Cuộc gặp ấm áp, xúc động của Chủ tịch nước với những em nhỏ đặc biệt
Nhiều câu chuyện xúc động cùng nghị lực phi thường của những em học sinh đặc biệt được chia sẻ trong cuộc gặp thân mật với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chiều 19/11 có cuộc gặp gỡ thân mật với học sinh xuất sắc trong cuộc thi vẽ tranh và sáng tác văn học “Vì một Việt Nam tất thắng”, dành cho các bệnh nhi ung thư, bệnh hiểm nghèo, chất độc da cam, tàn tật, khuyết tật, tự kỷ và trẻ mồ côi.
Phát biểu đầu tiên, cô Kim Phấn, công tác tại BV Ung bướu TP.HCM, là cô giáo của những "chiến binh" ung thư bày tỏ sự xúc động khi được ra Thủ đô gặp Chủ tịch nước.
Năm 2007, thông qua chương trình "Ước mơ của Thúy", cô Kim Phấn đến thăm một bệnh nhân ung thư tại BV Ung bướu TP HCM. Thương cảm với hoàn cảnh của các em nhỏ, từ ngày đó, cô giáo trường Tiểu học Đuốc Sống (quận 1), thường ghé thăm và tặng quà cho các bệnh nhi tại đây. Hai năm sau, chương trình mở lớp học tình thương cho bệnh nhi và mời cô Phấn đứng lớp. Đến nay, cô đã có hơn 10 năm gắn bó với những em nhỏ điều trị tại BV.
Chia sẻ về những học sinh đặc biệt của mình, cô Kim Phấn bồi hồi: "Học sinh tôi từng dạy có những em không còn nữa, nhưng những ký ức về các em thì lúc nào cũng vẹn nguyên. Cuộc đời của các em tuy ngắn nhưng các em đã gửi trọn hạnh phúc khi được đến với con chữ, được đến trường lớp dù chỉ ở trong bệnh viện".
Tuy sức khỏe bắt đầu có dấu hiệu giảm sút nhưng cô Phấn cho biết "còn đến đâu thì làm đến đó", cô sẵn sàng "giữ lửa" cho lớp học đặc biệt trong BV Ung bướu TP.HCM.
Nguyễn Thị Hoàng Oanh được cô giáo chủ nhiệm đưa từ TP.HCM ra Hà Nội, lần đầu được gặp Chủ tịch nước, cô bé không giấu nổi niềm vui. Cô giáo Đông Hà kể, Oanh mồ côi ba mẹ từ nhỏ, đến năm 10 tuổi lại gặp tai nạn nghiêm trọng, bị mất một chân nhưng em chưa bao giờ để mọi người thương hại mà luôn thể hiện sự mạnh mẽ, ý chí vươn lên.
Cô bé xuất thân từ khu lao động nghèo ở vùng ven TP.HCM, 3 năm trước bất ngờ được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (khi đó là Thủ tướng) gửi thư động viên.
Trong lễ khai giảng năm học 2019, em nhận được bức thư rất xúc động. “Con không ngờ những khó khăn con đã trải qua suốt nhiều năm bác đều nhận thấy. Những tâm sự của con, cả ước mơ muốn trở thành bác sĩ của con bác cũng biết. Trong thư bác cũng hẹn: “Bác chắc bác cháu ta sẽ gặp nhau vào một dịp gần đây”.
Lá thư đã đồng hành cùng Hoàng Oanh suốt 3 năm qua. Mỗi khi khó khăn, em đều mang thư ra đọc lại để có thêm động lực cố gắng. Em đã nhận được nhiều sự động viên, hỗ trợ từ các cá nhân, tổ chức. Có điều kiện tốt hơn, em đã không còn phải đi bán vé số cùng bà ngoại mỗi ngày sau giờ học nữa, mà có thể tập trung học hành, tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ xúc động được gặp Hoàng Oanh: “So với thời điểm 3 năm trước, khi tôi gửi thư cho cháu, tôi thấy cháu đã trưởng thành hơn rất nhiều, đã trở thành một người truyền cảm hứng về sự dũng cảm, ý chí, nỗ lực không ngừng với người khác, với cả cộng đồng”.
Tại cuộc gặp, nhiều câu chuyện, hoàn cảnh khác làm lay động lòng người cũng được các em, các cô giáo chia sẻ. Đó là cô bé Ánh Tuyết (13 tuổi, quê ở Hưng Yên đang điều trị ung thư tại Hà Nội). Sau khi xem tivi và được đọc bức thư của Chủ tịch nước gửi đến gia đình anh Nguyễn Quốc Cường (người làm việc thiện nhưng không may qua đời do mắc Covid-19), Tuyết đã được truyền cảm hứng vẽ bức tranh ông chủ quán cơm 0 đồng ở TP.HCM. Ánh Tuyết tin rằng, trong số những người nhận cơm thiện nguyện có cả bệnh nhi ung thư như mình.
Hay câu chuyện từ cô thiếu nữ đến từ làng trẻ em SOS Hải Phòng vừa đón sinh nhật 18 tuổi ít ngày trước khiến nhiều người xúc động. Em bật khóc khi kể về cuộc đời bất hạnh của mình nhưng cũng bật khóc vì sự giúp đỡ, cưu mang của những người mẹ, gia đình tại làng SOS đã nhận nuôi em suốt gần 20 năm nay.
Mỗi năm, những ngày tháng 11 đều khiến nữ sinh rơi lệ vì ngày sinh nhật nhắc nhở về biến cố em bị bỏ rơi tại bụi tre đầu làng khi còn là bé sơ sinh, với chỉ một chiếc tã duy nhất ướt đầm nước cống.
Năm nay, nước mắt em càng rơi nhiều hơn nhưng là nước mắt của hạnh phúc khi em nhận được học bổng “Trái tim sư tử” trị giá 1 tỷ đồng từ một trường đại học quốc tế danh tiếng tại Việt Nam sau nhiều nỗ lực phấn đấu.
Chia sẻ với các em học sinh, các thầy cô trong cuộc gặp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ: “Được gặp các cháu học sinh, sinh viên tài năng và dũng cảm như thế này, tôi rất cảm động và vui mừng.
Chính các em, trong nghịch cảnh đã vượt qua mọi khó khăn, tạo nên những tác phẩm đầy ý nghĩa nhân văn với cộng đồng, giúp khơi dậy, cổ vũ ý chí quật cường trong mỗi người Việt Nam để chúng ta cùng cố gắng, có niềm tin mạnh mẽ hơn để chiến thắng đại dịch”.
Chủ tịch nước dẫn chứng từ em Thủy Tiên - sinh viên năm 3 ĐH Ngoại thương, trước đây bị ung thư nhưng nhờ kiên trì và nghị lực phi thường đã vượt qua khó khăn.
Câu chuyện của mỗi cháu, theo Chủ tịch nước không chỉ là bài học cho trẻ em mà còn có ý nghĩa lớn lao với chính những người lớn, bài học cần tiếp tục được vun xới về ý chí, nghị lực, về ước mơ, khát vọng đẹp đẽ của tuổi trẻ.
Chủ tịch nước cũng lưu ý lãnh đạo các bộ, ngành có mặt, tham dự sự kiện về việc bảo vệ, chăm lo tốt hơn cho trẻ em, nhất là trẻ yếu thế, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, để tất cả các em đều có được môi trường thuận lợi, tốt đẹp hơn trong quá trình trưởng thành.
Các em thiệt thòi nhiều nhưng bên trong những cơ thể mang bệnh, mang nỗi đau, tổn thương tinh thần to lớn là những tài năng, trí tuệ không thể bị bỏ rơi trên đường đời.
Chủ tịch nước yêu cầu lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH cùng phối hợp nghiên cứu mở rộng hơn nữa chính sách hỗ trợ, chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.
“Tất cả chúng ta, cả xã hội có trách nhiệm nuôi dưỡng hy vọng cho thế hệ trẻ. Tôi nhấn mạnh tinh thần, không để ai bị bỏ lại phía sau, không để trẻ em mồ côi, khó khăn nào bị lạc lõng, cô độc giữa dòng đời”, Chủ tịch nước yêu cầu.