Đại biểu Quốc hội: Luật cần quy định có trực thăng chữa cháy, cứu nạn

Thực tế nhiều vụ cháy xảy ra thời gian qua cho thấy, nhiều địa bàn chữa cháy khó khăn, xe chữa cháy không vào được, trụ nước không kéo tới nơi... thì phải có máy bay trực thăng để chữa cháy kịp thời.

 Hiện trường vụ cháy xảy ra ở phố Trung Kính (Hà Nội) tháng 5/2024

Hiện trường vụ cháy xảy ra ở phố Trung Kính (Hà Nội) tháng 5/2024

Chiều 19/6, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn ĐBQH TPHCM - chia sẻ: "Khi đi học ở nước ngoài, tôi có thuê một phòng nhỏ, nhưng khi ký hợp đồng, chủ nhà yêu cầu bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy nổ". Từ đó, nữ đại biểu đề xuất, cần phải yêu cầu người dân, doanh nghiệp mua bảo hiểm cháy nổ. Trong đó, với những nơi có điều kiện an toàn cháy nổ thấp, nên nộp mức phí bảo hiểm cao hơn những nơi đảm bảo tiêu chuẩn.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn TPHCM

ĐB Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn TPHCM

Từ năm 2013, theo bà Phạm Khánh Phong Lan, khi Quốc hội xem xét Luật phòng cháy chữa cháy (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đã kiến nghị, các tỉnh thành phố lớn phải có trực thăng cứu cháy, cứu nạn. Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa có loại hình phương tiện này. Bà cho rằng, đây là phương tiện rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

"Không phải tỉnh thành nào cũng cần có trực thăng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ nhưng những thành phố lớn, đông dân phải có, phải quy định trong luật" - nữ đại biểu nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, đại biểu Lê Kim Toàn - Đoàn ĐBQB Bình Định - nhấn mạnh, về lực lượng phòng cháy chữa cháy chuyên trách, ông đề nghị có những chính sách sử dụng phương tiện hiện đại. "Có những địa bàn chữa cháy khó khăn, xe chữa cháy không vào được, trụ nước không kéo tới nơi cháy... thì phải có máy bay, có phương tiện hiện đại khắc phục sự cố", đại biểu đề xuất.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề cao việc tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật trong phòng cháy chữa cháy. Với những công trình hiện hữu không đảm bảo phòng cháy chữa cháy thì phải có lộ trình để thực hiện, không thể để tồn tại tình trạng vi phạm phòng cháy chữa cháy mãi được.

"Chẳng hạn như đối với nhà ở riêng lẻ của người dân, nếu đã xây "chuồng cọp" rồi thì có thể yêu cầu tháo dỡ để tạo lối thoát hiểm khi cần. Với những trường hợp kinh doanh nhà ở, công trình tập trung đông người ở trong hẻm sâu, ngõ nhỏ, không có điều kiện phòng cháy chữa cháy thì nên chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phù hợp", đại biểu Lê Kim Toàn nêu ý kiến.

Đại biểu Lê Kim Toàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

Đại biểu Lê Kim Toàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

Cháy nhà dân, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh chiếm 49,5%

Thảo luận tại tổ, Thiếu tướng Nguyễn Tiến Nam - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình - dẫn chứng, trong 5 năm gần đây, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công An) giám định 1.009 vụ cháy.

Trong đó, cháy nhà dân, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh chiếm 49,5%. Cháy chung cư chiếm 4,4%; cháy tại các doanh nghiệp chiếm 19,2%; các vụ cháy khác như chợ, tàu, xe, rừng... chiếm 26,9%.

Nguyên nhân thì có nhiều song chủ yếu kể đến như: chập mạch điện, chất lượng dây dẫn điện trong các thiết bị sử dụng điện; do bất cẩn trong sinh hoạt, sản xuất kinh doanh, sửa chữa nhà cửa...

Do vậy, đại biểu Nguyễn Tiến Nam đề nghị, cần quan tâm thỏa đáng đến công tác tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành về phòng cháy, chữa cháy, ở tất cả các khâu, các lĩnh vực như quy hoạch, sản xuất, thiết kế, thi công...; công tác quản lý, sử dụng, vận hành...

Hải Yến

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/dai-bieu-quoc-hoi-luat-can-quy-dinh-co-truc-thang-chua-chay-cuu-nan-20240619222627456.htm