Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã thúc đẩy kinh tế tri thức, xã hội tri thức phát triển và đòi hỏi có những con người có tri thức toàn diện, đặt ra yêu cầu đổi mới mạnh mẽ giáo dục-đào tạo, hướng tới nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai.

Đào tạo nguồn nhân lực ngành tự động hóa tại Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: DUY KHÁNH)
Ngày 18/11/2024, trong buổi gặp mặt đại diện các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh ý kiến chỉ đạo: “Nhân lực chất lượng cao tiếp tục được Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII xác định là đột phá chiến lược và đổi mới giáo dục-đào tạo là nhiệm vụ, giải pháp chiến lược của Đại hội XIV” với mục tiêu cao nhất hiện nay phải tập trung thực hiện cho bằng được là “hoàn thành sự nghiệp đổi mới giáo dục-đào tạo, hoàn thành mục tiêu tạo nguồn nhân lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc trong nhiệm kỳ Đại hội XIV của Đảng”.
Tổng Bí thư đã thẳng thắn chỉ rõ thực trạng giáo dục vẫn tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới, chương trình đào tạo vẫn “nặng” về lý thuyết, “nhẹ” về thực hành; chưa gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học, với sản xuất, kinh doanh và nhu cầu thị trường trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, trong đó cạnh tranh về chất lượng nguồn nhân lực được xác định là cốt lõi quyết định cơ hội phát triển của mỗi nước… Vì thế yêu cầu cấp thiết là nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo ở bậc đại học nhằm mục tiêu cung cấp đủ nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Để khắc phục tình trạng bất cập đã được Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra, nỗ lực trước hết phải xuất phát từ chính ngành giáo dục.
Nhiều trường đại học tiêu biểu trên thế giới như Đại học Cambridge (Anh), Đại học Sydney (Australia), Đại học Liên hợp quốc (Nhật Bản) hay Đại học Maastricht (Hà Lan)… đều triển khai đào tạo liên ngành/xuyên ngành. Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội, mới được thành lập tháng 3/2024 nhưng đã đi đầu trong xu hướng giáo dục hiện đại, khuyến khích sự sáng tạo và khả năng đổi mới.
TS Nguyễn Thu Thủy, Phó Trưởng Khoa Nghệ thuật và Thiết kế, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết: Tại trường, tất cả sinh viên được trang bị kiến thức liên ngành liên quan đến tư duy thiết kế, tư duy sáng tạo và phản biện. Chẳng hạn như sinh viên ngành Thiết kế sáng tạo, Nghệ thuật thị giác, Kiến trúc và Thiết kế cảnh quan được trang bị thêm kiến thức khối quản trị và truyền thông, có khả năng thấu hiểu khách hàng và công chúng. Sinh viên ngành Quản trị thương hiệu, ngành Quản lý giải trí và sự kiện được trang bị kiến thức về thiết kế sáng tạo... Các chương trình đào tạo liên/xuyên ngành ngoài việc thích ứng xu thế của thị trường lao động còn giúp phát huy việc đào tạo theo tín chỉ, tăng khả năng chủ động học của sinh viên.
Liên kết đào tạo để nâng cao kỹ năng làm việc cho sinh viên trong môi trường toàn cầu là hướng mở đã được triển khai trong thực tiễn ở những trường tiên phong đổi mới giáo dục. PGS, TS Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết: Đại học Bách khoa Hà Nội đã sớm nhận thức hợp tác quốc tế trong đào tạo sẽ là động lực thúc đẩy đào tạo nhân lực chất lượng cao hướng tới thị trường lao động toàn cầu nên đã triển khai nhiều chương trình hợp tác nhằm quốc tế hóa môi trường học thuật, gắn kết đào tạo với nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
Đến nay, gần 50% chương trình đào tạo bậc đại học ở Đại học Bách khoa Hà Nội có hợp tác với các đại học danh tiếng tại Mỹ, châu Âu, châu Á và châu Đại Dương. Trong nỗ lực hướng đến thứ hạng trong số 100-150 đại học hàng đầu châu Á về kỹ thuật và công nghệ vào năm 2030 theo Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 8/2/2023 của Chính phủ, Đại học Bách khoa Hà Nội đã và đang tích cực triển khai hợp tác quốc tế đồng thời nâng cao chất lượng giảng dạy khi thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư và cùng với đó là việc thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW, giai đoạn 2025-2030, để mở rộng môi trường đào tạo và nghiên cứu khoa học hướng ra thế giới.
Những mô hình đào tạo mới và hiệu quả như Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, hoặc Đại học Bách khoa Hà Nội, cần được nhân rộng trong các cơ sở giáo dục đại học để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dao-tao-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-post860404.html