Đại biểu Quốc hội: Đánh thuế phân bón 5% là không thuyết phục
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, việc đưa mức thuế phân bón lên 5% giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực này được khấu trừ, từ đó giúp giảm chi phí đầu vào là không thuyết phục.
Chiều 17/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).
Góp ý dự Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) bày tỏ băn khoăn về việc ban soạn thảo cần xem xét, việc đưa thuế phân bón, máy móc nông nghiệp lên 5% đã hợp lý chưa?
Việc đưa mức thuế lên 5% giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực này được khấu trừ, từ đó giúp giảm chi phí đầu vào là không thuyết phục.
Theo ông Cường, bởi các mặt hàng này đang được bán với mức giá không chịu thuế, sau này khi có thuế thì giá phân bón sẽ cao hơn, không thể thấp hơn. Cho nên không có chuyện thu thuế mà giá lại giảm đi.
Bên cạnh đó, phân bón sản xuất trong nước mới chiếm 70%, còn 30% phải nhập khẩu. Nếu VAT là 5%, giá phân bón nhập khẩu sẽ phải cao hơn giá bán hiện nay. Điều này có thuận lợi là hạn chế nhập khẩu và khuyến khích doanh nghiệp trong nước được miễn giảm thuế.
“Tôi cho rằng đây là tác động có lợi cho nhà đầu tư, nhưng về phía nông dân đương nhiên phải chịu thuế 5%. Bởi nếu không chịu thuế 5%, lấy đâu ra phần để doanh nghiệp được khấu trừ. Thực chất doanh nghiệp được khấu trừ, nhưng người chịu lại là nông dân”, ông Cường phân tích.
Từ đó, đại biểu đoàn Hà Nội lưu ý, quy định như dự thảo chưa thuyết phục, nhất là khi nước ta coi nông nghiệp, nông dân, nông thôn là bệ đỡ.
Đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất, dự luật quy định mặt hàng này chuyển thành thuế suất 0% và cũng đưa vào diện được hoàn thuế. Như vậy, nếu như doanh nghiệp nào có chi phí đầu vào trên 300 triệu đồng thì được miễn giảm, giúp tránh đưa phần thiệt về phía nông dân.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, việc cải cách thuế hướng vào tăng thuế giá trị gia tăng cần hết sức cân nhắc. Chúng ta còn có dư địa cải cách thuế ở nhiều lĩnh vực khác, điển hình như thuế tài sản, hầu như chưa thu được đồng nào trong khi thuế tài sản sẽ điều tiết thu nhập, hoạt động của các nhóm đối tượng khác nhau, đặc biệt là những người có thu nhập cao, tài sản lớn.
Góp ý về giảm thuế giá trị gia tăng 2%, đại biểu Hoàng Văn Cường đồng tình với việc giảm đến hết năm 2024, tuy nhiên thực tế khi triển khai giảm thuế thì mục tiêu giảm giá hàng cuối cùng đến người tiêu dùng nhưng có lẽ số lượng người tiêu dùng được hưởng không nhiều, trừ trường hợp mua hàng có hóa đơn chứng từ, còn phần lớn hàng hóa dịch vụ đang tiêu dùng hiện nay gần như không có hóa đơn chứng từ.
Trước ý kiến đại biểu liên quan thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với phân bón, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thuế phân bón đã trải qua nhiều thời kỳ. Trước đây, khi quy định áp thuế VAT đối với phân bón, nhiều đại biểu đã cho rằng như vậy sẽ nâng giá phân bón lên, cho nên sau khi sửa luật VAT đã bỏ thuế này với phân bón.
“Bây giờ thì chúng ta đứng trước 2 lựa chọn. Một là, nếu như không đưa vào thì rõ ràng các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sẽ rất khó khăn, bởi vì không được hoàn thuế đầu vào. Tuy nhiên, nếu đưa vào thì cũng sẽ có tác động đến giá, dù nhiều dù ít” - Bộ trưởng cho biết.
Trước ý kiến liên quan thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với phân bón, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị các đại biểu Quốc hội nghiên cứu để thống nhất quyết định làm thế nào đảm bảo được lợi ích của đất nước và bảo đảm được nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Do đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị các đại biểu Quốc hội nghiên cứu để thống nhất việc quyết định làm thế nào đảm bảo được lợi ích của đất nước và bảo đảm được nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Về vấn đề bỏ quy định về miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ, Bộ trưởng cũng lý giải tại sao lại đưa quy định này vào trong luật.