COP29 nhất trí thỏa thuận khởi động giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu
Các nước tham gia Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) tại Baku (Azerbaijan) đã đạt được thỏa thuận về các quy tắc cho một thị trường tín chỉ carbon toàn cầu.
Thị trường tín chỉ carbon toàn cầu cũng được kỳ vọng sẽ huy động hàng tỷ USD cho các dự án mới giúp chống lại tình trạng nóng lên của Trái đất.
Theo thỏa thuận kể trên, tín dụng carbon được tạo ra thông qua các dự án như trồng rừng, điện gió... sẽ được giao dịch, giúp các quốc gia, công ty đạt được mục tiêu khí hậu đã đề ra. Thỏa thuận nguyên tắc được thông qua cũng giúp hệ thống thương mại tập trung của Liên hợp quốc có khả năng được triển khai ngay vào năm tới.
IETA, một nhóm doanh nghiệp ủng hộ việc mở rộng giao dịch tín chỉ carbon, cho biết một thị trường do Liên hợp quốc hậu thuẫn có thể đạt giá trị lên tới 250 tỷ USD/năm vào năm 2030 và giúp bù đắp thêm 5 tỷ tấn khí thải carbon mỗi năm.
Mặc dù vậy, các nhà đàm phán tại COP29 vẫn đang tiếp tục bàn thảo để thống nhất thêm các chi tiết về một hệ thống song phương riêng biệt, qua đó giúp các quốc gia có thể giao dịch trực tiếp tín chỉ carbon với nhau.
Hệ thống này bao gồm các chi tiết như: cách thức xây dựng sổ đăng ký theo dõi tín dụng carbon, lượng thông tin mà các quốc gia chia sẻ về thỏa thuận của mình cũng như phương án đề ra khi các dự án gặp trục trặc...
Trong một diễn biến liên quan, Azerbaijan, nước chủ nhà COP29 cũng đã công bố một dự thảo thuận trong đó đề xuất cho phép một số quốc gia phát hành tín chỉ carbon thông qua hệ thống đăng ký riêng mà không cần có sự chấp thuận của Liên hợp quốc.
Khi việc củng cố thị trường tín chỉ carbon toàn cầu đang là trọng tâm chính của các cuộc đàm phán tại Baku, hoạt động thương mại song phương thực tế đã bắt đầu vào tháng 1/2024 khi Thụy Sĩ mua tín chỉ từ Thái Lan và hàng chục quốc gia khác đã đạt được thỏa thuận chuyển giao tín chỉ.