'Cú hích' để Quảng Trị phát triển

Quảng Trị - vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, có vị trí chiến lược quan trọng ở miền Trung cũng như cả nước. Đây là giao điểm của trục kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây, có điều kiện giao thông thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt và đường thủy, trong đó có các tuyến giao thông huyết mạch của quốc gia; đặc biệt tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC), tuyến đường xuyên Á ngắn nhất nối các nước trong khu vực từ Myanmar - Thái Lan - Lào qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đến miền Trung Việt Nam…

Mục tiêu tăng trưởng hàng năm 8,2%

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 29/12/2023. Quy hoạch đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 của Quảng Trị đạt 8,2%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt từ 140 đến 170 triệu đồng/người.

Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, thời gian qua, Quảng Trị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và tổ chức triển khai nghiêm túc, kịp thời việc lập quy hoạch theo phương pháp mới. Bên cạnh, việc phối hợp với các tổ chức tư vấn lập quy hoạch có bề dày kinh nghiệm trong nước, địa phương cũng đã tranh thủ được sự hỗ trợ của các tổ chức tư vấn quy hoạch mang tầm quốc tế.

Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, Quảng Trị đạt trình độ phát triển thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước, cơ cấu kinh tế cơ bản là tỉnh công nghiệp dịch vụ. Địa phương là một trong những trung tâm kinh tế tổng hợp của khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, trung tâm hậu cần và trung chuyển hàng hóa của khu vực Đông Nam Á và các hành lang giao thông trong khu vực ASEAN, tiểu vùng sông Mekong (GMS), đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao. Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Trị trở thành tỉnh có nền kinh tế vững mạnh với cơ cấu chính là công nghiệp, dịch vụ và là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung Bộ.

Ngoài ra, theo quy hoạch Quảng Trị đã chia các tiểu vùng phát triển gồm: Vùng trung du và đồng bằng cao, vùng ven biển và đảo Cồn Cỏ, vùng trũng và vùng núi phía tây. Các hành lang phát triển cũng được phân định gồm: Hành lang trung tâm gắn với quốc lộ 1A và cao tốc bắc - nam, hành lang ven biển gắn với đường ven biển, hành lang đông - tây dọc theo quốc lộ 9, hành lang đông - tây dọc theo quốc lộ 15D, hành lang phụ trợ dọc theo biên giới, hành lang phụ trợ dọc theo đường 9D…

Cũng theo ông Võ Văn Hưng, quy hoạch tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng, tạo bước đột phá chiến lược trong cải cách thể chế, biến thách thức thành cơ hội, tăng cường thu hút đầu tư, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng- an ninh, bảo vệ môi trường. UBND tỉnh sẽ khẩn trương hoàn thiện kế hoạch, xây dựng lộ trình cụ thể để triển khai các nhiệm vụ, định hướng và ý tưởng quy hoạch, hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch đã xác định.

Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, “mắt xích” quan trọng nằm trên hành lang kinh tế Đông - Tây

Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, “mắt xích” quan trọng nằm trên hành lang kinh tế Đông - Tây

Kỳ vọng đón “làn sóng” đầu tư

Để triển khai hiệu quả quy hoạch, Quảng Trị cũng xác định sớm hoàn thiện kế hoạch, xây dựng lộ trình thực hiện, xác định nội dung trọng tâm và nguồn lực để triển khai các chương trình, dự án theo quy hoạch; hoàn chỉnh các quy hoạch phân khu, chi tiết, các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành nhằm đảm bảo tính đồng bộ, sẵn sàng trong kêu gọi và thu hút đầu tư.

Những năm gần đây, Quảng Trị luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội và quyết định đầu tư dự án… Song song, với việc công bố quy hoạch, địa phương cũng đã tổ chức lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị với tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng. Theo các chuyên gia, với việc đưa vào khai thác Cảng hàng không Quảng Trị sẽ góp phần “mở cửa bầu trời”, kích cầu du lịch, kết hợp vận chuyển hàng hóa, logistics, phục vụ phát triển khu công nghiệp, dịch vụ thương mại, đồng thời góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Trên thực tế, xác định việc xúc tiến, kêu gọi đầu tư là khâu quan trọng để tiếp cận và thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, thời gian gần đây Quảng Trị đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, vận dụng linh hoạt các chính sách ưu đãi cùng nhiều giải pháp mang tính đột phá. Năm 2023, UBND tỉnh Quảng Trị đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 50 dự án với tổng số vốn là 3.473,64 tỷ đồng. Đặc biệt, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 21 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 2.536,87 triệu USD.

Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã phê duyệt danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư giai đoạn 2022-2025. Trong đó, có một số dự án trọng điểm. Đồng thời, tập trung thu hút đầu tư vào các ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế theo hướng công nghệ mới, công nghệ cao và phát triển bền vững, các dự án chế biến sâu và mang lại giá trị thặng dư lớn như năng lượng, công nghiệp phụ trợ, chế biến gỗ, chăn nuôi quy mô lớn, công nghệ cao, hạ tầng logistics, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch văn hóa - lịch sử, trung tâm thương mại, bệnh viện và các cơ sở giáo dục chất lượng cao.

Ông Hưng cũng cho biết, ngoài các chính sách ưu đãi của Chính phủ, nhà đầu tư khi đến với Quảng Trị còn được hưởng những ưu đãi, hỗ trợ riêng. Theo đó, nhà đầu tư được hỗ trợ theo từng ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên đầu tư kinh doanh của địa phương; bên cạnh đó còn được hưởng những ưu đãi về tiền thuê đất, hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào dự án; hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo, tư vấn thị trường đầu ra cho sản phẩm tùy từng dự án cụ thể… Với nhiều nỗ lực như vậy, Quảng Trị kỳ vọng sẽ đón “làn sóng” đầu tư trong thời gian đến.

Nghi Lộc

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/cu-hich-de-quang-tri-phat-trien-153476.html