Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Hướng Hóa
Những năm qua, thực hiện các chương trình, dự án của Chính phủ, tỉnh, huyện, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được huyện Hướng Hóa quan tâm. Qua đào tạo nghề, nhiều lao động được tiếp cận kỹ thuật mới để áp dụng vào sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Vì vậy, đời sống của người lao động được nâng cao, an sinh xã hội được đảm bảo tốt hơn.
Do đặc điểm tình hình KT-XH nên huyện miền núi Hướng Hóa có nhiều lao động chưa qua đào tạo nghề. Do đó, huyện sớm triển khai thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020.
Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Hướng Hóa Phạm Vũ cho biết, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện công tác đào tạo nghề cho người lao động trên địa bàn.
Bên cạnh việc tổ chức đào tạo nghề tại trung tâm huyện, đơn vị đã phối hợp với các UBND xã, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tích cực tổ chức đào tạo nghề tại chỗ để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia học nghề, đồng thời gắn đào tạo với thực tiễn sản xuất.
Sau quá trình học nghề, nhiều lao động nông thôn đã tự tạo việc làm, áp dụng kiến thức, khoa học kỹ thuật, mạnh dạn mở rộng sản xuất các sản phẩm có năng suất, chất lượng và hiệu quả.
Đặc biệt, đơn vị đã tổ chức đào tạo nghề may công nghiệp cho gần 100 học viên. Sau khi hoàn thành khóa học, 100% học viên được Nhà máy may Lao Bảo nhận vào làm việc, với mức lương cơ bản từ 3-5 triệu đồng/người/tháng.
Thông qua các lớp đào tạo nghề về kỹ thuật xây dựng, hàng trăm học viên được nhận vào làm việc tại các đơn vị trong ngành xây dựng trên địa bàn với mức lương từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Các mô hình nghề trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản xuất chổi đót, làm hương, sau khi đào tạo cũng giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động.
Anh Ngô Quang Vũ ở thôn Tân Xuyên, xã Tân Hợp cho biết, sau khi học nghề, anh bắt tay xây dựng mô hình nuôi dê bán hoang dã, mang lại hiệu quả cao. Từ 10 con giống ban đầu, đến nay đàn dê của anh Vũ đã phát triển hơn 130 con, mang lại nguồn thu nhập mỗi năm từ 200- 250 triệu đồng.
Bước sang năm 2021-2022, trên cơ sở kinh phí phân bổ từ nguồn ngân sách của huyện và tỉnh, đơn vị đã tổ chức đào tạo được hơn 10 lớp dạy nghề cho hơn 330 học viên là lao động nông thôn. Cùng với đó, đơn vị đã xây dựng được 7 mô hình học tập lớp học nghề.
Các mô hình trên đều có sự cân nhắc, lựa chọn, cam kết giữa nhóm (hộ gia đình) với đơn vị và các UBND xã. Sau khi kết thúc khóa học, các lao động tham gia có mô hình đã cam kết tiếp tục duy trì, phát triển và nhân rộng thực hiện trước sự theo dõi, giám sát, hướng dẫn của cán bộ phụ trách của UBND xã và đơn vị.
Năm 2023, đơn vị đang tiếp tục đào tạo nghề cho lao động nông thôn với số lượng dự kiến đến cuối năm đạt khoảng 300 người.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Phạm Trọng Hổ cho biết, từ năm 2010 đến năm 2020, số lao động nông thôn trên địa bàn huyện được đào tạo nghề và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật gần 8.000 người, bình quân mỗi năm đào tạo gần 800 lao động.
Lao động thuộc diện hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác phục vụ các dự án, công trình trọng điểm gặp khó khăn về kinh tế được đào tạo nghề chiếm phần lớn trong số này.
Đặc biệt có gần 300 lao động được huyện đào tạo nghề đã đủ trình độ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tập trung các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.
Qua điều tra mới nhất của huyện, có trên 70% người lao động sau học nghề đã biết cách tiếp cận và vận dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh.
Qua đó góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ. Một số lao động có tay nghề đã được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và đi làm việc ở nước ngoài.
Theo ông Phạm Trọng Hổ, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là nhiệm vụ quan trọng nhằm cung cấp các kiến thức, kỹ năng, trình độ chuyên môn nhằm giải quyết việc làm cho lao động, góp phần cải thiện đời sống người dân khu vực nông thôn theo các chương trình mục tiêu quốc gia. Đào tạo nghề theo mô hình kết hợp giữa học lý thuyết và thực hành tại chỗ với dụng cụ máy móc được đầu tư trang bị đầy đủ giúp các học viên thành thạo kỹ năng, tạo sự hấp dẫn thu hút các học viên tham gia lớp học.
Huyện Hướng Hóa đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 55%, trong đó qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ 42%; đến năm 2030 tỉ lệ này tương ứng hơn 70% và hơn 55%. Chú trọng giải quyết việc làm bình quân hằng năm từ 1.300-1.400 lao động giai đoạn 2021- 2025.
Gắn đào tạo nghề với hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm cho lao động sau đào tạo, ít nhất có 90% số người học nghề phi nông nghiệp có việc làm mới; 100% người học nghề nông nghiệp có việc làm hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.
Tăng cường liên doanh, liên kết, hợp tác giữa các cơ sở đào tạo nghề với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm giải quyết việc làm cho người lao động sau khi học nghề.