Dân tộc ta tự hào vì có ngày giỗ Tổ

Mùng 10/3 âm lịch, đồng bào Việt Nam ở khắp nơi đều hướng về ngày giỗ Tổ, tôn vinh, tự hào về nguồn gốc dân tộc, về dòng giống con Lạc cháu Hồng, chúng ta tự hào có ông Tổ chung là các Vua Hùng.

 Hình ảnh tại lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại đền Tưởng niệm các vua Hùng, TP Thủ Đức. Ảnh: Nhật Thịnh/Thanh Niên.

Hình ảnh tại lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại đền Tưởng niệm các vua Hùng, TP Thủ Đức. Ảnh: Nhật Thịnh/Thanh Niên.

Từ lâu, ngày giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ chung của toàn dân tộc, là ngày lễ trọng đại để nhà nước, nhân dân thể hiện lòng thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước, các bậc tiền nhân đã có công giữ nước.

Giai đoạn dựng nước đầu tiên

Tìm hiểu về thời đại Hùng Vương có không ít học giả đã dành nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu, đưa ra những nguồn thông tin quan trọng, hữu ích về thời đại dựng nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam, cũng như ý nghĩa của ngày giỗ Tổ 10/3.

 Bài “Giỗ Tổ Hùng Vương giữa những ngày tiến hành thống nhất đất nước" của Tiến sĩ Sử học, Xã hội học Phạm Huy Thông. Nguồn: TTLTQGIII.

Bài “Giỗ Tổ Hùng Vương giữa những ngày tiến hành thống nhất đất nước" của Tiến sĩ Sử học, Xã hội học Phạm Huy Thông. Nguồn: TTLTQGIII.

Tiến sĩ Sử học, Xã hội học Phạm Huy Thông trong bài “Giỗ Tổ Hùng Vương giữa những ngày tiến hành thống nhất đất nước” (tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III) cho rằng cuộc thống nhất của mười lăm bộ hợp nhất có ý nghĩa đặc biệt, "do có sự hợp nhất đó mà có nước".

Theo ông, thời kỳ này, những bộ lạc liên minh lại đã thúc đẩy sự phát triển của kỹ thuật và năng lực sản xuất của con người. Việc thống nhất giai đoạn dựng nước đầu tiên nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo văn minh, sự hòa hợp anh em giữa các bộ phận khác nhau của cùng một dải non sông gấm vóc, giữa người miền xuôi và người miền ngược, giữa “Rồng” với “Tiên”.

Người Việt thời các vua Hùng thống nhất không chỉ để xây dựng mà cũng để phòng vệ. Phòng vệ hay xây dựng, tập hợp sức người sức của của nhiều nguồn nhằm tăng khả năng, tạo sức mạnh khi cần thiết.

“Không lạ gì mà thấy người Việt có gắn bó với nhau thắm thiết, bầu bí có thể khác giống nhưng chung một giàn, thủy hỏa tương khắc nhưng một nhà chung sống, trăm con cùng một bọc. Chia tay nhau cư ngụ các xứ, vùng cao vùng thấp khác nhau, khai khẩn làm ăn, nhưng ngừa xa tai ương bất trắc nên dặn dò nhau những lời xiết bao tình nghĩa. Tai ương quả nhiên không thiếu, khó khăn là trùng điệp, nhưng đám đông chung sức đã cho phép vượt qua thắng lợi mọi thử thách”.

Nhà sử học Trần Văn Giáp (trong một bản thảo viết tay - tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III) cho biết thời đại Hùng Vương là thời kỳ xuất hiện nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam, tồn tại khoảng từ thế kỷ thứ 7 trước công nguyên đến năm 258 trước công nguyên.

Theo ông, “Hùng Vương đó không phải là tên cá nhân. Hùng Vương là một danh hiệu chung để gọi các vua tổ tiên ta, cho nên sứ truyền 18 đời đều gọi là Hùng Vương. Hùng Vương là một vị cầm đầu mạnh nhất của các bộ lạc. Các sách sử ta đều chép hùng Vương chia nước làm 15 bộ, thì ở đây tiếng bộ nghĩa như một tỉnh, một quận”.

Về đời sống thời Hùng Vương, “nhân dân sống bằng nghề săn bắn, chài lưới, có tục cạo đầu thường gọi là điêu đề, có tục văn thân thường gọi là vẽ mình hay chăm mình. Nhưng cũng đã có làm nương theo lối đạo canh hóa nậu, nghĩa là đốt rừng ngoáy đất tra hạt giống. Làm ruộng trên bãi có nước dềnh lên. Do quá trình sản xuất ấy, các sử gia cũ đã nhận định nước ta là một nước nguồn gốc nông nghiệp”.

Chúng ta tự hào có một ông Tổ chung

Về ý nghĩa của ngày giỗ Tổ 10/3, nhà nghiên cứu Trần Văn Giáp viết: “Nói đến ngày giỗ Tổ là nghĩ đến nguồn gốc dân tộc, nghĩ đến công sức lao động của tổ tiên đã xây dựng nên đất nước, nghĩ đến phát triển không ngừng sức lao động ấy để làm cho đất nước thêm hoàn chỉnh, thêm phong phú, thêm tươi đẹp. Đó là nghĩ đến bản thân mình không có tổ tiên sẽ không có mình, không có đất nước hiện nay.

 Sách Hội hè đình đám của Toan Ánh.

Sách Hội hè đình đám của Toan Ánh.

Ngày giỗ Tổ là một lễ tục của ta có từ lâu đời. Nó đã ăn sâu vào nếp tư tưởng chung của mọi người… ngày giỗ Tổ đã gợi cho chúng ta biết bao tình cảm nồng nàn, ý nghĩ sâu sắc đối với nguồn gốc của dân tộc, đối với việc ghi nhớ công ơn tổ tiên đã gây dựng đất nước… kỷ niệm ngày giỗ Tổ Hùng Vương chính là những biểu hiện nồng nàn lòng yêu nước, yêu dân tộc, kiên quyết đấu tranh gìn giữ đất nước, không dung thứ cho một kẻ nào xâm phạm hay chia cắt đất nước của tổ tiên ta, từ đời nọ đến đời kia, kể hàng mấy trăm triệu năm đã đổ mồ hôi, đã tốn công lao xây dựng đất nước để lại ngày nay”.

Để ghi nhớ công ơn và hướng về cội nguồn dân tộc, đền thờ Vua Hùng đã được xây dựng trên núi Nghĩa Lĩnh. Hàng năm, cứ đến ngày mùng 10/3 âm lịch, đồng bào Việt Nam ở khắp nơi đều hướng về ngày Giỗ tổ, tôn vinh, tự hào về nguồn gốc dân tộc, về dòng giống con Lạc cháu Hồng, chúng ta tự hào có một ông Tổ chung là các Vua Hùng.

Học giả Toan Ánh (trong cuốn Hội hè đình đám thuộc bộ Nếp cũ) cho biết từ xa xưa ngày giỗ Tổ được coi là ngày quốc lễ và diễn ra hàng năm tại đền thờ Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, rừng Hy Cương, thôn Cổ Tích, Lâm Thao, Phú Thọ.

Theo ông, là người Việt Nam, ai cũng phải nhớ đến ngày giỗ Tổ. Từ bốn nghìn năm nay, dân Việt Nam trải bao hưng vong biến chuyển, sở dĩ vẫn vững bền tồn tại, chính là người Việt biết uống nước nhờ nguồn, trăm vạn người như một, hàng năm ai cũng nhớ ngày giỗ Tổ.

Cũng theo tác giả bộ Nếp cũ, nhớ tới tổ tông không chỉ để nhớ về thời tiền sử, thời dựng nước, mà còn để kiêu hãnh rằng dân tộc Việt Nam có Tổ, có Tổ nghĩa là có lịch sử mấy nghìn năm nay.

Minh Châu

Nguồn Znews: https://znews.vn/dan-toc-ta-tu-hao-vi-co-ngay-gio-to-post1543684.html