Đang thua lỗ, BOT cầu Thái Hà tố bị 'vi phạm quyền lợi'

Thua lỗ liên tiếp nhiều năm, phải đề xuất nhà nước dùng ngân sách giải cứu, BOT cầu Thái Hà tiếp tục kêu khó khi Cục Đường Bộ Việt Nam chấp thuận cấp phép đấu nối tạm thời có thời hạn vào dự án do nhà đầu tư đang vận hành, việc này được cho là 'vi phạm quyền lợi' đối với nhà đầu tư BOT.

Trong công văn mới nhất cuối tháng 4/2024 gửi Bộ Giao thông Vận tải, Công ty cổ phần BOT Cầu Thái Hà tiếp tục kiến nghị không đồng ý việc cục Đường Bộ Việt Nam chấp thuận cấp phép đấu nối tạm có hạn thời hạn vào đường nối 02 cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình tại Km31+00(T) (thuộc Km 1+240 phạm vi dự án BOT cầu Thái Hà) khi chưa có thỏa thuận đấu nối của Công ty CP BOT Cầu Thái Hà.

Đây là điểm đấu nối của đường tỉnh ĐT495B do UBND huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam làm chủ đầu tư. Hiện nay đường vào và đường ra đã thi công xong, đã được nghiệm thu vào ngày 14/5/2024

Đường vào của điểm đấu nối tại Km31+00(T) (thuộc Km 1+240 phạm vi dự án BOT cầu Thái Hà) đã thi công xong. Ảnh: Xuân Thạch

Đường vào của điểm đấu nối tại Km31+00(T) (thuộc Km 1+240 phạm vi dự án BOT cầu Thái Hà) đã thi công xong. Ảnh: Xuân Thạch

Trước đó, nhà đầu tư đã gửi rất nhiều văn bản báo cáo về tình trạng đã có nhiều dự án đấu nối trái phép vào dự án của BOT Thái Hà, điển hình là điểm đấu nối trái phép của KCN Thái Hà của Công ty CP Đầu tư Khu công nghiệp Thái Hà (tại vị trí Km1+040 phải tuyến) vào tuyến đường BOT do Công ty đầu tư, quản lý và khai thác gây lên tình trạng xuống cấp, sụt lún, hư hỏng do xe công trình, xe chở vật liệu xây dựng ra vào gây mất an toàn giao thông.

Ông Ngô Tiến Cương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT cầu Thái Hà cho biết, việc đấu nối trái phép trên kéo dài từ năm 2021, đến ngày 15/4/2024 điểm đấu nối trên mới được tháo dỡ. Việc đóng điểm đấu nối ngày 15/4/2024 của KCN vừa được thực hiện thì có thêm điểm đấu nối của ĐT495B tại vị trí Km1+240 đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Theo lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam việc chấp thuận đấu nối tạm thời có thời hạn để làm đường công vụ phục vụ thi công tuyến ĐT495B vào tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình tại Km31+00/trái tuyến, trên cơ sở rà soát đầy đủ tính pháp lý, quy định các giải pháp kỹ thuật, công tác tổ chức giao thông tại nút giao để đảm bảo ATGT.

Ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó Giám đốc Khu Quản lý đường bộ I cho biết, về việc mở điểm đấu nối tại Km1+240/phải tuyến đường BOT cầu Thái Hà để làm đường công vụ thi công Dự án ĐT.495B, được thực hiện trên cơ sở được sự đồng ý của Cục Đường bộ Việt Nam và đề nghị của UBND tỉnh Hà Nam.

Việc chấp thuận đấu nối thứ nhất là phù hợp với quy hoạch phát triển GTVT của địa phương đã được Thủ tướng phê duyệt và để phục vụ lợi ích chung không chỉ cho tỉnh Hà Nam mà cả vùng kinh tế; thứ hai đây là trạm thu phí hở, việc đấu nối cho phương tiện qua trạm không làm ảnh hưởng đến lưu lượng xe qua trạm.

BOT cầu Thái Hà là một trong 8 dự án khó khăn đang được Bộ GTVT trình Chính phủ phương án dùng ngân sách nhà nước để mua lại

BOT cầu Thái Hà là một trong 8 dự án khó khăn đang được Bộ GTVT trình Chính phủ phương án dùng ngân sách nhà nước để mua lại

Chia sẻ về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thanh Hải, Công ty Luật An Hoàng Gia cho biết, điều 47, Luật số 64/2020/QH14 về Đầu tư theo phương thức Đối tác công tư có quy định về việc bảo đảm thực hiện hợp đồng; quyền sở hữu, quyền quản lý, khai thác các loại tài sản liên quan đến dự án; quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP và hợp đồng dự án PPP phải xác định cụ thể quyền và nghĩa vụ của cơ quan ký kết hợp đồng, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án PPP.

Việc Khu Quản lý đường bộ I cấp giấy phép thi công xây dựng điểm đấu nối trước đây tại vị trí Km1+040 phải tuyến (giấy phép thi công số 131 ngày 31/5/2021, đã được thu hồi ngay sau khi được cấp phép), và điểm đấu nối tạm thời tại lý trình Km1+240/phải tuyến Dự án BOT cầu Thái Hà (Giấy phép thi công số 43 ngày 4/4/2024) để làm đường công vụ thi công 1 dự án khác của địa phương khi chưa có sự đồng ý và thỏa thuận của nhà đầu tư BOT có thể gây vi phạm quyền lợi của nhà đầu tư đối với sản phẩm BOT trong thời gian vận hành dự án.

Đại diện nhiều nhà đầu tư BOT giao thông cũng bày tỏ sự thất vọng khi cơ quan nhà nước không tôn trọng các điều khoản hợp đồng BOT đã ký kết. Đơn cử, không thực hiện lộ trình 3 năm tăng phí 1 lần, địa phương tự ý bổ sung quy hoạch, xây dựng các tuyến đường mới làm ảnh hưởng trực tiếp đến phương án tài chính của dự án BOT, cấp phép đấu nối vào tuyến đường BOT khi chưa có sự đồng ý và thỏa thuận của chủ đầu tư…

Được biết, dự án BOT cầu Thái Hà là một trong 8 dự án đang được Bộ GTVT trình Chính phủ phương án giải cứu, hiện tại đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác vận hành và thu phí, doanh thu thực tế tại trạm BOT cầu Thái Hà chỉ đạt 15% so với phương án tài chính tính toán trong hợp đồng BOT, doanh nghiệp đang đứng trên bờ vực phá sản, do doanh thu thu phí không đủ bù đắp chi phí xây dựng.

Năm 2023, BOT cầu Thái Hà chỉ đạt doanh thu 44,8 tỷ đồng, lỗ 83 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2023, lỗ lũy kế của doanh nghiệp là 436,8 tỷ đồng. Kết thúc Quý I/2024, lợi nhuận sau thuế tiếp tục ghi nhận lỗ hơn 16,4 tỷ đồng.

Xuân Thạch

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/dang-thua-lo-bot-cau-thai-ha-to-bi-vi-pham-quyen-loi-d110518.html