Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng mức trợ cấp thất nghiệp
Trong phiên làm việc sáng 27/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Đa số các đại biểu nhận định: việc sửa đổi toàn diện Luật Việc làm đã đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững.
Theo đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, cần bổ sung nhóm đối tượng truyền nghề truyền thống vào dự thảo Luật: “Đối với một số địa phương có đặc thù dân cư sinh sống bao gồm nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề bảo tồn, duy trì nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc riêng, vì trên thực tế đối tượng truyền nghề truyền thống không có chứng chỉ hành nghề nên các địa phương gặp nhiều khó khăn trong chi trả chế độ, khuyến khích họ tham gia trao truyền, giảng dạy kỹ năng mà họ có sự kế thừa từ thế hệ trước và kinh nghiệm cá nhân".
Cho ý kiến về nội dung quy định về trợ cấp thất nghiệp và các đối tượng được hưởng chính sách về việc làm, đa số các đại biểu nhấn mạnh dự thảo luật cần rà soát các đối tượng được hưởng chính sách để tránh bỏ sót. Bà Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước, cho biết: “Hiện nay, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng chỉ bằng 60% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp, tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng. Tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 60% lên 75% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động để phù hợp với thực tiễn cuộc sống hiện nay”.
Góp ý vào điểm d, khoản 2, tại Điều 8, nhiều đại biểu kiến nghị bổ sung thêm nhóm đối tượng được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm với mức lãi suất thấp hơn, là người lao động trong hộ gia đình đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người cao tuổi thường xuyên đau ốm, không có khả năng lao động và không tự chăm sóc được bản thân.
Liên quan đến Điều 58 quy định đóng bảo hiểm thất nghiệp, các đại biểu bày tỏ băn khoăn tính khả thi của quy định này khi áp dụng vào thực tiễn chưa cao bởi vì việc cơ quan bảo hiểm xã hội thu được số tiền mà doanh nghiệp chậm đóng hoặc trốn đóng mới trả lại cho người lao động còn chậm trễ. Do đó, đề nghị cần xem xét lại quy định và đề xuất trong trường hợp vẫn giữ quy định thì phải có thời hạn giữ, thời hạn trả tiền cụ thể, rõ ràng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động.