Đại biểu Quốc hội đề xuất áp dụng cơ chế đặc thù cho tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo

Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, cần có quyết sách kịp thời để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là vấn đề về tín dụng. Đồng thời, đề nghị có đánh giá việc thực hiện cơ chế đặc thù tại 10 tỉnh; đề xuất áp dụng cơ chế đặc thù cho tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị), vì đây là tuyến cao tốc điểm đầu của Hành lang kinh tế Đông Tây, kết nối với tuyến cao tốc Bắc Nam, kết nối vùng... nhằm tạo đà bứt phá cho địa phương.

Chiều 29/5, phát biểu tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024, Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) nêu rõ, báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh, quý I năm 2024, tăng trưởng GDP cao nhất trong giai đoạn từ 2020 đến nay, đạt 5,56%. Tuy nhiên, Đại biểu đề nghị cần thận trọng với đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về giữ nguyên kịch bản đã xây dựng mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 đạt khoảng 6% - 6,5%.

 Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) phát biểu tại Quốc hội chiều 29/5.

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) phát biểu tại Quốc hội chiều 29/5.

Vị Đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Trị nêu thực tế, thách thức của nền kinh tế, đặc biệt là những khó khăn của doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao. Trong 4 tháng đầu năm 2024 ghi nhận 86.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường và bình quân có trên 21.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong một tháng.

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế cũng nêu rõ, đây lần đầu tiên trong vòng 5 năm ghi nhận số doanh nghiệp gia nhập, tái gia nhập thị trường 4 tháng đầu năm thấp hơn so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Đại biểu chỉ rõ, vấn đề doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường với số lượng lớn như vậy là vấn đề rất đáng quan tâm. “Chúng ta vẫn nói doanh nghiệp phát triển thì đất nước phát triển, vậy doanh nghiệp khó khăn thì chúng ta phải làm gì?”, Đại biểu Hà Sỹ Đồng đặt vấn đề, đồng thời, đề nghị Quốc hội tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá kỹ hơn để có những quyết sách kịp thời tại kỳ họp này nhằm tháo gỡ, hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động, trong đó có vấn đề về tín dụng.

 Quang cảnh phiên họp.

Quang cảnh phiên họp.

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% của năm 2024 là vấn đề khá thách thức. Việc tăng thu ngân sách nhà nước mạnh hơn chi đã tạo ra thặng dư gần 300.000 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm, nhưng cũng có nghĩa là một lượng tiền lớn của doanh nghiệp và người dân đã bị rút lui khỏi nền kinh tế mà chưa được tái phân phối kịp thời.

Điều này, dẫn đến sự tăng trưởng huy động vốn của hệ thống ngân hàng thấp, thậm chí đang âm (-1,1% đến cuối tháng 4), trong khi tăng trưởng tín dụng toàn ngành là 1,9% so với đầu năm. Vì vậy, Đại biểu nhận định để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% năm 2024 là vấn đề khá thách thức.

Ông Hà Sỹ Đồng bày tỏ sự lo ngại về nguy cơ lạm phát và chỉ ra rằng, đến cuối tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước và bình quân 4 tháng tăng 3,93%. Nguyên nhân chính là áp lực từ giá hàng hóa thế giới tăng mạnh, đặc biệt là giá dầu, kéo theo giá xăng dầu trong nước tăng; chi phí giao thông, giá thuê nhà, các chi phí khác cũng tăng khá cao; tỉ giá, giá vàng biến động mạnh, tạo ra tâm lý tăng giá cả của hàng hóa.

“Áp lực lạm phát tới cuối năm đang hiện hữu do một số yếu tố như: giá cả hàng hóa thế giới bất định, tiềm ẩn rủi ro gia tăng khi xung đột địa chính trị đang cao trào; tăng lương tối thiểu từ 1/7 khiến giá cả tăng theo; cộng hưởng với các yếu tố mùa vụ như dịp hè, đầu năm học mới; nguy cơ thiên tai, bão lũ bất thường những tháng cuối năm nay...”, Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng phân tích về nguy cơ lạm phát.

 Các Đại biểu tại phiên họp Quốc hội chiều 29/5.

Các Đại biểu tại phiên họp Quốc hội chiều 29/5.

Đại biểu cũng nhấn mạnh đến yếu tố tiền tệ gây ra rủi ro lạm phát, khi mà chúng ta đã có một thời gian khá dài theo đuổi chính sách tài khóa mở rộng và chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế. Do đó, Đại biểu đề nghị bên cạnh ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng thì kiểm soát lạm phát cần được đặc biệt coi trọng trong thời gian tới.

Theo Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng, hiện nay, đã có 10 tỉnh đang thực hiện cơ chế đặc thù, đề nghị có đánh giá việc thực hiện cơ chế đặc thù tại 10 tỉnh này, nếu thấy đúng, trúng và hiệu quả thì nên nhân rộng cho các địa phương khác thực hiện.

Với tinh thần trên, Đại biểu cũng đề xuất với Quốc hội áp dụng cơ chế đặc thù cho tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị), có chiều dài 56 km, dự toán 13.000 tỷ đồng, đầu tư với cơ chế đặc thù là nâng cao tỉ lệ vốn nhà nước tham gia lên tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án. Đây là tuyến cao tốc điểm đầu của Hành lang kinh tế Đông Tây, kết nối với tuyến cao tốc Bắc Nam, kết nối vùng... tạo đà bứt phá cho địa phương. Trong giai đoạn đầu, đề nghị trung ương hỗ trợ một phần vốn để làm “vốn mồi” bởi tỉnh Quảng Trị là địa phương còn nhiều khó khăn.

Nguyễn Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-xuat-ap-dung-co-che-dac-thu-cho-tuyen-cao-toc-cam-lo--lao-bao-post297324.html