Đang diễn ra tọa đàm 'Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thông tin giả gây hại cho doanh nghiệp'
Sáng nay 10-7, báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức tọa đàm 'Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thông tin giả gây hại cho doanh nghiệp'.
Sự kiện quy tụ đông đảo đại diện cơ quan quản lý, chuyên gia và lãnh đạo các doanh nghiệp để cùng phân tích các lỗ hổng chính sách, tìm kiếm những giải pháp thực tiễn, mạnh mẽ nhằm chặn đứng vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang bào mòn sức khỏe người tiêu dùng và sự sống còn của doanh nghiệp chân chính.

Ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM (thứ hai từ phải sang), trao đổi cùng các khách mời trước giờ tọa đàm. Ảnh: THUẬN VĂN
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Chính phủ đã thể hiện sự quyết liệt ngăn chặn hàng giả chưa từng có khi Thủ tướng Phạm Minh Chính liên tiếp ban hành các Công điện 65, 82 và Chỉ thị 13 trong tháng 5 và 6-2025, khởi động một chiến dịch cao điểm trên toàn quốc.
Hàng giả, thông tin giả tràn lan – cần hành lang pháp lý ngăn chặn vững chắc
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Thái Bình, Phó Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM, khái quát một thực trạng đáng lo ngại: Cuộc chiến ngăn chặn hàng giả, thông tin sai lệch đang trở nên ngày càng cam go, phức tạp, vấn nạn hàng nhái, hàng giả đang gây tổn hại nghiêm trọng đến doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.

Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: THUẬN VĂN
Theo ông Bình, thị trường hiện nay đang chịu sức ép từ hai phía. Một mặt là hàng giả len lỏi khắp các lĩnh vực hàng thiết yếu, từ thực phẩm, sữa, thuốc cho đến thực phẩm chức năng và hàng xa xỉ. Nhiều sản phẩm giả được bày bán công khai cho thấy công cụ kiểm soát vẫn chưa đủ mạnh.
Mặt khác, thông tin giả mạo tràn lan trên không gian mạng cũng gây hậu quả khó lường. Những thông tin sai lệch này thường được dàn dựng có chủ đích nhằm gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và làm suy yếu các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Hệ lụy là gây mất niềm tin xã hội, sự hoang mang của người dân và tổn thất cho doanh nghiệp.
Trước tình trạng đó, ông Bình ghi nhận những nỗ lực mạnh mẽ từ Chính phủ. Trong vòng hai tháng, Thủ tướng đã ban hành liên tiếp Công điện 65/CĐ-TTg, Chỉ thị 13/CT-TTg và Chỉ thị 82/CĐ-TTg, phát động cao điểm chống hàng giả, buôn lậu, xâm phạm sở hữu trí tuệ. TP.HCM cùng nhiều địa phương đã vào cuộc với các đợt kiểm tra, xử lý, giúp triệt phá nhiều đường dây sản xuất – phân phối hàng giả quy mô lớn.

Ông Nguyễn Thái Bình, Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: THUẬN VĂN
Tuy vậy, ông Bình nhấn mạnh những đợt ra quân đơn lẻ là chưa đủ. Vấn đề nằm ở cơ chế pháp lý còn bất cập, hành lang kiểm soát còn lỏng lẻo. Ông nêu ví dụ về cơ chế tự công bố sản phẩm – vốn nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp – nhưng đang bị một số đối tượng lợi dụng để đưa hàng kém chất lượng vào thị trường.
Từ thực tế đó, ông đặt vấn đề: “Vì sao hàng giả vẫn tràn lan, vì sao thuốc, sữa giả có thể tồn tại nhiều năm? Có phải pháp lý còn nhiều kẽ hở, cơ chế quản lý yếu hay xử phạt chưa đủ răn đe?”
Theo ông, chính những trăn trở ấy là lý do để báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm này – nơi các doanh nghiệp, cơ quan quản lý và giới chuyên gia cùng đối thoại thẳng thắn, nhìn rõ bản chất vấn đề và đề xuất giải pháp khả thi.
Ông kỳ vọng những kiến nghị thiết thực tại tọa đàm sẽ được tổng hợp, chuyển đến cơ quan có thẩm quyền, góp phần hoàn thiện chính sách, giúp cuộc chiến chống hàng giả – thông tin giả đạt hiệu quả thực chất.
Góc nhìn chuyên gia và cam kết hành động của nhà quản lý
Tọa đàm sẽ bắt đầu với phần tham luận là câu chuyện thực tế từ doanh ngiệp, Luật sư Trương Anh Tú, đại diện pháp lý cho Công ty CP Nhựa Bình Minh, sẽ chia sẻ về cuộc chiến pháp lý gian nan và tốn kém để bảo vệ thương hiệu. Câu chuyện của một "ông lớn" như Nhựa Bình Minh cho thấy không một doanh nghiệp nào có thể an toàn trước hàng giả, hàng nhái nếu hành lang pháp lý không đủ vững chắc.

Luật sư Trương Anh Tú, đại diện pháp lý cho Công ty CP Nhựa Bình Minh. Ảnh: T.VĂN
Song song với tiếng nói của doanh nghiệp là những phân tích sâu sắc từ các chuyên gia. Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP.HCM sẽ gióng lên hồi chuông báo động về những hệ lụy y tế nghiêm trọng mà hàng giả, đặc biệt là thực phẩm chức năng và sữa giả, gây ra cho sức khỏe cộng đồng, từ ngộ độc cấp tính đến những tổn thương mãn tính không thể phục hồi.

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP.HCM trình bày tham luận "Tác động của hàng giả, hàng nhái tới sức khỏe người dân". Ảnh: T.VĂN
Về mặt pháp lý, Luật sư Phạm Công Hùng, nguyên Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, chỉ ra những bất cập trong thực tiễn thực thi pháp luật, chế tài hiện tại tuy có nhưng chưa đủ mạnh và việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng đôi khi còn chồng chéo, thiếu hiệu quả.

Luật sư Phạm Công Hùng, nguyên Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, chỉ ra những bất cập trong thực tiễn thực thi pháp luật. Ảnh: T.VĂN
Sau đó, tọa đàm sẽ bước vào phiên thảo luận với những câu chuyện từ chính người trong cuộc. Báo Pháp Luật TP.HCM sẽ tổng hợp để gửi đến các cơ quan có thẩm quyền với hy vọng tạo ra những chuyển biến chính sách thực chất, góp phần xây dựng một thị trường lành mạnh, nơi doanh nghiệp chân chính được bảo vệ và niềm tin của người tiêu dùng được củng cố.

Các đại biểu lắng nghe phần tham luận của chuyên gia. Ảnh: T.VĂN
Tọa đàm "Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thông tin giả gây hại cho doanh nghiệp" có sự tham gia của đại diện của nhiều cơ quan, ban, ngành, các chuyên gia, các doanh nghiệp và đại diện các hội:
Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương)
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hà, Phó Viện trưởng Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM (Bộ Y tế)
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM
Ông Lê Ngọc Danh Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế TP.HCM
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM (Sở Công thương TP.HCM)
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP.HCM
Luật sư Phạm Công Hùng, nguyên Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao
Ông Nguyễn Viết Hồng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Người Tiêu dùng TP.HCM
Ông Nguyễn Thanh Đảo, Chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM
Ông Quan Hữu Lợi - Giám đốc tiếp thị Công ty CP Nhựa Bình Minh
Ông Trần Xuân Nam - Giám đốc trung tâm kinh doanh trực tuyến, Hệ thống nhà thuốc và trung tâm tiêm chủng Long Châu
Ông Võ Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển thương mại Mekong Việt Nam
Ông Nguyễn Văn Hệ, Giám đốc Công ty TNHH Enjoy Online
cùng đại diện nhiều doanh nghiệp khác.