Đặt tên con

Ngày chúng tôi ra đi chống Mỹ cứu nước, đa số còn rất trẻ, chưa có vợ con. Được tham gia những trận chiến đấu căng thăng quyết liệt. Một số đã bỏ lại tuổi trẻ nơi chiến trường, số lớn còn lại đến ngày thống nhất non sông, gặp nhau vui mừng khôn xiết. Kể chuyện với nhau về thời kỳ hoạt động của mỗi người nơi chiến trường, có nhân dân vùng chiến sự rất tình cảm thắm thiết hơn cả ruột thịt và bàn chuyện tương lai. Nay xin kể 2 chuyện đặt tên con của chúng tôi.

Ảnh do tác giả cung cấp.

Ảnh do tác giả cung cấp.

Chuyện thứ nhất: NẾU SINH CON GÁI

Tôi với Nguyễn Trung Dung quê ở Nghệ Tĩnh cùng nhập ngũ. Cùng bổ sung vào một đơn vị tham gia chiến đấu nhiều trận đầy gian khổ quyết liệt với quân thù ở mặt trận Trị Thiên năm 1966. Đơn vị tôi có tổ chức kết nghĩa hợp đồng tác chiến với một trung đội du kích xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, phía nam sông Bến Hải gần đồn Cồn Tiên. Mỗi người dân quân nam, nữ trong trung đội này đều chiến đấu dũng cảm tuyệt vời, lập nhiều chiến công vang dội, làm nức lòng cả nước. Trong đó, có một cô gái tên là Đinh Thị Ngọc Diệp, tuổi 16 - 17, kém chúng tôi vài tuổi, nhưng cô đã anh dũng kiên cường, chịu đựng gian khổ. Để cùng quân dân quyết tâm giải phóng quê hương. Hàng ngày Diệp nhanh nhẹn, bình tĩnh dẫn chúng tôi luôn rừng xuyên núi vào sát tận đồn địch, bắn tỉa từng tên giặc. Trong mưa bom bão đạn, cô giúp đỡ bộ đội, hậu cần, dẫn đường, băng bó, khiêng cáng thương binh.... Diệp dũng cảm, bình tĩnh đến lạ thường mà chúng tôi phải học tập. Nhưng rồi cô cũng hy sinh khi đi công tác ở huyện đoàn Gio Linh, Quảng Trị năm 1972.

Năm 1967, tôi bị thương ở tay. Dung bị địch bắt làm tù binh, biền biệt tin nhau. Đến sau ngày thống nhất tôi đang an dưỡng ở Đoàn 200 Quân khu 4 gần nhà. Một hôm, trên đường đi về với gia đình. Tôi gặp Dung bên đường. Chúng tôi ôm nhau xúc động, làm mọi người bên đường chú ý - ngồi lại quán nước. Anh với tôi kể cho nhau nghe nhiều chuyện từ thời gian xa cách. Bỗng dưng anh hỏi tôi:

- Có nhớ Diệp ở Gio An nữa không?

Tôi trả lời anh - Với Diệp làm sao tôi quên được.

Rồi anh nói: mình đã có vợ, nếu sau này vợ mình sinh con gái, mình sẽ đặt tên con là Diệp, để kỷ niệm một thời Quảng Trị. Và tôi cũng hứa với anh tôi cũng sẽ như vậy.

Gần một năm sau, tôi gặp anh từ huyện đội Hưng Nguyên. Lúc anh mang quân hàm Thiếu úy. Anh đã khoe với tôi rằng anh đã có con gái được đặt tên Diệp rồi.

Anh cho con gái Diệp ăn học tử tế, với biết bao tình thương yêu của vợ chồng nay thì Diệp - con anh đã đúng 50 tuổi- làm Giám đốc của một Công ty Bảo hiểm nhân thọ nổi tiếng mấy chục năm nay.

Gặp anh, tôi chúc mừng sức khỏe và tôi lại luôn nhớ về đồng đội nơi chiến trường xưa cùng cô du kích anh hùng, bất khuất ở Quảng Trị.

Chuyện thứ hai: NẾU VỢ SINH CON TRAI

Do bị thương ở cánh tay trái, tôi phải xa đơn vị phía Nam. Lúc anh điều dưỡng tưởng sẽ bị phục viên về với quê hương khi Tổ quốc chưa hết bóng quân thù. Bỗng quân lực của Trung đoàn 284 bộ đội phòng không nhận tôi về làm pháo thủ cho Đại đội 10, Tiểu đoàn 15. Vậy là tôi lại được chiến đấu cùng đồng đội nhưng khác binh chủng. Ở đơn vị mới, tôi lại có thêm nhiều đồng đội yêu quý giúp đỡ. Trong đó có anh Trần Xuân Đường quê ở Nhân Nghĩa, Lý Nhân, Hà Nam. Anh luôn vui vẻ giúp đỡ tôi nhanh chóng tiếp cận kỹ thuật, thao tác hợp đồng để giành giật từng giây với không quân Mỹ- nhằm bảo vệ các yếu địa và vùng trời được giao tại Quân khu 4. Ngoài nhiệm vụ chính là tập trung cho đơn vị chiến thắng. Anh còn rất yêu văn hóa nghệ thuật. Đã có lúc anh với tôi tham gia tích cực vào đội văn nghệ của Tiểu đoàn. Tôi hát một số ca khúc, còn anh thường đệm nhạc. Tôi nhớ, cùng thời gian này bản nhạc (vì miền Nam) của nhạc sỹ Huy Thục, được phổ biến rộng rãi. Anh rất yêu thích bản nhạc này. Lúc đó, tôi chưa hiểu về nhạc lý. Tôi hình dung nhạc sỹ viết (vì miền Nam) dạng giao hưởng cho dàn nhạc dân tộc, lấy âm thanh của Đàn bầu làm chủ đạo. Nhưng tôi thấy anh cầm Măng đô lin cũng gãy (vì miền Nam) giòn giã. Có khi anh rải hợp âm (vì miền Nam) bằng đàn guitar. Bài nhạc ( vì miền Nam) như đi trong máu, thịt của chúng tôi vậy.

Sau một thời gian dài, đơn vị bảo vệ phía tây hệ thống vận chuyển chiến lược Trường Sơn. Lập được nhiều chiến công xuất sắc. Được Đảng, Nhà nước Tuyên dương tập thể đại đội anh hùng các lực lượng vũ trang ngày mùng 01/10/1971.

Bỗng đơn vị được lệnh, hợp đồng cùng các quân binh chủng quyết tâm giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972. Cuối tháng 5 năm đó, anh được cấp trên điều động đi thành lập đơn vị mới. Anh bàn giao chức đại đội phó cho tôi. Lúc chia tay anh ôm tôi thắm thiết. Cả hai chúng tôi đầy xúc động, rồi anh nói:

"Chúng ta đang trên đà giải phóng miền Nam, nếu sau cuộc chiến, hai thằng còn sống sót trở về. Chúng ta sẽ xây dựng tổ ấm, lấy vợ có con. Dù trai hay gái hãy đặt tên con là Nam, Ngọc nhé!

Tôi hỏi tại sao lại chỉ đặt tên con là Nam. Anh trả lời: “Vì chúng ta đang ở Nam và quyết tâm giải phóng miền Nam mà”! Anh rời đơn vị chưa được bao lâu thì chúng tôi phải tham gia chiến dịch bảo vệ thành cổ Quảng Trị. Cuộc chiến đấu này vô cùng ác liệt. Cuối tháng 7 tôi lại bị thương nặng phải rời đại đội anh hùng. Khi biết được mình may mắn sống sót, không biết đơn vị ai còn, ai mất. Đầu năm 1976 vết thương tạm ổn, trước lúc tổ chức cưới vợ tôi đã đi tìm anh ở Nhân Nghĩa, Lý Nhân, Nam Hà. Thân nhân họ tộc và chính quyền địa phương vui vẻ tự hào nói với tôi. Ở đây có anh Trần Xuân Đường đấy, nay là trung tá đang tại chức, chỉ huy một đơn vị Hải quân để bảo vệ chủ quyền biển đảo tại vùng 1. Tôi đã xin hòm thư về tới nhà là biên thư cho anh ngay. Vậy là chúng tôi vui sướng viết thư cho nhau liên tục, chứ không có điện thoại như ngày nay. Anh báo cho tôi anh đã cưới vợ, vợ anh tên là chị Lê Thị Bé, cán bộ dược phẩm ở Quảng Yên, Yên Hưng, Quảng Ninh. Đã sinh con trai đầu, anh vui mừng đặt tên Trần Xuân Nam như lời hẹn với tôi tại Quảng Trị. Đứa con trai thứ hai anh đặt tên Trần Nam Thắng. Rồi anh hứa sẽ đưa vợ con thăm tôi vào dịp sớm nhất. Nhưng sau bức thư ấy, được chừng một tháng. Người thân ở đó đã báo cho tôi biết anh Trần Xuân Đường đã qua đời do vết thương tái phát.

thế giới người hiện. Anh có biết tôi luôn nhớ anh không? Tôi cũng đã có con trai, cũng đặt tên con là Nam đấy. Rồi cũng tự nghĩ, có ai đặt tên con để nhớ một thời đi bảo vệ Tổ quốc đầy gian khổ ác liệt làm kỷ niệm cho dòng đời./.

Đ.S.N

Trái tim người lính

Đặng Sỹ Ngọc

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/dat-ten-con-a25013.html