Đảm bảo cân đối cung cầu, ổn định giá cả hàng hóa

Cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao, tập trung ở một số mặt hàng thiết yếu phục vụ tết Nguyên đán Ất Tỵ - 2025. Nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, chủ động kiểm soát, điều tiết giá các mặt hàng, các ngành chức năng và doanh nghiệp trong tỉnh đang tích cực triển khai các biện pháp bình ổn thị trường.

Khách hàng lựa chọn các sản phẩm tại siêu thị Co.opmart Đông Hà - Ảnh: H.T

Khách hàng lựa chọn các sản phẩm tại siêu thị Co.opmart Đông Hà - Ảnh: H.T

Theo dự báo, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân sẽ tăng từ 15 - 20% vào tháng cuối năm, đặc biệt là thời điểm giáp Tết, tập trung vào các nhóm hàng hóa như: lương thực, thực phẩm tươi sống; thực phẩm chế biến; thực phẩm công nghệ; hàng may mặc, giày dép, nhiên liệu; hàng điện tử, đồ dùng gia đình và một số mặt hàng nông sản khác...

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công thương đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan nắm bắt tình hình diễn biến thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến. Phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa đến nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và mở rộng điểm bán hàng bình ổn tại các huyện, thị xã, thành phố.

Cùng với đó, sở đã lên kế hoạch, phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại kích cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm thay đổi tâm lý, thói quen sử dụng hàng ngoại của người tiêu dùng. Đối với mặt hàng xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, sở đã giao Công ty Xăng dầu Quảng Trị cùng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn chủ động dự trữ nguồn hàng, có kế hoạch bán hàng đảm bảo nhu cầu sản xuất và dân sinh vào dịp tết Nguyên đán.

Nhìn chung cho đến thời điểm này, công tác chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường đã được Sở Công thương và các đơn vị, doanh nghiệp liên quan chuẩn bị chu đáo, góp phần bình ổn giá cả thị trường, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của Nhân dân trong dịp tết Nguyên đán sắp tới.

Là một trong những doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm trong dự trữ, cung ứng hàng hóa phục vụ người tiêu dùng dịp lễ, Tết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công thương, siêu thị Co.opmart Đông Hà đã dự trữ hàng hóa trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ -2025 với tổng trị giá gần 50 tỉ đồng.

Trong đó, dành khoảng 8 tỉ đồng để thực hiện bình ổn giá, cam kết không tăng giá trong dịp trước, trong và sau Tết, tập trung vào một số hàng hóa thiết yếu như: gạo, dầu ăn, các loại gia vị, mứt, kẹo, bánh... nhằm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, siêu thị Co.opmart Đông Hà cũng sẽ tổ chức các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn trong suốt thời gian trước, trong và sau Tết đi kèm với các chương trình khuyến mãi, giảm giá từ 10 - 30% với các nhóm hàng lương thực, thực phẩm, đồ dùng gia đình, hóa mỹ phẩm... nhằm phục vụ người dân không có điều kiện đến siêu thị để mua sắm.

Giám đốc siêu thị Co.opmart Đông Hà Đặng Tứ Minh San cho biết: “Siêu thị đã nhập khẩu số lượng lớn các sản phẩm từ sớm, bao gồm thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến sẵn, đồ gia dụng, quần áo và các sản phẩm tiêu dùng khác. Đồng thời, thiết lập các hợp đồng dài hạn với các nhà cung cấp có uy tín, thương hiệu trong và ngoài tỉnh nhằm đảm bảo nguồn hàng không bị gián đoạn trong suốt mùa Tết.

Không chỉ chú trọng đến việc dự trữ hàng hóa, siêu thị Co.opmart Đông Hà còn triển khai nhiều chương trình khuyến mãi Tết hấp dẫn; tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa nhằm bảo vệ sức khỏe, quyền lợi cho người tiêu dùng. Hiện Co.opmart Đông Hà đã bố trí một khu vực dành để trưng bày các sản phẩm Tết như mứt, hạt dưa, rượu vang, giỏ quà, được trang trí rực rỡ, tạo không khí Tết cổ truyền và mang đến sự thuận tiện cho khách hàng khi mua sắm.

Siêu thị cũng đẩy mạnh các dịch vụ giao hàng tận nơi, tư vấn mua sắm trực tuyến qua ứng dụng và hotline, giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn và nhận hàng một cách nhanh chóng và tiện lợi. Đây là một giải pháp hữu hiệu để đáp ứng nhu cầu mua sắm trong những ngày cao điểm, đồng thời giảm thiểu tình trạng quá tải tại các quầy thanh toán”.

Tại các chợ truyền thống, ngay từ cuối tháng 11, các tiểu thương đã nhập về nhiều loại mứt, bánh, hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết. Mặc dù, đến thời điểm hiện tại, sức mua của người dân chưa cao nhưng tại các lô, quầy kinh doanh đã đầy ắp các mẫu mã hàng Tết phong phú, đa dạng để khách hàng lựa chọn, tìm mua.

Bà Nguyễn Thị Nhung, tiểu thương kinh doanh tạp hóa - mỹ phẩm ở chợ Đông Hà cho biết, dịp cuối năm và tết Nguyên đán thường là thời điểm kinh doanh sôi động nhất trong năm do nhu cầu sử dụng hàng hóa của người dân tăng cao. Để tránh tình trạng thiếu hàng, sốt giá, nhiều tiểu thương kinh doanh tại chợ đã dự trữ, nhập các loại hàng hóa đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm để phục vụ người tiêu dùng với mức giá ổn định.

Mặt khác, theo ghi nhận của phóng viên, xu hướng rõ nét trong mùa Tết năm nay là sự chuyển dịch mạnh mẽ từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm trực tuyến. Hoạt động chợ online trên các nền tảng số từ tiktok, facebook, zalo luôn rộn ràng với nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá cuối năm, phong phú về chủng loại hàng hóa, giá cả, tạo sức hút không nhỏ với người tiêu dùng.

Năm 2024, hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 34.448,88 tỉ đồng, tăng 12,82% so với năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 27.513,79 tỉ đồng, tăng 12,83%.

Theo dự báo của các cơ quan chức năng, từ ngày 1/1/2025 đến ngày 28/2/2025, giá cả thị trường sẽ có sự biến động, đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm công nghệ, thực phẩm tươi sống, rau củ quả do nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng cao hơn so với những tháng bình thường.

Cụ thể, đối với mặt hàng gạo, dự báo mức giá có thể sẽ tăng khoảng 1% - 2%; thịt lợn, thịt bò có thể tăng từ 8% - 10%; thịt gà, vịt và các loại thủy, hải sản giá bán có thể tăng từ 10% - 15%... Do vậy, việc bình ổn thị trường cuối năm không chỉ góp phần bảo đảm nguồn cung và giá cả hàng hóa mà còn thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của các cơ quan chức năng và doanh nghiệp đối với đời sống người dân.

Thời gian tới, các sở, ngành, địa phương sẽ tiếp tục tập trung theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu các mặt hàng thiết yếu, nhất là những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn thời gian qua để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và tết Nguyên đán.

Đồng thời, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất - kinh doanh cũng cần chủ động, tích cực đẩy mạnh sản xuất, phát triển đa dạng hệ thống, hình thức phân phối hàng hóa, bán hàng lưu động, mang hàng hóa đến tận vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn để người dân có thể tiếp cận được nhiều mặt hàng với đa dạng chủng loại, giá cả hợp lý.

Hà Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/dam-bao-can-doi-cung-cau-on-dinh-gia-ca-hang-hoa-190914.htm