COP27: Thất bại và hy vọng
Những ngày đầu tiên làm việc, Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 27 (COP27) đã đạt được một số kết quả tích cực.
“Chúng ta đang thua”, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bình luận một câu ngắn gọn về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của toàn nhân loại, trong bài phát biểu khai mạc COP27 tại Sharm el Sheikh, Ai Cập.
Sau những thỏa thuận mang tính lịch sử tại COP26, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu lại có dấu hiệu chững lại. Điều này có lẽ cũng dễ hiểu khi thế giới đang phải vất vả ứng phó với những vấn đề trước mắt, là tình trạng chuỗi cung ứng gián đoạn, lạm phát tăng cao và hiện hữu nguy cơ suy thoái kinh tế.
Trong bức tranh ảm đạm ấy, một số quốc gia, bao gồm Việt Nam, đang được đánh giá cao trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nỗ lực của một hoặc một số nước đang phát triển không thể nào là đủ, đặc biệt khi các nước lớn vẫn đang tỏ ra tương đối thờ ơ.
Không khí “đang thua một cuộc chiến” bao trùm lên phiên khai mạc COP27. Tuy nhiên, đó cũng là động lực quan trọng để COP27 đạt được một số kết quả tích cực ban đầu, trên tinh thần được nhấn mạnh bởi ông Guterres là “hợp tác với nhau hoặc đẩy thế hệ tương lai vào thảm họa”.
Cam kết về khí hậu: Từ nỗ lực 'tự thân' tới hỗ trợ quốc tế
Ngày 8/11, 1 ngày sau lễ khai mạc, một liên minh toàn cầu mới đã được thành lập, đó là Liên minh quốc tế ứng phó với hạn hán. Xuất phát từ đề nghị của Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez và Tổng thống Senegal Macky Sall, liên minh này đã nhận được sự ủng hộ của EU cùng 30 quốc gia và 22 tổ chức quốc tế. Các ông lớn bao gồm Mỹ và Trung Quốc cũng góp mặt trong nhóm này.
Một số cam kết nổi bật trong khuôn khổ Liên minh quốc tế ứng phó với hạn hán có thể kể đến như quỹ hạt giống tài trợ cho các dự án trị giá 5 triệu euro của Tây Ban Nha; cam kết trồng 10 tỷ cây xanh trong 10 năm tới của Kenya…
Năng lượng tái tạo cũng là một giải pháp quan trọng cho cuộc chiến khí hậu. Tại COP27, Liên minh Điện gió ngoài khơi toàn cầu (GOWA), một sáng kiến của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), đã thu hút được 9 thành viên mới, bao gồm Mỹ, Anh, Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Ireland, Na Uy, Colombia và Bỉ.
Các quốc gia đồng thuận việc hợp tác để đẩy nhanh tham vọng của quốc gia cũng như khu vực và toàn cầu, xóa bỏ rào cản trong triển khai các công trình điện gió ngoài khơi.
Cam kết chống phá rừng đạt được tại COP26 tiếp tục nhận được sự quan tâm. Tại COP27, 25 quốc gia và EU đã thành lập một nhóm công tác để giám sát lẫn nhau thực thi cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030, với tên gọi Đối tác lãnh đạo về lâm nghiệp và khí hậu.
Không chỉ các quốc gia mà cộng đồng doanh nghiệp cũng quan tâm đến bảo vệ rừng, với một cam kết đến năm 2025 sẽ chấm dứt hoạt động phá rừng trong chuỗi cung ứng đậu nành, thịt bò và giàu cọ.
COP27 thảo luận về ‘bồi thường khí hậu’
Vấn đề đặc biệt nóng được nêu ra trước thềm COP27 là “bồi thường khí hậu” đang nhận được sự hưởng ứng của một số nước giàu, với cam kết trị giá hàng triệu USD tài trợ cho những nước đang phát triển. Tiên phong trong đó là Đức khi cam kết công bố tăng chi tiêu hàng năm cho quỹ tài chính khí hậu quốc tế lên đến 6 tỷ euro (xấp xỉ hơn 6 tỷ USD).
Đến ngày họp thứ 3, các quốc gia đang phát triển vẫn tiếp tục đồng loạt yêu cầu không chỉ các quốc gia phát triển mà còn cả nhóm doanh nghiệp dầu khí, được cho là kiếm lợi nhuận hàng nghìn tỷ USD mỗi năm dựa trên việc phá hủy khí hậu.
Thị trường tín chỉ carbon tiếp tục trở thành chủ đề được thảo luận sôi nổi. Sáng kiến thị trường carbon châu Phi (ACMI) đã được Liên hợp quốc chính thức khởi động tại COP27, nhằm mục đích mở rộng khả năng tham gia thị trường carbon của khu vực châu Phi. Cùng với đó, nước chủ nhà Ai Cập, vào sáng 9/11 cũng đã công bố thành lập thị trường carbon tự nguyện, với sự tham gia của các tổ chức tư nhân.
Tổ chức tại Ai Cập, COP27 còn được gọi là “COP cho châu Phi”, do đó sẽ dành sự quan tâm đặc biệt tới khu vực nghèo đói, kém phát triển và chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu này.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/cop27-that-bai-va-hy-vong-1668007999436.htm