Đại biểu Quốc hội đề nghị giảm mức đóng để đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội phủ rộng hơn
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, quy định hiện nay về mức đóng của người lao động là 8%, người sử dụng lao động 14%, tổng cộng là 22% tiền lương không phải là con số nhỏ. Do đó, cần nghiên cứu lại tỷ lệ đóng góp này theo hướng tỷ lệ đóng góp có thể giảm xuống để đối tượng tham gia bảo hiểm phủ rộng hơn.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, chiều 2/11, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Giảm mức đóng bảo hiểm xã hội để đối tượng tham gia bảo hiểm phủ rộng hơn
Thảo luận tại Tổ 1 (gồm các đại biểu Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội), đa số các đại biểu thống nhất với các điều khoản, điểm mới của dự án Luật; đồng thời tập trung trao đổi về các nội dung còn gây tranh luận như việc rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần, mức xử phạt đối với đơn vị sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc…
Góp ý về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện, đại biểu Trần Thị Nhị Hà kiến nghị đưa toàn bộ nhóm đối tượng là chủ hộ kinh doanh bao gồm cả phải đăng ký kinh doanh và không đăng ký kinh doanh vào nội dung quy định tại Điều 3.
Tuy nhiên, cần đánh giá quy định về mức đóng BHXH bắt buộc của chủ hộ kinh doanh. Theo quy định về mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đối với các đối tượng lao động thông thường, người lao động đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 17%, tổng là 25%.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 39, đối tượng chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh phải đóng toàn bộ 25%. Theo đó, cần đánh giá tác động xã hội của quy định này vì đối tượng tác động lớn, nhiều đối tượng thuộc nhóm yếu thế trong xã hội, trong khi, đây hoàn toàn có thể là đối tượng khuyến khích tham gia bảo hiểm tự nguyện, cần nghiên cứu mức đóng cho phù hợp.
Ngoài ra, đại biểu Trần Thị Nhị Hà bày tỏ ủng hộ đề xuất giảm lợi ích từ việc rút bảo hiểm xã hội 1 lần theo phương án 2 của điểm đ tại Điều 77. Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Nhị Hà kiến nghị mức rút bảo hiểm xã hội không phải là 50%, mà tương ứng với mức đóng bảo hiểm của người lao động, để người lao động chỉ có thể rút khoản tiền họ đóng vào quỹ, còn khoản tiền mà người sử dụng lao động đóng sẽ được giữ lại để chi trả một phần lương hưu sau này.
Liên quan đến nội dung trên, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, chúng ta không khuyến khích việc rút bảo hiểm 1 lần. Tất nhiên, người ta đóng vào thì người ta có có quyền được rút ra, nhưng là hưởng phần 8% đã đóng và phải trừ đi chi phí quản lý. Phần còn lại do doanh nghiệp đóng, người sử dụng lao động đóng thì sẽ đưa vào để trở thành Quỹ trợ cấp hưu trí.
Về mức đóng BHXH, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, quy định hiện nay về mức đóng của người lao động là 8%, người sử dụng lao động 14%, tổng cộng là 22% tiền lương không phải là con số nhỏ, đặc biệt đối với doanh nghiệp. Do đó, cần nghiên cứu lại tỷ lệ đóng góp này theo hướng tỷ lệ đóng góp có thể giảm xuống để đối tượng tham gia bảo hiểm phủ rộng hơn.
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật, đại biểu Lê Nhật Thành cho rằng, tại điểm B, khoản 2, Điều 5 quy định về các chế độ BHXH, đề nghị bổ sung "chế độ thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm". Vì theo điểm 1, mục III, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách bảo hiểm, thì: "Bảo hiểm xã hội bắt buộc (với các chế độ hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ốm đau, thai sản, thất nghiệp) dựa trên đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động...".
Điều 12 về trách nhiệm của người sử dụng lao động, đại biểu Lê Nhật Thành đề nghị bổ sung một khoản tại điều này, vì hiện nay chưa có chế tài đối với đơn vị sử dụng lao động trong việc thu hồi số tiền hưởng BHXH không đúng quy định của người lao động, cụ thể như sau: "7. Phối hợp với cơ quan BHXH thực hiện thu hồi số tiền hưởng BHXH không đúng quy định của người lao động nộp về quỹ BHXH".
Về xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc (Điều 37), tại khoản 2, đại biểu Lê Nhật Thành đề nghị quy định theo hướng cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc thời gian từ 6 tháng lên 12 tháng trở lên vì khi ngừng sử dụng hóa đơn sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với doanh nghiệp trong tình hình kinh tế khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp tới việc làm của người lao động.
Trong khuôn khổ Phiên họp Tổ, các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội còn đóng góp ý kiến vào việc đảm bảo BHXH cho người cao tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn, người mang thai hộ…
Quy định chặt chẽ chế tài xử lý hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Thảo luận tại Tổ 4 (gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lai Châu và Thừa Thiên – Huế), một trong những nội dung của dự án Luật BHXH được nhiều đại biểu quan tâm là việc chậm đóng và trốn đóng BHXH bắt buộc.
Các đại biểu nhấn mạnh sửa Luật cần có các quy định nhằm giảm tối thiểu tình trạng người sử dụng lao động trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động. Đề nghị Ban soạn thảo có quy định chặt chẽ chế tài xử lý, cần mạnh hơn nữa và ngăn chặn ngay từ đầu; tăng cường các biện pháp về thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm theo dự thảo Luật đưa ra. Đồng thời, đề nghị có thêm các quy định để định rõ các vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan thực hiện các chính sách BHXH nếu để tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH bắt buộc gia tăng.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết thực tế, đóng BHXH chiếm đến 20-25% chi phí của doanh nghiệp nên nhiều doanh nghiệp lách luật để né đống BHXH bằng nhiều cách. Đã có quy định chế tài hình sự đối với hành vi trốn đóng BHXH nhưng thời gian qua xử lý trách nhiệm hình sự là rất ít, chủ yếu xử lý pháp nhân mà chưa có cá nhân bị xử lý.
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thị Phúc cho biết dự thảo Luật mới đề cập đến doanh nghiệp, người lao động, các tổ chức chính trị xã hội tham gia bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động mà chưa đặt ra vấn đề về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.
Do đó cần lượng hóa vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách BHXH để giảm tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH, không thể để gia tăng theo tốc độ, số lượng ngày càng có dấu hiệu gia tăng như thời gian qua.
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thị Phúc chỉ rõ khoản 2 Điều 37 của dự thảo Luật có quy định: "Cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 06 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng".
Song đại biểu cho rằng với tình trạng hiện nay hành vi trốn đóng 6 tháng trở lại phải áp dụng quy định về hình sự. Việc áp dụng biện pháp "ngừng sử dụng hóa" là chưa bảo đảm tính răn đe; đồng thời nếu quy định biện pháp này cần rà soát để bảo đảm tính thống nhất với các luật liên quan như Luật Đầu tư…
Đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH TP.Hải Phòng thì cho rằng quy định tại khoảng 4 Điều 37 của dự thảo Luật "Người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội và cơ quan có thẩm quyền đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà người sử dụng lao động vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng thì cơ quan bảo hiểm xã hội có quyền khởi kiện người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật" là chưa thực sự phù hợp.
Bởi hành vi hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH đã bị áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà tiếp tục tiếp diễn thì cần áp dụng biện pháp cao hơn của cơ quan có thẩm quyền. Trong khi đó dự thảo lại chuyển sang khởi kiện tức chế tài dân sự là chưa phù hợp, cần được tiếp tục nghiên cứu làm rõ, chỉnh sửa hợp lý hơn.
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế Lê Trường Lưu cho rằng cần có chế tài cưỡng chế qua tài khoản. Bởi hiện nay do không có biện pháp cưỡng chế nên rất khó trong giải quyết xử lý tình trạng nợ BHXH./.