CT mới giúp GV Lịch sử thay đổi từ cách cập nhật kiến thức đến vận dụng kỹ năng
GV cho rằng: Dự kiến đưa Lịch sử là môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc năm 2025 là hợp lý, HS có thời gian chuẩn bị kiến thức và tâm lý cho thay đổi này.
Vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin, từ nay đến năm học 2023-2024, các kỳ thi vẫn ổn định vì học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Nhưng từ năm 2025, lứa học sinh trung học phổ thông đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp. Vì thế, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ được đổi mới cho phù hợp.
Dự kiến kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 sẽ có 4 môn thi bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Ngoại ngữ. Ngoài ra, các môn học tự chọn cũng đang được cân nhắc đưa vào kỳ thi tốt nghiệp sao cho phù hợp, đảm bảo việc xét tuyển của các cơ sở giáo dục đại học.
Việc đưa Lịch sử là môn bắt buộc trong dự kiến thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 nhận được sự quan tâm của dư luận. Bởi trước đó, Lịch sử từ môn học lựa chọn thuộc nhóm môn Khoa học xã hội trở thành môn học bắt buộc ở cấp trung học phổ thông trong chương trình mới.
Về nội dung trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Kiều Oanh (giáo viên dạy Lịch sử tại một trường trung học phổ thông tại Hà Nội) nhận định, so với chương trình cũ, chương trình mới đòi hỏi giáo viên dạy Lịch sử phải cập nhật kiến thức xã hội và phải biết vận dụng kĩ năng mới nhiều hơn. Nếu giáo viên không đổi mới, chắc chắn không truyền tải được hết nội dung từ sách giáo khoa.
Cô Oanh cũng đánh giá sách giáo khoa mới có chất lượng tốt, phù hợp với lứa tuổi, tâm lý của thế hệ trẻ ngày nay. Từ đây đòi hỏi giáo viên phải giữ vai trò hướng dẫn học sinh khai thác sách giáo khoa và sử dụng công cụ khoa học công nghệ để khai thác thông tin, phục vụ cho bài giảng.
Đặc biệt, bản thân cô rất vui khi năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Thông tư 13/2022/TT-BGDĐT, trong đó quy định Lịch sử là môn học bắt buộc đối với cấp trung học phổ thông.
Cô Oanh đánh giá, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến năm 2025 đưa Lịch sử thành môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là đề xuất hợp lý, khoảng thời gian áp dụng cũng hợp lý. Bởi vì, hai năm tới đủ để phụ huynh, học sinh cũng như dư luận xã hội chuẩn bị về mặt tâm lý với việc đổi mới kỳ thi.
"Đối với học sinh, khoảng thời gian trên là sự chuẩn bị cần thiết về mặt kĩ năng, kiến thức và tâm lý", cô Oanh nói.
Nữ nhà giáo có nhiều năm kinh nghiệm dạy Lịch sử cũng chia sẻ: đối với học sinh lớp 10, Lịch sử hiện là môn học bắt buộc. Tuy nhiên, nếu đến kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn học này có thể không xuất hiện trong nhóm các môn thi, sẽ khiến các em có tâm lý chủ quan, "thích thì học, không thì thôi".
"Nếu không thi tốt nghiệp môn Lịch sử, đến năm lớp 12, các em có thể không dành sự chú tâm cho môn học này, thậm chí là không học", cô Oanh chia sẻ.
Ngoài ra, nếu như các trường đại học mở thêm những mã ngành đào tạo mới có thêm bộ môn Lịch sử, chắc chắn sẽ tạo hiệu ứng để học sinh trung học phổ thông tập trung học tập môn này hơn.
"Bất kể ngành nghề nào theo tôi đều cần đến kiến thức Lịch sử", nữ giáo viên nói.
Cùng quan điểm với cô Kiều Oanh, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho hay, bản thân ông đánh giá chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đưa Lịch sử trở thành môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông bắt buộc là đúng đắn và cần thiết. Bởi lẽ, Lịch sử là gốc của một dân tộc, các thế hệ nối tiếp nhau, luôn cần sự hiểu biết về Lịch sử.
"Bác Hồ từng nói, dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Bản thân tôi rất ủng hộ chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bên cạnh đó Lịch sử còn gắn với các giá trị văn hóa. Khi chúng ta đề cao sự gìn giữ, phát triển văn hóa thì học tập Lịch sử, nâng vai trò vị thế môn Lịch sử là cần thiết", Phó Giáo sư Phúc nói.
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho biết, trước nay, nhiều người quan niệm học Lịch sử là học về việc giữ nước, nhưng nội dung dựng nước trong môn học này cũng rất ý nghĩa, cần phải làm đậm hơn.
"Chúng ta không nên đổ lỗi cho học sinh về việc các em thờ ơ, không quan tâm đến môn Lịch sử. Bởi vì trách nhiệm trước hết là từ việc biên soạn sách giáo khoa chưa hay, nên học sinh phải nhớ nhiều dữ liệu không cần thiết. Bên cạnh đó, đội ngũ thầy cô giảng dạy cũng cần phải đổi mới phương thức dạy.
Cũng là một giáo trình sách, nếu giáo viên biết tạo ra một không gian, thời gian Lịch sử gồm tình hình kinh tế, chính trị... sau đó mới dạy về chi tiết sự kiện sẽ giúp học sinh không học vẹt, học tủ, các em sẽ có phương pháp học tốt hơn", nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng chia sẻ.