Dàn dựng hai tác phẩm lớn chào mừng Cách mạng Tháng Tám

Nhân kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 – 19/8/2025) và Quốc khánh 2/9, Nhà hát Kịch Việt Nam đã khởi công dàn dựng hai tác phẩm đặc biệt: Chương trình nghệ thuật 'Bác Hồ một tình yêu bao la' và vở nhạc kịch 'Café bánh mì' với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ Hàn Quốc.

Chương trình nghệ thuật “Bác Hồ một tình yêu bao la” của tác giả Lê Trinh – Lý Nguyên Anh, do NSƯT Trịnh Mai Nguyên đạo diễn, gồm 2 vở kịch ngắn “Chuyện nhà chị Tín” và “Miền Nam trong trái tim Bác”, thể hiện tình yêu bao la của người đối với dân tộc Việt Nam.

“Chuyện nhà chị Tín” là câu chuyện kể về chuyến đi thăm của Bác Hồ tới một gia đình nghèo ở Hà Nội trong đêm Giao thừa năm Nhâm Dần 1962. Năm nào cũng vậy, trước Tết vài ba tháng, Bác đã nhắc các cơ quan, các ngành chuẩn bị Tết cho người dân. Bác đến với mọi người trong ngày Tết bằng tất cả trái tim yêu thương, bằng tình cảm và sự quan tâm, chia sẻ, động viên chân thành nhất.

Cảnh vở "Chuyện nhà chị Tín" trong Chương trình "Bác Hồ một tình yêu bao la". Ảnh: NHCC.

Cảnh vở "Chuyện nhà chị Tín" trong Chương trình "Bác Hồ một tình yêu bao la". Ảnh: NHCC.

Tình yêu thương của Bác không vừa bao la rộng lớn, vừa gần gũi, ấm áp và thân thương với từng số phận mỗi con người. Dù ở vị trí nào, Bác vẫn luôn nghĩ đến người dân, luôn mong muốn nhân dân có một mùa xuân ấm no, hạnh phúc. Câu chuyện trong vở kịch ngắn là minh chứng cho tình yêu bao la của Người.

Vở kịch ngắn “Miền Nam trong trái tim Bác” thể hiện tình cảm đặc biệt của Người dành cho đồng bào miền Nam ruột thịt qua câu chuyện về Bác Hồ và nữ Anh hùng Trần Thị Lý cùng các chiến sĩ đồng bào miền Nam. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, khi đất nước chia cắt hai miền, nỗi nhớ thương đồng bào miền Nam luôn đau đáu trong trái tim Bác.

Hai vở kịch ngắn trong chương trình nghệ thuật “Bác Hồ một tình yêu bao la” như một bài ca đẹp đi cùng năm tháng, ca ngợi tình yêu bao la của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc Việt Nam… Dự kiến chương trình nghệ thuật “Bác Hồ một tình yêu bao la” sẽ ra mắt vào dịp Quốc khánh 2/9 tới. Nhà hát cũng sẽ phối hợp với một số điểm di tích, bảo tàng để đưa vở kịch ngắn về Bác Hồ vào biểu diễn phục vụ du khách trong và ngoài nước.

Cũng trong dịp này, Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng vở nhạc kịch “Café bánh mì”. Đây là tác phẩm do Nhà hát Kịch Việt Nam phối hợp thực hiện. Vở kịch có sự tham gia của nghệ sĩ Việt Nam và Hàn Quốc. Dự kiến ra mắt khán giả Thủ đô vào ngày 15/8 và sẽ biểu diễn tại Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Nhạc kịch “Café bánh mì” phản ánh không khí sôi sục của những ngày trước Cách mạng tháng Tám của dân tộc Việt Nam. Vở kịch có bối cảnh xã hội chân thực về đất nước Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh đầy và ca ngợi những người dân yêu nước, trong đó có sự đóng góp rất lớn của giai cấp tiểu tư sản đã cống hiến không chỉ tiền của mà còn hi sinh cả tính mạng để đi theo kháng chiến, đi theo cách mạng.

Dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn gian khổ nhưng người dân Việt Nam vẫn giữ vững niềm tin vào thắng lợi, nhất định không chịu khuất phục trước mọi áp bức của kẻ thù. Tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam trong Cách mạng Tháng Tám 1945 là biểu tượng cao đẹp của lòng yêu nước và sức mạnh đoàn kết, khẳng định ý chí quật cường trong đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.

NSƯT Kiều Minh Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, Nhà hát đã huy động nguồn lực sáng tạo cùng lúc hai tác phẩm nghệ thuật, nhân dịp ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước. “Việc hợp tác thực hiện nhạc kịch “Café bánh mì” thể hiện mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc, nhằm lan tỏa thông điệp về văn hóa, con người và lịch sử của hai nước thông qua những hình ảnh và ngôn ngữ sân khấu, từ đó nâng cao mối quan hệ của hai quốc gia trong giao lưu và hợp tác nghệ thuật, góp phần đưa đến cho công chúng những vở diễn với những thông điệp tốt đẹp và thực sự ý nghĩa” - ông Hiếu nói.

Phạm Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dan-dung-hai-tac-pham-lon-chao-mung-cach-mang-thang-tam-10310045.html