Dấu hiệu cảnh báo trẻ nhiễm giun

Gia đình tôi thích ăn rau và các loại gỏi tái nên vẫn thường xuyên tẩy giun định kỳ, nhưng con gái 5 tuổi gần đây sụt cân, chán ăn và than ngứa, đây có phải tẩy giun chưa sạch?

Gia đình tôi thích ăn rau và các loại gỏi tái nên vẫn thường xuyên tẩy giun định kỳ, nhưng con gái 5 tuổi gần đây sụt cân, chán ăn và than ngứa, đây có phải tẩy giun chưa sạch?

Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương)

Giun là một loại ký sinh trùng, sống chủ yếu trong đường ruột. Những loại giun thường sống ký sinh ở người bao gồm giun kim, giun đũa, giun móc, sán...

Trẻ nhỏ thường hay bị nhiễm giun do trẻ hay đưa đồ chơi vào miệng, chưa biết vệ sinh đúng cách khiến chất bẩn chứa trứng giun chui vào miệng và ký sinh trong ruột.

Trẻ bị nhiễm giun sẽ gây ra biếng ăn, chậm lớn, suy dinh dưỡng, thiếu máu và thậm chí tử vong.

Các biểu hiện điển hình khi trẻ bị nhiễm giun bao gồm:

- Đau bụng vùng rốn, bụng ỏng, gầy yếu. Trẻ có thể nôn hoặc đi tiêu ra giun. Đau bụng giun thường tái đi tái lại nhiều lần.

- Trẻ nhiễm giun thường khó ngủ, đôi khi tè dầm, hay quấy khóc do ngứa vùng hậu môn vào ban đêm.

- Trẻ bị rối loạn tiêu hóa, phân lúc đặc lúc lỏng, có thể nhìn thấy giun kim ở hậu môn hoặc trong phân.

- Trẻ biếng ăn, khó chịu, thay đổi trong hoạt động hàng ngày.

- Trẻ em gái có thể bị mẩn đỏ và ngứa quanh vùng âm đạo.

- Có biểu hiện thiếu hụt vitamin và khoáng chất.

- Có thể có máu trong phân, có biểu hiện thiếu máu hoặc thở khò khè, ho khan.

Trường hợp trẻ nhiễm giun, xét nghiệm trong phân sẽ thấy có trứng giun. Trong một số trường hợp nhiều giun đũa, siêu âm có thể phát hiện thấy hình ảnh của giun đũa.

Để phòng bệnh, gia đình nên dạy trẻ thói quen rửa tay, đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Định kỳ 6 tháng cho bé uống thuốc tẩy giun một lần. Nếu trong nhà có một thành viên bị nhiễm giun kim, nên tẩy giun cho cả nhà.

Độc giả Hy Hy

Nguồn Znews: https://znews.vn/dau-hieu-canh-bao-tre-nhiem-giun-post1452531.html