực hiện nghĩa vụ tài chính theo biện pháp bảo đảm. Hằng tháng, nhóm điều hành tạm ứng tiền cổ tức cho hai bên vào ngày 20 của tháng liền kề, số tiền tạm ứng không quá 20% tiền cổ tức tháng được nhận, trong đó mỗi bên không quá 10%.
Thống nhất lấy chính cổ phần hiện hữu của các nhóm cổ đông để thực hiện biện pháp bảo đảm, giá trị cổ phần tương đương 10.000 đồng/cổ phần. Theo đó, nếu lợi nhuận không bảo đảm theo kế hoạch đã thống nhất thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày đến hạn phải thanh toán cổ tức cho nhóm không điều hành mà nghĩa vụ thanh toán không được hoàn thành, nhóm điều hành tự động bị giảm trừ cổ phần cho nhóm không điều hành tương ứng theo giá trị lợi nhuận không thanh toán được theo cam kết. Nội dung này được áp dụng cho cả việc một trong hai bên gây thiệt hại và phải bồi thường thiệt hại.
Cũng từ bản thỏa thuận bước ngoặt này, hàng loạt vấn đề đã phát sinh khiến ban lãnh đạo Công ty Hưng Việt phải kéo nhau ra hầu tòa vì mâu thuẫn không thể hòa giải.
----------------------------------