Dấu ấn ngôi đình cổ trăm tuổi gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam

Nằm giữa trung tâm phường Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), đình Lạc Giao không chỉ là điểm hội tụ đầu tiên của người Kinh với người Thượng tại Đắk Lắk mà còn là nơi thờ người có công với nước, nơi cầu mong sức khỏe, làm ăn phát đạt...

Từ căn nhà lá trở thành ngôi đình nổi tiếng

Năm nay dù đã ngoài 80 tuổi, ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Ban tổ chức quản lý các hoạt động văn hóa tại di tích lịch sử quốc gia đình Lạc Giao vẫn nhớ như in từng mốc thời gian, sự kiện gắn liền với ngôi đình này từ những năm đầu thập niên thế kỷ 20.

Nói về lịch sử ngôi đình, ông Nguyễn Văn Bảy kể, năm 1923, ông Phan Hộ cùng 10 hộ gia đình từ tỉnh Khánh Hòa cùng nhau ngược lên vùng đất Buôn Ma Thuột khai hoang, lập làng và buôn bán.

Khi mới lên, ông Hộ và những người đi cùng dựng tạm một ngôi nhà tranh (sau đó là đình Lạc Giao) để che nắng, che mưa trong thời gian lưu trú tại đây.

Nhóm của ông Hộ cũng thường xuyên gặp gỡ, giao lưu với người đồng bào các dân tộc trên địa bàn Buôn Ma Thuột... dần dần một cái chợ nhỏ được hình thành ngay bên đình để phục vụ nhu cầu người dân.

Sau khi có chợ, nhiều người Kinh đã mang muối, mắm và các sản vật từ vùng biển lên để trao đổi hàng hóa với đồng bào địa phương. Thời điểm đó ở Tây Nguyên gần như không có muối.

Đình Lạc Giao có kiến trúc rất đẹp, chủ yếu làm bằng gỗ. Ảnh: Hải Dương

Đình Lạc Giao có kiến trúc rất đẹp, chủ yếu làm bằng gỗ. Ảnh: Hải Dương

Ông Hộ và 10 gia đình sống ở đây được một thời gian thì người dân từ các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Thừa Thiên – Huế lần lượt đổ về Buôn Ma Thuột và cái tên Lạc Giao ra đời từ đây.

Năm 1932, người Pháp ký quyết định thành lập làng, lấy tên là Lạc Giao. Cũng trong năm 1932, Lạc Giao được xây dựng lại bằng gỗ, lợp lá hoặc tôn. Lúc này triều đình nhà Nguyễn ban sắc chỉ cho phép đình Lạc Giao thờ Đào Duy Từ – bậc khai quốc công thần (có công đối với triều đình).

Nhiều dấu ấn gắn liền với lịch sử cách mạng

Có rất nhiều dấu ấn, ý nghĩa lịch sử xung quanh đình Lạc Giao mà ông Bảy không bao giờ quên được.

Ông Bảy kể lại, vào những năm 1945, đình Lạc Giao là nơi hội họp và ra mắt của Ủy ban Cách mạng lâm thời thị xã Buôn Ma Thuột.

Sau khi ra mắt Ủy ban Cách mạng lâm thời thị xã Buôn Ma Thuột, rất nhiều người con của làng Lạc Giao đã đứng vào hàng ngũ Vệ quốc đoàn, tham gia chính quyền cách mạng, viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc.

Đến đêm 1/12/1945 (tức ngày 27/10 âm lịch - năm Ất Dậu), một sự kiện kinh hoàng đã xảy ra tại ngôi đình này khiến nhiều người tử vong.

Cụ thể, trong đêm ấy, giặc Pháp quay trở lại tấn công Buôn Ma Thuột. Lúc này có 100 chiến sĩ đang trên đường Nam tiến, trong đó có 40 sĩ quan do Trung ương điều vào chi viện, đã bị phục kích sát hại.

Trước tình thế đó, nhiều người dân làng Lạc Giao chạy về khu vực trụ đèn 3 ngọn (ngã 6, phường Buôn Ma Thuột ngày nay) để lánh nạn nhưng vẫn bị quân địch tấn công và thiệt mạng.

Gói bánh để giổ tổ Hùng Vương. Ảnh: Hải Dương

Gói bánh để giổ tổ Hùng Vương. Ảnh: Hải Dương

Đến ngày 17/3/1975, tại ngôi đình này, Ủy ban Quân quản thị xã Buôn Ma Thuột tuyên bố chính quyền về tay nhân dân.

Do ngôi đình có rất nhiều ý nghĩa, nên vào năm 2005, UBND tỉnh Đắk Lắk cử đoàn công tác ra miền Bắc nghiên cứu mô hình đình làng, kết hợp với ý kiến của các bô lão trong làng để đại trùng tu đình Lạc Giao.

Ngày 2/3/1990, đình Lạc Giao được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Đình Lạc Giao là khu vực thờ 100 chiến sĩ Nam tiến và đồng bào tử nạn tại Buôn Ma Thuột vào đêm 1/12/1945. Ảnh: Tư liệu

Đình Lạc Giao là khu vực thờ 100 chiến sĩ Nam tiến và đồng bào tử nạn tại Buôn Ma Thuột vào đêm 1/12/1945. Ảnh: Tư liệu

Ông Nguyễn Văn Bảy chia sẻ thêm, vào năm 1975, đình Lạc Giao được chọn làm trụ sở của Ủy ban Quân quản thị xã. Thời điểm ấy, quanh đình rất trống trải, lại treo cờ cách mạng nên trở thành mục tiêu tấn công của địch. Máy bay liên tục ném bom xuống khu vực này, nhiều gia đình xung quanh không còn ai sống sót, nhưng riêng đình Lạc Giao vẫn còn nguyên vẹn.

"Cách đây khoảng 5 năm, một vụ cháy lớn xảy ra ở dãy nhà phía sau đình, thiêu rụi nhiều tài sản, may mắn không bị thiệt hại về người", ông Bảy thông tin.

Ông Lưu Minh Khoa, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk (đơn vị quản lý đình) cho biết, di tích lịch sử đình Lạc Giao là một trong những ngôi đình cổ tại phường Buôn Ma Thuột. Đây không chỉ là điểm hội tụ đầu tiên của người Kinh với người Thượng tại Đắk Lắk mà còn là nơi thờ những người có công với nước, nơi cầu mong sức khỏe và làm ăn phát đạt.

Theo lời ông Khoa, hằng năm, vào các dịp Xuân Thu nhị kỳ, tại Đình Lạc Giao đều tổ chức các lễ tế vào ngày âm lịch như: Lễ tế xuân (17/1); Lễ tế thu (16/8); lễ tưởng niệm 100 chiến sĩ Nam tiến và đồng bào tử nạn tại Buôn Ma Thuột (27/10); Lễ Giỗ tổ Hùng Vương (10/3).

Di tích lịch sử đình Lạc Giao hiện đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch tỉnh Đắk Lắk, đồng thời cũng là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ.

Hải Dương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dau-an-ngoi-dinh-co-tram-tuoi-gan-lien-voi-lich-su-cach-mang-viet-nam-2416375.html