Ngành thép đang đối mặt với dư thừa công suất
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, sự gia tăng đầu tư các dự án sản xuất thép đang đẩy công nghiệp thép vào tình trạng dư thừa công suất. Đây sẽ là một áp lực lớn về cạnh tranh kinh doanh, xuất nhập khẩu và kiểm soát phát thải khí nhà kính.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong 5 tháng đầu năm 2025, sản xuất thép thô đạt hơn 9,9 triệu tấn (tăng 9,55% so với cùng kỳ năm trước); sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 13,01 triệu tấn (tăng 8,8% so với cùng kỳ); tiêu thụ thép thành phẩm đạt 13,21 triệu tấn (tăng 11% so với cùng kỳ), trong đó, xuất khẩu thép thành phẩm các loại đạt hơn 2,455 triệu tấn (giảm 30,9% so với cùng kỳ).

Ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam.
Tại Hội nghị lấy ý kiến Đề án "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý phát triển ngành vật liệu xây dựng trong giai đoạn mới" diễn ra vào ngày 9/7, ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký VSA cho biết, nhu cầu đẩy mạnh xây dựng hạ tầng và công nghiệp hóa đất nước là một cơ hội lớn để phát triển đối với công nghiệp thép. Tuy nhiên, trong tình hình mới cũng đặt ra nhiều thách thức cần phải chủ động đối mặt tìm giải pháp thích ứng.
Tình trạng dư thừa công suất tiếp tục trầm trọng do sự gia tăng đầu tư các dự án thép tại Việt Nam và trong khu vực Đông Nam Á. Đây sẽ là một áp lực lớn về cạnh tranh, xuất nhập khẩu và kiểm soát phát thải khí nhà kính.
Những biến động về kinh tế, chính trị thế giới làm gia tăng xu hướng bảo hộ với việc áp dụng các chính sách thuế quan cực đoan và dựng lên nhiều rào cản thương mại, gây khó khăn lớn và có thể làm sụt giảm lượng xuất khẩu thép trong những năm tới.
Theo ông Thái, hiện nay, các cơ sở của ngành thép nằm trong danh mục kiểm kê khí nhà kính đã thực hiện việc lập báo cáo định kỳ theo hướng dẫn. Tuy nhiên, để triển khai đầy đủ các giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu môi trường và lộ trình giảm phát thải khí nhà kính thực sự là thách thức rất lớn.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, định hướng phát triển bền vững ngành vật liệu xây dựng
Nhiều doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá thép
Gam màu sáng – tối từ bức tranh lợi nhuận ngành thép, xi măng, gạch ốp lát
Đề xuất một số kiến nghị để phát triển công nghiệp thép trong nước, ông Thái nhấn mạnh, Chính phủ cần xem xét phê duyệt chiến lược phát triển sản xuất ngành thép đến 2030, tầm nhìn 2050, gắn với các cơ chế chính sách đặc thù cho ngành thép tăng trưởng xanh và bền vững.
Có chính sách quản lý đầu tư, kiểm soát dư thừa công suất và tái cơ cấu lĩnh vực thép. Xây dựng cơ chế tài trợ công và các gói tài chính xanh hỗ trợ doanh nghiệp thép chuyển đổi xanh.
Xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quản lý kỹ thuật, quản lý chất lượng, hàng rào kỹ thuật nhằm ngăn ngừa các sản phẩm thép không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn và môi trường tràn vào thị trường Việt Nam. Kịp thời áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước.
Nhà nước tiếp tục có chính sách ổn định tỷ giá, duy trì giá điện hợp lý, ưu đãi lãi suất vay vốn đầu tư với dự án thép có quy mô lớn và phù hợp với Chiến lược phát triển ngành thép. Đẩy mạnh các kênh kích cầu đối với sản phẩm thép như thị trường bất động sản, chương trình xây dựng 1 triệu nhà ở xã hội, đầu tư công…
Ông Thái cũng đề xuất, Bộ Công thương tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thép ứng phó hiệu quả các vụ kiện phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng. Bộ Xây dựng nghiên cứu ban hành các tiêu chuẩn thiết kế xây dựng, tiêu chuẩn về hiệu quả sử dụng vật liệu theo hướng tiết kiệm năng lượng, vật liệu thép xanh, thép cường độ cao.
Ngày 9/7, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chủ trì Hội nghị lấy ý kiến Đề án "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý phát triển ngành vật liệu xây dựng trong giai đoạn mới". Hội nghị có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, các doanh nghiệp, hiệp hội, nhà khoa học.
Mục tiêu tổng quát của đề án là phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đạt trình độ tiên tiến, hiện đại. Sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước. Loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường.
Trên tinh thần góp ý tại hội nghị, Bộ Xây dựng sẽ ghi nhận và tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo đề án trình Đảng ủy Chính phủ và Ban Bí thư Trung ương Đảng theo lộ trình.