Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh tham gia ý kiến đối với Dự án Luật Việc làm (sửa đổi)
Tiếp tục phiên thảo luận tại tổ về Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) sáng 9/11/2024, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai tham gia ý kiến.
Về đối tượng áp dụng, Điều 2 dự thảo luật quy định: “Luật này áp dụng đối với người lao động, người sử dụng lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc làm”. Đại biểu đề nghị quy định cụ thể nội dung “cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan đến việc làm” để tránh việc các tổ chức, cá nhân khác trục lợi từ chính sách của Nhà nước.
Về tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, tại khoản 5 Điều 36 dự thảo luật quy định: “Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn việc xây dựng, thẩm định và công bố tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia”. Đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “Bộ trưởng” trước đoạn “Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội” để phù hợp với thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định tại điểm b khoản 1 Điều 1 của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Thông tư của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Bộ, cơ quan ngang bộ không phải là chủ thể ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về dịch vụ việc làm, tại khoản 1 Điều 46 dự thảo Luật quy định: “Dịch vụ việc làm là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả công đoạn của quá trình cung ứng dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm; cung ứng và kết nối người lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động; thu thập, cung cấp thông tin về thị trường lao động”. Đại biểu đề nghị bổ sung vào khoản 1 thành như sau: “Dịch vụ việc làm là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả công đoạn của quá trình cung ứng dịch vụ, hướng nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm; cung ứng và kết nối người lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động; thu thập, phân tích, lưu trữ, cung cấp thông tin về thị trường lao động, di chuyển tìm kiếm việc làm trong và ngoài nước”. Lý do của đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh là từ thực tiễn của thị trường lao động, rất cần thiết phải có hoạt động hướng nghiệp, phân tích, lưu trữ thông tin nhằm đảm bảo tính xác thực của thông tin, giúp người dân, cộng đồng doanh nghiệp được tiếp cận, thụ hưởng.
Về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp, các điểm a, b khoản 1 Điều 58 dự thảo luật quy định: a) Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; b) Người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “tối đa” do quy định như vậy chưa rõ ràng vì mức đóng “tối đa” 1% thì người lao động và người sử dụng lao động có thể đóng mức thấp hơn 1%.
Về thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp, tại khoản 5 Điều 60 dự thảo luật quy định: “Chính phủ quy định chi tiết khoản 2, khoản 3 điều này”, đề nghị Ban soạn thảo sửa thành “Chính phủ quy định chi tiết khoản 1, khoản 2, khoản 3 điều này”. Theo đại biểu, lý do là trường hợp người lao động đã được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp mới được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận bổ sung thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp thì thời gian này được xác định là thời gian đóng nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 điều này, do đó cần giao Chính phủ quy định chi tiết thêm cả khoản 1.
Về mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp: Tại khoản 1 dự thảo luật quy định: “Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố tại tháng cuối cùng đóng bảo hiểm thất nghiệp”.
Đại biểu đề nghị điều chỉnh tăng mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp quy định từ 60% lên ít nhất là 80% mức tiền lương mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp. Lý do là đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội theo mức lương tối thiểu vùng (Nghị định 74 ngày 30/6/2024 của Chính phủ) quy định, mức lương của vùng IV: 3.450.000 đồng, số tiền tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp: 3.450.000 đồng +7%. Mức trợ cấp 60% của 6 tháng lương bình quân đóng bảo hiểm thất nghiệp chỉ được 2.214.000 đồng/tháng, số tiền trợ cấp/tháng cho người lao động như vậy là rất thấp. Khi mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động không có thu nhập, khoản tiền trợ cấp thất nghiệp hằng tháng sẽ góp phần giải quyết khó khăn trong ngắn hạn cho người lao động khi chưa tìm được việc làm mới. Vì vậy, cần điều chỉnh mức trợ cấp thất nghiệp lên ít nhất 80% để phù hợp với thực tế nhu cầu cuộc sống...