Cụ thể hóa Luật Ngân sách nhà nước theo hướng tăng phân cấp, phân quyền

Sáng 7-7, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị thảo luận, lấy ý kiến các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương về hồ sơ trình Chính phủ dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN).

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Luật NSNN là một dự án luật quan trọng, có phạm vi rất rộng, tác động tới toàn bộ các ngành, lĩnh vực và các địa phương, góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Để đạo luật nền tảng này phát huy hiệu quả, Quốc hội đã giao Chính phủ quy định chi tiết 26 nội dung và Ủy ban Thường vụ Quốc hội 4 nội dung. Bộ Tài chính đã chủ trì xây dựng 6 dự thảo nghị định của Chính phủ và 3 dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

 Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại hội nghị

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại hội nghị

Dự thảo nghị định được đưa ra lấy ý kiến lần này có vai trò đặc biệt quan trọng, bởi sẽ quy định chi tiết tới 20/26 nội dung được Quốc hội giao và thay thế cho Nghị định số 163/2016/NĐ-CP đã được áp dụng trong gần một thập kỷ qua. Điều này cho thấy sự thay đổi mang tính toàn diện trong tư duy và phương thức quản lý ngân sách nhà nước.

Dự thảo nghị định tập trung giải quyết 3 nhóm vấn đề trọng tâm, được xem là 3 trụ cột của cơ chế quản lý ngân sách mới.

Một là, hoàn thiện chu trình ngân sách, khắc phục các bất cập tồn tại. Đây là nội dung bao trùm, liên quan toàn bộ vòng đời của ngân sách, từ khâu xây dựng dự toán, chấp hành, quyết toán cho đến công khai.

Mục tiêu của nghị định là khắc phục những điểm hạn chế, bất cập để rà soát, sửa đổi cho phù hợp với quy định tại luật và phù hợp với thực tiễn. Điều này có nghĩa các điểm nghẽn trong phân bổ, điều hành, quyết toán vốn gây khó khăn cho các địa phương, bộ, ngành sẽ được tập trung tháo gỡ, tạo sự thông suốt và hiệu quả trong quản lý.

 Quang cảnh hội nghị

Quang cảnh hội nghị

Hai là, cởi trói cho đầu tư phát triển và tăng cường liên kết vùng. Nghị định sẽ làm rõ cơ chế để các địa phương sử dụng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách địa phương cho các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng trọng điểm.

Một điểm mới mang tính đột phá là quy định về việc một địa phương có thể dùng ngân sách để hỗ trợ địa phương khác. Quy định này được kỳ vọng sẽ phá vỡ tư duy cục bộ, thúc đẩy liên kết vùng, tạo điều kiện cho các địa phương có tiềm lực kinh tế mạnh hơn có thể chung tay hỗ trợ các địa phương còn khó khăn, vì mục tiêu phát triển chung của đất nước.

Ba là, chuẩn hóa việc lập kế hoạch tài chính 5 năm. Cụ thể, nhằm nâng cao tầm nhìn và tính chiến lược trong quản lý tài chính, dự thảo nghị định sẽ tổng hợp và hướng dẫn chi tiết về việc xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm.

Công cụ này sẽ giúp các bộ, ngành và địa phương thoát khỏi tư duy quản lý ngân sách ngắn hạn, theo từng năm, thay vào đó là một tầm nhìn trung hạn, gắn kết chặt chẽ việc phân bổ nguồn lực với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội dài hạn.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, tinh thần xuyên suốt của dự thảo nghị định là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Nghị định hướng tới đơn giản hóa thủ tục, tạo sự chủ động tối đa cho các bộ, ngành, địa phương trong toàn bộ chu trình ngân sách đồng thời đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, cá thể hóa trách nhiệm.

LƯU THỦY

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cu-the-hoa-luat-ngan-sach-nha-nuoc-theo-huong-tang-phan-cap-phan-quyen-post802304.html