Đại biểu Quốc hội: Luật Quy hoạch cần bỏ tư duy 'không quản được thì cấm'
Đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội cho rằng, chúng ta nên mạnh dạn xem Quy hoạch hiện nay có tính thực thi đến đâu, nhất là trong bối cảnh chúng ta tinh gọn, sáp nhập nhiều địa phương. Cần bỏ tư duy 'không quản được thì cấm', bỏ tình trạng 'quy hoạch treo' và 'xung đột quy hoạch'...
Thảo luận tại hội trường về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho rằng, bản thân Luật Quy hoạch bộc lộ nhiều vấn đề, khúc mắc, thời gian qua cũng có sửa song nếu chỉ sửa một số chương điều thì không giải quyết được vấn đề căn cơ, giải pháp như Tổng Bí thư nói là từ bỏ tư duy không quản được thì cấm, từ tư duy quản kiểm sang kiến tạo.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương)
Ông Huân cho rằng, muốn chuyển sang Nhà nước kiến tạo làm sao được khi mà Luật Đấu Thầu và Luật Quy hoạch hiện nay? “Chúng ta quy định quá chi tiết, từng khâu, công đoạn, từng địa phương, bộ ngành, thực hiện khác so với Luật được xem là trái luật, là không được”, ông Huân nêu.
Nếu không sáng tạo thì không làm được mà không làm sáng tạo thì không phải Nhà nước kiến tạo được, trong bối cảnh Luật Đấu Thầu và Quy hoạch như vậy. Luật Đấu thầu chúng ta quy định quá chặt, chi tiết từng điều, từng khâu, chương đoạn, từng địa phương, ngành phải thực hiện. Mang ra thực hiện, nếu thực hiện thì làm sao kiến tạo được? Vì thế, nên mạnh dạn xem Quy hoạch hiện nay có tính thực thi đến đâu, nhất là trong bối cảnh chúng ta tinh gọn, sáp nhập nhiều địa phương.
“Có nơi 2-3 tỉnh vào một tỉnh, quy hoạch không thể cộng 3 quy hoạch vào một quy hoạch được. Ví dụ như TP.HCM Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương được định hướng sáp nhập vào với nhau, nếu tiếp tục thực hiện quy hoạch song song thì không thể, mà gộp 3 quy hoạch của địa phương thì không được. Chúng ta sáp nhập để tạo không gian mới, đầu vào thay đổi thì đầu ra phải khác. Luật Xây dựng quy định rất chi tiết về quy hoạch ngành, riêng quy hoạch ngành tại Luật Xây dựng cũng đã rất kìm hãm rồi. Có tỉnh có quỹ đất rất lớn, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch nhưng 10 năm nay, không làm được, vẫn phải chờ Bộ Xây dựng thành lập hội đồng thẩm định nhiệm vụ quy hoạch, rồi sau đó mới thành lập Hội đồng mất 6 tháng đến 1 năm, nguồn lực của chúng ta đã bị lãng phí".

Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Đại biểu Huân cho rằng, chúng ta phải quản trị và phát huy nguồn lực. “Có thể nên tạm dừng Luật Quy hoạch một thời gian để chúng ta đánh giá, hoặc chí ít cũng phải dừng một số điều. Nếu sửa thì sẽ phát sinh cái khác. Dục tốc, bất đạt, dừng lại để xem cái gì thực sự vướng, trở ngại”.
Tình trạng "quy hoạch treo" và "xung đột quy hoạch"
Đặt câu vấn đề, tại sao Luật Quy hoạch sửa rất nhiều lần mà sao vẫn rối, khi dưới cơ sở vẫn khó triển khai thực hiện, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng, tinh thần của Luật Quy hoạch mới đây là thay đổi căn bản từ lập quy hoạch truyền thống phân ngành, cục bộ theo lĩnh vực sang quy hoạch mang tính tích hợp, đa ngành tổng thể có liên kết, liên thông.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương)
Song thực tế, đội ngũ chuyên gia ở dưới khâu tổ chức thực hiện rất quan trọng một là chưa nắm bắt được tinh thần của Luật. Ngoài ra, phương pháp tiếp cận, phối hợp, liên thông chưa quen, đặc biệt là phối hợp liên ngành, liên thông rất hạn chế.
“Tích hợp đa ngành, liên thông thì phải cần có một “nhạc trưởng”. Hiện nay, chúng ta chưa có một “nhạc trưởng” nhiều kinh nghiệm, có tầm nhìn để xâu nối, tích hợp quy hoạch. Nên khi triển khai rất vướng”.
Với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, đại biểu Hạ rất phân vân việc bổ sung quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, đây là những cái mà trước đây được cho là hạn chế.
"Chúng ta bổ sung quy hoạch, cho phép quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất chuyên ngành… Liệu có tiếp tục quay lại bài toán chồng lấn, xung đột giữa các quy hoạch khi làm song song. Dẫn đến nguy cơ thiếu thống nhất, xung đột về không gian, mục tiêu, chỉ tiêu… giữa các quy hoạch với nhau?”, đại biểu Tạ Văn Hạ đặt vấn đề. “Chúng ta phải tìm ra bản chất nguyên nhân tại làm sao cứ sửa miết, sửa hoài vẫn vướng. Cần phải bình tĩnh lại để xem xét và có những chỉnh sửa thật căn bản, mới có thể giải quyết được bài toán về quy hoạch”.
Còn đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) cho rằng, về giải thích từ ngữ quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành còn chưa rõ ràng, chỉ là “cụ thể hóa” quy hoạch cấp cao hơn, nhưng không làm rõ ranh giới nội dung và thẩm quyền với các loại quy hoạch ngành quốc gia hoặc quy hoạch xây dựng, đô thị.
“Việc này gây chồng chéo khi lập quy hoạch chuyên ngành so với quy hoạch đô thị, nông thôn hoặc quy hoạch cấp tỉnh; có thể dẫn đến mâu thuẫn thẩm quyền giữa các bộ, ngành và địa phương. Do đó, kiến nghị làm rõ phạm vi, đối tượng áp dụng của loại quy hoạch này để tránh “phát sinh thêm” các loại quy hoạch cục bộ”, bà Xuân nói.

Đại biểu Tạ Văn Hạ
Đặc biệt, theo đại biểu còn tình trạng "quy hoạch treo" và "xung đột quy hoạch" chưa được xử lý triệt để. Chính vì vậy đại biểu kiến nghị, về quy hoạch cấp quốc gia, vùng, tỉnh và quy hoạch chuyên ngành nên được “lập đồng thời”. Luật lần này cần có thêm điều khoản quy định rõ nguyên tắc xử lý mâu thuẫn về nội dung, thẩm quyền và trách nhiệm trong thực hiện các loại quy hoạch.
“Dù Luật đã đề cập việc tuân thủ các luật liên quan nhưng không nêu rõ cơ chế xử lý so với các luật khác như: Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Giao thông đường bộ... Điều này, có thể gây khó khăn, nhất là khi lập các loại quy hoạch ngành, kỹ thuật hay khi thực hiện dự án đầu tư theo quy hoạch, dễ dẫn đến xung đột trong triển khai thực hiện, đặc biệt khi quy hoạch ngành quốc gia như quy hoạch giao thông không khớp với quy hoạch tỉnh hoặc vùng. Do đó, cần thiết lập một cơ chế xử lý ngay trong luật, giải quyết xung đột sớm trước khi thẩm định và sử dụng công cụ kỹ thuật hỗ trợ như Hệ thống thông tin địa lý để kiểm soát chồng lấn giữa các quy hoạch”, bà Xuân kiến nghị.
Luật Quy hoạch hiện hành có 39 quy hoạch ngành và 39 quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành như vậy là quá nhiều, chồng lấn. “Có quá nhiều loại quy hoạch gây chồng lấn trong quá trình thực hiện, do đó, cần tích hợp những quy hoạch tương đồng hoặc gần giống về chức năng để giảm bớt các loại quy hoạch cũng như đầu mối quản lý. Ví dụ như: Quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không, sân bay...cần nghiên cứu tích hợp chung trong quy hoạch tổng thể quốc gia, vùng, tỉnh, tùy quy mô từng dự án, không quy định thành từng loại quy hoạch riêng. Cần tập trung hoàn thiện thật tốt những quy hoạch chính, cốt lõi thật chất lượng làm công cụ chính trong quản lý nhà nước. Trong đó, Quốc hội giao Chính phủ rà soát tích hợp các quy hoạch trong các phụ lục trên và rút gọn tối đa các loại quy hoạch này, bỏ đi những quy hoạch không cần thiết và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10”.
Sửa Luật Quy hoạch để phù hợp với chính quyền 2 cấp, không để chồng chéo
Báo cáo tiếp thu, giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, để phù hợp với xu thế phát triển của đất nước bước vào “Kỷ nguyên vươn mình” và chính quyền theo mô hình mới thì Luật Quy hoạch chúng ta phải gấp rút sửa cho phù hợp để đồng bộ các luật và tổng thể trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng
Bộ trưởng cho biết, sửa Luật lần này sẽ tập trung vào 3 cái vấn đề lớn: Thứ nhất là đảm bảo điều chỉnh ngay được các quy hoạch của tất cả các cấp.
Theo đó, tất cả các địa phương sẽ thực hiện điều chỉnh quy hoạch ngay sau khi nghị quyết về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh có hiệu lực. Đồng thời đảm bảo nguyên tắc là các quy hoạch đang được triển khai thì tiếp tục được thực hiện cho đến khi quy hoạch điều chỉnh có hiệu lực”, Bộ trưởng nói.
Thứ hai là trong dự thảo Luật lần này chúng ta đẩy mạnh phân cấp phân quyền tối đa, tăng cường quyền tự chủ, tính chủ động sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cấp các ngành, địa phương.
“Việc này cũng liên quan đến việc triển khai mô hình chính quyền đô thị hai cấp”, Bộ trưởng nói.
Thứ ba là tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn và xử lý ngay để triển khai thực hiện đáp ứng yêu cầu tăng trưởng 8% năm nay và đến năm 2030.
“Chúng ta cần có sự đồng bộ, toàn diện, cái gì cần giữ, cái gì không cần giữ chúng ta làm và sửa luôn. Các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành không nằm trong hệ thống quy hoạch quốc gia; 28 quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành đang mâu thuẫn với quy hoạch quốc gia, mâu thuẫn với quy hoạch tỉnh, mâu thuẫn với các quy hoạch vùng, dẫn đến xung đột là phải tháo gỡ khó khăn.
Chính vì thế, quy định vào đây là để đảm bảo có tính thông suốt. Còn sau này khi chúng ta sửa tổng thể thì chúng ta phải quy định, chúng ta phải rà soát lại hết, những quy hoạch chuyên ngành gì không cần thiết là phải bỏ đi, chứ không thể nhiều như hiện nay được”, ông Nguyễn Văn Thắng khẳng định.