Cuộc chơi cũ, cách chơi khác
Trong cuộc thương chiến thuế quan bảo hộ thương mại với các đối tác, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chuyển thời hạn từ ngày 9-7 vừa qua đến ngày 1-8 sắp tới.
Khi trước, ông D.Trump công bố đồng thời mức thuế quan bảo hộ thương mại đối với tất cả các đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ trên thế giới. Mới rồi, người này đổi cách và gửi thư tới lãnh đạo từng quốc gia thông báo mức thuế mới của Mỹ, đa phần đều thấp hơn so với trước. Qua đó có thể thấy cuộc chơi với thuế quan bảo hộ thương mại vẫn được ông D.Trump duy trì và tăng cường nhưng cách chơi đã có phần khác và mục đích cũng đã được mở rộng.
Chậm nhất cho tới thời điểm hiện tại, các đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ không thể còn chút nghi ngờ nào nữa về thực chất những mục tiêu mà ông D.Trump theo đuổi với cuộc thương chiến thuế quan sau khi trở lại cầm quyền ở nước Mỹ. Khắc phục thâm hụt trong cán cân trao đổi thương mại của nước Mỹ là một mục tiêu nhưng không phải là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Bằng chứng thời sự và rõ ràng nhất là Brazil.
Ngày 9-7 vừa qua, ông D.Trump tuyên bố áp thuế quan bảo hộ thương mại 50% đối với hàng hóa của Brazil. Mỹ xuất siêu chứ không phải nhập siêu với Brazil.
Trong 15 năm qua, Mỹ xuất siêu với Brazil 410 tỷ USD. Lý do được vị Tổng thống này đưa ra để biện luận cho việc áp thuế quan 50% đối với hàng hóa của Brazil xuất khẩu vào thị trường Mỹ là việc Brazil ở thời Tổng thống Lula da Silva truy tố cựu Tổng thống Jair Bolsonaro, người được coi là bản sao của ông D.Trump ở Brazil, về tội tìm cách lật ngược kết quả cuộc bầu cử tổng thống hồi năm 2022.
Ông D.Trump không nêu ra cụ thể nhưng trên thực tế còn có nguyên do khác nữa là ông Lula da Silva luôn thể hiện quan điểm phản đối thuế quan bảo hộ thương mại của Mỹ trong quan hệ giữa Brazil và Mỹ cũng như trong Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS).
Ông D.Trump đã tuyên bố trừng phạt BRICS nếu nhóm này thúc đẩy việc phi đô la hóa và áp thêm 10% thuế quan đối với những quốc gia hậu thuẫn sự phản đối của nhóm BRICS đối với thuế quan bảo hộ thương mại của Mỹ.
Có thể thấy qua đó có hai điều. Thứ nhất, thuế quan bảo hộ thương mại được ông D.Trump sử dụng làm vũ khí đa năng để xử lý mọi chuyện liên quan đến chính trị thế giới, đến quan hệ đối ngoại và kinh tế đối ngoại của Mỹ với tất cả các đối tác của nước này trên thế giới, bất kể đấy là đồng minh hay đối tác hoặc đối thủ của Mỹ.
Thứ hai, ông D.Trump sẵn sàng sử dụng việc áp thuế quan bảo hộ thương mại để đạt được mục đích phi thương mại kể cả khi đã đạt được thỏa thuận thương mại với các đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ trên thế giới.
Sau thời hạn đầu tiên là 90 ngày, Mỹ mới đạt được thỏa thuận thương mại với Anh và Việt Nam cùng với một thỏa thuận khung với Trung Quốc. Như thế thật sự ít ỏi so với mong muốn và dự đoán ban đầu của ông D.Trump. Người này giờ gặp khó là nếu không gia hạn thì không thể đạt được thêm thỏa thuận thương mại bởi đàm phán thương mại với đối tác nào cũng khó khăn, phức tạp và cần thời gian. Nhưng nếu không gây áp lực và cứ hết hạn sẽ lại gia hạn thì các đối tác sẽ dền dứ đàm phán với Mỹ. Vì thế mới có chuyện đổi cách thức đàm phán. Mức độ thuế áp đặt có giảm để ẩn chứa thông điệp - đấy là mức độ thuế để chấp nhận chứ không phải để đàm phán.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/cuoc-choi-cu-cach-choi-khac-708753.html