Dấu ấn đỡ đầu, tài trợ trên những miền nông thôn mới Hà Tĩnh
Đầu năm 2024, Hà Tĩnh hân hoan khi 100% xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Trong thành quả đó có dấu ấn đậm nét từ các đơn vị đỡ đầu, tài trợ.
Thực hiện phong trào thi đua “Cả tỉnh chung sức xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", nhiều tổ chức, đơn vị được giao đỡ đầu, tài trợ đã có các hoạt động tích cực, thiết thực để giúp đỡ các thôn, xã xây dựng nông thôn mới (NTM). Không chỉ hỗ trợ về giá trị vật chất mà hoạt động đỡ đầu còn mang ý nghĩa về mặt tinh thần, góp phần tạo khí thế và động lực xây dựng NTM ở các địa phương.
Thượng tá Phạm Thanh Trâm – Trưởng phòng Tham mưu, Công an tỉnh chia sẻ, tổng nguồn lực của lực lượng công an Hà Tĩnh huy động, kêu gọi tài trợ, đỡ đầu xây dựng NTM trong năm 2023 đạt gần 3,8 tỷ đồng. Trong đó, đơn vị đã kịp thời hỗ trợ xã Hương Lâm (Hương Khê) kinh phí giúp người dân mua cây giống; cải tạo trụ sở làm việc; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng NTM. Qua đó giúp xã sớm hoàn thành các tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn NTM.
Ngoài ra, Công an tỉnh cũng hỗ trợ nhiều địa phương khó khăn khác như: xã Kỳ Thượng, Kỳ Lạc, Kỳ Khang (huyện Kỳ Anh), xã Điền Mỹ (Hương Khê), xã Thạch Châu (Lộc Hà) thực hiện tiêu chí an ninh trật tự, xây dựng nhà ở cho hộ gia đình hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Huy động cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia làm giao thông nông thôn, vệ sinh môi trường, xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo, già cả neo đơn...
Năm 2023, Công ty Xăng dầu Hà Tĩnh đã trích gần 4,9 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng NTM ở các địa phương. Riêng ở huyện Hương Khê, công ty đã hỗ trợ 35 hộ nghèo xây dựng nhà ở kiên cố; hỗ trợ thôn 12, xã Hà Linh xây dựng nhà văn hóa...
Ông Phan Kỳ - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết: Trong những khó khăn đặc thù của huyện miền núi Hương Khê, hoạt động đỡ đầu, tài trợ của các đơn vị và sự phối hợp của địa phương đã mang lại kết quả đáng trân trọng. Không chỉ tạo nguồn lực, cơ sở vật chất mà hoạt động này góp phần khơi dậy tinh thần cho địa phương và người dân trong phong trào thi đua xây dựng NTM. Có thể khẳng định, trong năm 2023, 4 xã cuối cùng của huyện và cũng là của tỉnh đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM có sự đóng góp rất lớn của những tổ chức, đơn vị đỡ đầu, tài trợ.
Theo số liệu thống kê từ Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, tổng kinh phí kêu gọi đỡ đầu, tài trợ xây dựng NTM năm 2023 là 95,522 tỷ đồng. Trong đó, các tổ chức, đơn vị được giao, chấp thuận đỡ đầu, tài trợ xây dựng NTM theo các Quyết định số 834/QĐ-UBND và số 912/QĐ-UBND của UBND tỉnh là 15,723 tỷ đồng. Một số đơn vị tiêu biểu như: Công an tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Sở Công thương, Sở NN&PTNT, các ngân hàng thương mại trên địa bàn, Cục Hải quan Hà Tĩnh, Công ty xăng dầu Hà Tĩnh, Viễn thông Hà Tĩnh...
Ngoài các tổ chức, đơn vị được UBND tỉnh giao, chấp thuận đỡ đầu, tài trợ xây dựng NTM còn có nhiều tổ chức, cá nhân đã ủng hộ các địa phương xây dựng NTM. Theo báo cáo của các huyện, thành phố, thị xã, toàn tỉnh đã kêu gọi đỡ đầu, tài trợ xây dựng NTM gần 80 tỷ đồng.
Ông Ngô Đình Long - Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh cho biết, bên cạnh nguồn lực là tiền mặt, nguyên vật liệu, các đơn vị đã huy động cán bộ, hội viên, chiến sỹ với 11.286 ngày công để giúp các thôn, xã làm đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng; chỉnh trang khuôn viên nhà văn hóa, vườn hộ; trồng hàng rào xanh, di dời chuồng trại chăn nuôi, giúp đỡ hộ dân khắc phục hậu quả thiên tai...
Điểm mới trong năm 2023 là các đơn vị được giao đỡ đầu, tài trợ đến cấp thôn, tập trung tại 2 xã khó khăn nhất là Hà Linh và Điền Mỹ của huyện Hương Khê. Nguồn lực quan trọng này góp phần giúp các địa phương hoàn thành các tiêu chí và hiện đã được Hội đồng cấp tỉnh bỏ phiếu đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Với kết quả này, Hà Tĩnh đã có 100% xã đạt chuẩn/hoàn thành 20/20 tiêu chí NTM.
Để phát huy tốt chương trình đỡ đầu, tài trợ, các địa phương cần tiếp tục duy trì, giữ vững mức độ đạt chuẩn, xây dựng kế hoạch để nâng cấp các nội dung, tiêu chí, nhất là việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường... phấn đấu xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, thôn NTM thông minh.
Đặc biệt, đối với thôn chưa đạt chuẩn NTM kiểu mẫu cần tiếp tục phối hợp xây dựng lộ trình, kế hoạch đỡ đầu, tài trợ cụ thể. Trong đó, địa phương phải chủ động thực hiện các phần việc có khả năng tự thực hiện được, chỉ đề xuất tài trợ, hỗ trợ thực hiện các nội dung ngoài khả năng.