Đầu đà và khổ hạnh

Đầu-đà, tiếng Phạn và Pāli cùng viết dhūta, nguyên nghĩa là rũ sạch bụi bẩn phiền não, còn đọc là đỗ-đồ, đỗ-đa, đầu-đa, thâu-đa… dịch ý là từ bỏ sự tham muốn và dính mắc vào ba thứ áo quần, ăn uống và chỗ ở để tu luyện thân tâm, cũng gọi là hạnh đầu-đà, sự đầu-đà, công đức đầu-đà (dhūta-gunạ).

Căn cứ kinh Tăng nhất A-hàm, kinh Phật nói về mười hai hạnh đầu-đà, Thiện kiến luật Tỳ-bà-sa, quyển 6, Hiển dương thánh giáo luận, quyển 13, Đại thừa nghĩa chương, quyển 15, Tuệ lâm âm nghĩa, quyển 47, chúng ta có thể sắp xếp 12 hạnh đầu-đà như sau:

- Về y áo, có hai hạnh: 1. Mặc y phấn tảo; 2. Chỉ có ba y.

- Về ăn uống, có năm hạnh: 3. Đi khất thực; 4. Khất thực tuần tự từng nhà; 5. Ăn một lần ngồi; 6. Ăn vừa đủ; 7. Quá ngọ không ăn, không uống nước trái cây.

- Về chỗ ở, có năm hạnh: 8. Ở nơi thanh vắng; 9. Ở bên gốc cây; 10. Ở nơi đất trống; 11. Ở bãi tha ma; 12. Chỉ ngồi, không nằm.

Theo Tăng nhất A-hàm, phẩm Nhất nhập đạo, kinh Mười hai hạnh đầu-đà, Đức Phật dạy: “Ai khen ngợi người tu các hạnh đầu-đà tức là đã khen ngợi Như Lai. Vì sao vậy? Vì Như Lai thường khen ngợi người tu các hạnh đầu-đà. Ai chê bai người tu các hạnh đầu-đà tức là đã chê bai Như Lai”1.

Cũng trong phẩm Nhất nhập đạo, kinh Đầu-đà Ca-diếp2, bản kinh tương đương trong kinh điển Pāli là kinh Trở về già: Jiṇṇa, thuộc Tương ưng Kassapa, Đức Phật từng khuyên Tôn giả Đại Ca-diếp, rằng: “Này Kassapa, ông đã già rồi. Ðã cũ nát là những vải gai thô phấn tảo này của ông đáng được quăng bỏ. Vậy này Kassapa, hãy mang những y áo do các gia chủ cúng, thọ dụng các món ăn được mời và ở gần bên Ta”3 nhưng Tôn giả đã từ chối: “Nay con không dám thuận theo lời dạy của Như Lai. Vì sao vậy? Vì nếu Như Lai không thành tựu đạo Vô thượng Chánh chân thì con sẽ thành bậc Độc giác. Nhưng bậc Độc giác ấy dốc lòng hành hạnh a-lan-nhã, đến giờ đi khất thực, không phân biệt giàu nghèo; ngồi một chỗ ăn một bữa, không thích dời đổi; thường ngồi bên gốc cây, hoặc chỗ đất trống, hoặc nơi yên vắng; luôn khoác y năm mảnh, hoặc trì ba y; hoặc ở bãi tha ma; hoặc ăn đúng lượng một bát, hoặc ăn đúng ngọ, hành hạnh đầu-đà. Thật sự con nay không dám từ bỏ nếp sống cũ để tu học những hạnh khác”4.

Đức Phật liền khen ngợi: “Lành thay, lành thay, Đại Ca-diếp! Thầy đã tạo nhiều điều lợi ích, độ người vô lượng, tất cả trời, người đều được độ thoát. Vì sao như vậy? Này Đại Ca-diếp, hạnh đầu-đà còn ở thế gian thì giáo pháp của Như Lai cũng tồn tại lâu dài ở đó. Nếu giáo pháp tồn tại ở đời thì chúng sanh cõi trời sẽ tăng, chúng sanh nơi ba đường dữ liền giảm. Đồng thời, người thành tựu quả vị Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và Tam thừa đều còn nơi thế gian”5.

Trong một đoạn kinh khác, Đức Phật còn huyền ký: “Lành thay, lành thay! Ca-diếp đã làm nhiều điều lợi ích. Thầy là bạn tốt, là ruộng phước cho người đời. Này Ca-diếp, thầy nên biết! Sau khi Ta nhập Niết-bàn khoảng hơn một ngàn năm, sẽ có các Tỳ-kheo bỏ bê việc tham thiền, chẳng thực hành pháp đầu-đà nữa, cũng không khất thực, không mặc y phấn tảo mà chỉ tham lam thu nhận y phục, thực phẩm của thí chủ thỉnh mời. Họ cũng chẳng ngồi bên gốc cây, ở nơi thanh vắng, chỉ ưa thích trang hoàng nhà cửa, phòng ốc, cũng không dùng trần khí dược để làm thuốc mà chỉ đam mê các dược thảo cực kỳ ngon ngọt, rồi tham đắm tài sản, lẫn tiếc nhà cửa, thường tranh chấp nhau”6.

Như vậy, đầu-đà là một trong muôn hạnh tu được Đức Thế Tôn chỉ dạy và ngợi khen. Không những vậy, nó còn được xem là một trong những hạnh tu căn bản phản ánh phẩm chất đạo đức thiểu dục, tri túc của một người xuất gia lấy mục đích giác ngộ giải thoát làm cứu cánh. Nó không phải là pháp tu khổ hạnh, bởi khổ hạnh là một cực đoan mà người tu hạnh đầu-đà phải từ bỏ: “Tỳ-kheo sống theo hạnh a-lan-nhã cần từ bỏ hai cực đoan, thân và tâm phải thanh tịnh, thực hành theo hạnh đầu-đà”7.

Khổ hạnh, tiếng Phạn là duṣkara-caryā, tiếng Pāli là dukkara-kārikā, được hiểu là một phương pháp tu hành bằng cách tự hành hạ bản thân, đọa đày thể xác nhằm đạt được giải thoát hay đạt đến một ước nguyện nào đó. Danh và nghĩa hoàn toàn khác với hạnh đầu-đà.

Trong kinh điển Phật giáo, khi nói đến khổ hạnh, chủ yếu là nói đến pháp tu hành của ngoại đạo để cầu sinh thiên giới. Những pháp tu này có rất nhiều cách và rất quái dị, như lấy tro bôi vào thân thể, lấy cây đánh đập thân thể đến tươm máu, hoặc suốt đời ăn phân bò…

Theo kinh Đại Niết-bàn quyển 16 và Bách luận quyển thượng, ngoại đạo có sáu trường phái tu khổ hạnh, khái lược như sau:

1. Tự ngạ ngoại đạo (trường phái nhịn đói): Trường phái này chủ trương không ăn, hoặc chịu đựng nhịn đói trong một thời gian dài.

2. Đầu uyên ngoại đạo (trường phái gieo mình xuống vực sâu): Vào mùa đông giá lạnh, họ đi vào trong vực sâu để nhẫn chịu cái khổ của giá lạnh.

3. Phó hỏa ngoại đạo (trường phái hơ mình trên lửa): Họ thường xuyên hơ mình bên ngọn lửa, hoặc để ngọn lửa sát mũi rồi hít sâu vào.

4. Tự tọa ngoại đạo (trường phái ngồi một chỗ): Người tu theo phái này thường ngồi một chỗ trên bãi đất trống bất kể nắng mưa nóng lạnh.

5. Tịch mặc ngoại đạo (trường phái im lặng): Họ sống giữa bãi tha ma và câm lặng.

6. Ngưu cẩu ngoại đạo (trường phái hạnh con bò, con chó): Những người tu theo trường phái này giữ giới sống như con bò, con chó, ăn cỏ khô và những thứ dơ bẩn.

Sáu trường phái khổ hạnh này thường được biết đến với tên gọi là lục chủng khổ hạnh ngoại đạo. Họ thực hành khổ hạnh như vậy vì tin rằng, đó là nhân hạnh để được giải thoát, đắc quả, được sinh lên cõi trời. Ngoài sáu trường phái khổ hạnh này, ở Ấn Độ cổ đại còn có nhiều trường phái khổ hạnh khác.

Khi Đức Thế Tôn mới xuất gia, Ngài từng theo các vị tiên nhân ở rừng khổ hạnh (khổ hạnh lâm) thực tập khổ hạnh sáu năm theo phái Tự ngạ ngoại đạo. Ngài kể lại: “Này Sariputta, trong khi Ta sống chỉ ăn một trái táo, thân thể của Ta trở thành hết sức ốm yếu. Vì Ta ăn quá ít, tay chân Ta trở thành như những cọng cỏ hay những đốt cây leo khô héo. Vì Ta ăn quá ít, bàn trôn của Ta trở thành như móng chân con lạc đà. Vì Ta ăn quá ít, các xương sống phô bày của Ta giống như một chuỗi banh. Vì Ta ăn quá ít, các xương sườn gầy mòn của Ta giống như rui cột nhà sàn hư nát. Vì ta ăn quá ít, nên con ngươi của Ta long lanh nằm sâu thẳm trong lỗ con mắt, giống như ánh nước long lanh nằm sâu thẳm trong một giếng nước thâm sâu. Vì Ta ăn quá ít, da đầu Ta trở thành nhăn nheo khô cằn như trái bí trắng và đắng bị cắt trước khi chín, bị cơn gió nóng làm cho nhăn nheo khô cằn. Này Sariputta, nếu Ta nghĩ: ‘Ta hãy sờ da bụng’ chính xương sống bị Ta nắm lấy. Nếu Ta nghĩ: ‘Ta hãy sờ xương sống’, thì chính da bụng bị Ta nắm lấy. Vì Ta ăn quá ít, nên này Sariputta, da bụng của Ta bám chặt xương sống. Này Sariputta, nếu Ta nghĩ: ‘Ta đi đại tiện hay đi tiểu tiện’, thì Ta ngã úp mặt xuống đất, vì Ta ăn quá ít. Này Sariputta, nếu Ta muốn thoa dịu thân Ta, lấy tay xoa bóp chân tay, thì này Sariputta, trong khi Ta lấy tay xoa bóp chân tay, các lông tóc hư mục rụng khỏi thân Ta, vì Ta ăn quá ít”8.

Dù khổ hạnh như vậy nhưng không lợi ích gì: “Này Sariputta, dầu Ta có theo cử chỉ như vậy, theo hành lộ như vậy, theo khổ hạnh như vậy, Ta cũng không chứng được các pháp thượng nhân, không có tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh. Vì sao vậy? Vì với những phương tiện ấy, không chứng được pháp thượng nhân với Thánh trí tuệ”9.

Tóm lại, danh từ và ý nghĩa của đầu-đà và khổ hạnh như trình bày trên hoàn toàn khác nhau. Đầu-đà là một trợ hạnh, một lối sống chánh mạng theo đúng tinh thần thiểu dục tri túc về ba nhu yếu ăn, mặc, ở để có nhiều thời gian hành thiền, quán chiếu nhằm đạt được mục đích giải thoát. Trong khi khổ hạnh là một cực đoan mà người tu hạnh đầu-đà cần phải từ bỏ.

----------------------------

1 ĐCTT/ĐTK. T02, n0.125, p.569c13.

2 ĐCTT/ĐTK. T02, n0.125, p.570a23.

3 HT.Thích Minh Châu dịch, Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, tập 03, tr.440.

4 ĐCTT/ĐTK. T02, n0.125, p.570b05.

5 Kinh dẫn thượng.

6 ĐCTT/ĐTK. T02, n0.125, p.746b07.

7 ĐCTT/ĐTK. T17, n0.783, p.720c04.

8 HT.Thích Minh Châu dịch, Trung bộ kinh, số 12, Đại kinh Sư tử hống.

9 Kinh dẫn thượng.

Thích Nguyên Hùng/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/dau-da-va-kho-hanh-post72635.html