Đại biểu Quốc hội: Ai cũng bị nhận điện thoại lừa đảo
Đại biểu cho rằng, cần chú ý đến chất lượng cuộc sống của người dân, cả về thể chất và tinh thần. Gần đây diễn ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, vụ việc liên quan đến an toàn thông tin, an ninh mạng, thông tin xấu độc, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng... chi phối sự tập trung của doanh nghiệp, người dân cho phát triển kinh tế.
Sáng 29-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội. Nhiều vấn đề xã hội nổi cộm được các đại biểu Quốc hội (ĐB) chỉ ra.
Vấn nạn lừa đảo trực tuyến
Theo ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận), tình trạng đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu vùng xa; tình trạng quá tải bệnh viện, lừa đảo trực tuyến tăng cao… đang là vấn đề mà cử tri, nhân dân lo lắng.
“Không chỉ người dân, cán bộ công chức mà chính đại biểu Quốc hội ngồi đây, ai cũng nhận được các cuộc gọi điện thoại quảng cáo, làm phiền hay lừa đảo”, ĐB phản ánh. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có những biện pháp quyết liệt để xử lý nhưng đến nay tình trạng này vẫn còn. Do đó, ĐB kiến nghị cần quan tâm có giải pháp thực sự hiệu quả cho tình trạng này.
ĐB Tạ Thị Yên (Điện Biên) cũng cho rằng, cần chú ý đến chất lượng cuộc sống của người dân, cả về thể chất và tinh thần. ĐB lo ngại khi gần đây diễn ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, vụ việc liên quan đến an toàn thông tin, an ninh mạng, thông tin xấu độc, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, tội phạm hình sự, gây bất an trong xã hội, chi phối sự tập trung của doanh nghiệp, người dân cho phát triển kinh tế. ĐB cho rằng, lừa đảo trực tuyến ngày càng nhiều, số tiền bị lừa ngày càng lớn, người dân thực sự bức bối.
Cũng theo ĐB Tạ Thị Yên, những vụ việc cháy nhà trọ thương tâm vừa qua đã cho thấy lỗ hổng trong việc tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy và quản lý nhà nước có liên quan. “Nước ta ngày càng đông dân, đô thị thì chật hẹp, nhiều người dân chưa có nhà ở, nhiều người từ nông thôn tới thành thị kiếm sống, học tập phải ở trong các khu nhà trọ thiếu tiện nghi, thiếu các phương án phòng cháy chữa cháy, thoát hiểm, cứu hộ, cứu nạn. Trách nhiệm bảo vệ cuộc sống của người dân của các cấp chính quyền trong công tác quản lý đô thị, quản lý xây dựng, phòng cháy chữa cháy, kinh doanh nhà trọ… như thế nào để không bao giờ xảy ra những sự việc đau lòng như vừa qua nữa?”, ĐB Tạ Thị Yên phát biểu.
Đáng chú ý, ĐB Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) đề nghị Chính phủ cân nhắc, có giải pháp để giảm giá vé máy bay nội địa, từ đó, góp phần giảm chi phí đi lại cho người dân; đồng thời, góp phần thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, kích cầu các hoạt động du lịch, dịch vụ nội địa, tăng tính cạnh tranh so với các tour du lịch nước ngoài. ĐB đề xuất một số giải pháp cho vấn đề này như: có chính sách để hỗ trợ các hãng hàng không trong nước, thông qua việc miễn, giảm thuế, phí có liên quan, giảm giá trong dịch vụ hàng không; tăng số lượng máy bay, mở thêm các đường bay cũng như cần tăng năng lực điều hành, vận hành khai thác tại các cảng hàng không.
Cần có thông tư hướng dẫn chi tiết về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) chỉ rõ một tồn tại, hạn chế nhưng chưa có giải pháp quyết liệt. Đó là tình trạng ngần ngại ra các quyết định theo thẩm quyền, tình trạng đùn đẩy, trì hoãn phê duyệt các dự án, các loại giấy phép; tình trạng chậm trả lời các câu hỏi, chậm ban hành các hướng dẫn, chậm giải quyết những khiếu nại, ách tắc của người dân và doanh nghiệp. Tình trạng này làm ảnh hưởng đến đầu tư công và đầu tư xã hội, đình đốn trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội…
ĐB hoan nghênh Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; tuy nhiên, theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, quy định này là chưa đủ. Do đó, đề nghị cần có những hướng dẫn cụ thể hơn, rõ ràng hơn thì cán bộ, công chức các cấp, các ngành mới yên tâm thực thi công vụ.
ĐB đề nghị Thủ tướng Chính phủ cần có chỉ đạo ban hành thông tư liên bộ hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị định 73/2023/NĐ-CP về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Thông tư này cần hướng dẫn cụ thể đồng thời cần sâu sát với tâm tư, những bức xúc của cán bộ, có như vậy cán bộ, công chức mới an tâm ban hành các quyết định hành chính.
Cảnh giác với lạm phát
ĐB Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh hơn đến yếu tố tiền tệ gây ra rủi ro lạm phát, sau một thời gian khá dài theo đuổi chính sách tài khóa mở rộng và chính sách tiền tệ nới lỏng.
Ghi nhận nền kinh tế vừa có những tháng đạt mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ từ năm 2020 đến nay, song ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) phân tích: “Ngân sách nhà nước, thu đang tăng mạnh hơn chi, giúp cán cân ngân sách thặng dư lớn, tới gần 300.000 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm. Thành tích này giúp chính sách tài khóa có thêm dư địa để mở rộng, hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, nhìn nhận ở khía cạnh khác, kết quả này có nghĩa một lượng tiền lớn của doanh nghiệp và người dân đã được huy động và rút ra khỏi nền kinh tế, chưa được tái phân phối kịp thời trở lại”.
Theo ĐB, đây chính là một nguyên nhân quan trọng khiến tăng trưởng huy động vốn của hệ thống ngân hàng khá thấp và mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% của năm 2024 đặt ra là một thách thức.
ĐB Hà Sỹ Đồng cũng lo lắng về nguy cơ lạm phát trong thời gian tới. ĐB chỉ ra nhiều yếu tố khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng trong thời gian qua và nêu rõ, tới đây giá cả hàng hóa thế giới vẫn bất định, tiềm ẩn rủi ro gia tăng khi xung đột địa chính trị đang cao trào; việc thực hiện tăng lương tối thiểu từ ngày 1-7 khiến giá cả tăng theo; cộng hưởng với các yếu tố “mùa vụ” như nghỉ hè, đầu năm học mới và đặc biệt là thiên tai, bão lũ bất thường những tháng cuối năm...
ĐB Hà Sỹ Đồng phát biểu: “Tôi muốn nhấn mạnh hơn đến yếu tố tiền tệ gây ra rủi ro lạm phát, khi mà chúng ta đã một thời gian khá dài theo đuổi chính sách tài khóa mở rộng và chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ hồi phục và phát triển kinh tế. Thêm nữa, yếu tố lạm phát kỳ vọng cũng đang được nhen nhóm khi tỷ giá, giá vàng, giá bất động sản phân khúc chung cư ở một số đô thị lớn biến động mạnh”.
ĐB cũng đề nghị bên cạnh những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng thì kiểm soát lạm phát cần được đặc biệt coi trọng trong thời gian tới.
ANH PHƯƠNG
ĐB Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, trước đây, cán bộ, doanh nghiệp đã có những việc làm không đúng quy định của pháp luật, thu lợi bất chính từ đấu thầu, giao đất không thông qua đấu giá, bắt tay nhau để đấu thầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tiêu cực. Nếu có quy định tự giác khai báo và hoàn trả lại nguồn tiền bất hợp pháp cho Nhà nước, thì được bảo vệ bí mật và được khép lại hồ sơ, hoạt động công tác bình thường. Mục đích là để cho những người này lỡ tay “nhúng chàm” được ăn năn hối cải, đó cũng là chính sách khoan hồng nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta. “Như tiền nhân đã nói đánh người chạy đi chứ không đánh người trở lại. Tôi tin rằng những người này làm rất tốt để chuộc lỗi lầm của mình trong thời gian qua”, ĐB Phạm Văn Hòa nói.
Theo ông, ai không tự giác khai báo, nếu sau bị phát hiện sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức cao nhất, không tình tiết giảm nhẹ, không miễn trừ; làm như vậy thì họ sẽ suy nghĩ về hành vi hoạt động của mình, tình hình tham nhũng, tiêu cực sẽ giảm, lấy lại niềm tin với người dân.
Từ quan điểm đó, ĐB Phạm Văn Hòa cho rằng, nếu như hiện nay, các cơ quan chức năng vào cuộc truy cứu những vụ việc trước đây với tổ chức, cá nhân, chắc chắn họ sẽ phải “vào lò”. "Như vậy biết bao giờ mới hết?", ĐB đặt câu hỏi.
Theo ĐB, những vụ sai phạm trước đây của cán bộ, doanh nghiệp cũng có phần do cơ chế, chính sách. Địa phương nào cũng muốn phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa, thu ngân sách cao cho “bằng chị, bằng em”, trải thảm đỏ để kêu gọi đầu tư nên vượt rào, không làm đúng quy định. “Giờ lật lại trang cũ, bị sai phạm dù nhiều hay ít, củi đưa vào lò toàn là "gỗ rất quý hiếm", rất xót xa”, ĐB phát biểu.
Cũng theo ĐB Phạm Văn Hòa, chúng ta có nhiều quy định về phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm, nêu gương, nhưng cần theo tinh thần “có làm có sai, không làm không sai, nếu sai thì bị xử lý”. Tình trạng hiện nay, theo ĐB, cán bộ làm việc cầm chừng, sợ sai, sợ trách nhiệm, cũng có lý do của họ.
Đáng chú ý, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng phát biểu cho rằng, cần phải tập trung giải quyết tình trạng ngần ngại ra các quyết định trong thẩm quyền. Bởi hiện đang có tình trạng đùn đẩy, trì hoãn phê duyệt các dự án, cấp các loại giấy phép; chậm trả lời các câu hỏi; chậm ban hành các hướng dẫn; chậm giải quyết các khiếu nại, các ách tắc của người dân và của doanh nghiệp. Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu tư công và cả đầu tư xã hội, gây ra tình trạng đình đốn trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội.
Cho rằng, dù Chính phủ đã có Nghị định 73 về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, nhưng theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, quy định như vậy chưa đủ, mà phải có những hướng dẫn cụ thể hơn, rõ ràng hơn thì cán bộ, công chức các cấp, ngành mới yên tâm trong thực thi công vụ. ĐB đề nghị Thủ tướng chỉ đạo ban hành một thông tư liên bộ của Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp để hướng dẫn thi hành chi tiết Nghị định 73 về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. “Thông tư liên bộ này cần phải sâu sát với tình hình tâm tư, bức xúc của đội ngũ cán bộ các cấp trong cả nước. Thông tư liên bộ với đủ các ngành sẽ giúp cho cán bộ yên tâm trong việc hành xử và ra các quyết định hành chính của mình”, ĐB Trương Trọng Nghĩa phát biểu.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dai-bieu-quoc-hoi-ai-cung-bi-nhan-dien-thoai-lua-dao-post742065.html