Đầu tư công bứt tốc, thị trường vật liệu và xây lắp đón sóng tăng trưởng
Với mức đầu tư từ 606.000 tỷ đồng lên 875.000 tỷ đồng chỉ sau hơn 1 năm, ngân sách đầu tư công của Việt Nam cho năm 2025 tăng mạnh cả về quy mô và hiệu quả giải ngân. Đây là tín hiệu tích cực cho nhóm doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, vật liệu và các cổ phiếu hưởng lợi từ làn sóng đầu tư hạ tầng.
Quảng Ninh phấn đấu đến 30/6 giải ngân trên 5.400 tỷ đồng vốn đầu tư công Khánh Hòa điều chuyển vốn đầu tư công 4 dự án chậm tiến độ
Đầu tư công bứt tốc
Ngân sách đầu tư công năm 2025 của Việt Nam được nâng lên mức kỷ lục 875.000 tỷ đồng, tăng tới 29% so với kế hoạch năm 2024 và là mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Theo đánh giá của bà Nguyễn Thảo Vy - Trưởng phòng cấp cao, Phòng Nghiên cứu và Phân tích tại Chứng khoán Vietcap, con số này không phải là kết quả của một quyết định đột ngột, mà là kết tinh của quá trình điều chỉnh liên tục trong suốt hơn 1 năm qua.
Từ mức 606.000 tỷ đồng vào tháng 10/2023, ngân sách đầu tư công đã lần lượt được nâng lên 791.000 tỷ vào cuối năm 2024 và chính thức đạt 875.000 tỷ vào tháng 2/2025. Đây là minh chứng rõ rệt cho cam kết của Chính phủ trong việc thúc đẩy hạ tầng trở thành động lực chiến lược cho tăng trưởng.

Không chỉ ở quy mô, hiệu quả giải ngân cũng là một điểm sáng đáng chú ý. Dữ liệu cho thấy nhiều cơ quan đầu mối chủ lực đã duy trì tỷ lệ giải ngân vượt 90% trong các năm gần đây.
“Điều này phản ánh ‘dòng vốn đầu tư công không còn nằm trên giấy, mà đang chuyển hóa thành những công trình cụ thể trên khắp cả nước. Thực tế, trong giai đoạn 2021–2024, Việt Nam đã hoàn thành thêm 286 km đường cao tốc mới, gần gấp 3 lần so với kết quả 107 km trong cả giai đoạn 2011-2020, một minh chứng rõ rệt cho năng lực thực thi được cải thiện” - bà Vy cho biết.
Chiến lược phát triển hạ tầng trong dài hạn còn thể hiện rõ qua mục tiêu đưa tổng chiều dài đường cao tốc toàn quốc đạt 5.000 km vào năm 2030, cùng hàng loạt dự án trọng điểm như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, sân bay Long Thành hay các tuyến cao tốc liên vùng và hệ thống cảng biển.
“Không chỉ tập trung vào một vùng hay một lĩnh vực, Chính phủ đang theo đuổi một chiến lược hạ tầng toàn diện, từ đường bộ, đường sắt, hàng không đến cảng biển nhằm gia tăng liên kết nội địa và nâng cao năng lực hội nhập quốc tế” - bà Vy nói.
Cổ phiếu hạ tầng hút dòng tiền
Về xu hướng dòng tiền trên thị trường chứng khoán, theo bà Vy, chính trong bối cảnh vốn đầu tư công được bơm mạnh và triển khai một cách thực chất, nhóm cổ phiếu gắn liền với chu kỳ đầu tư công đang trở thành tâm điểm thu hút dòng tiền. Đặc biệt, các doanh nghiệp trong lĩnh vực vật liệu xây dựng giữ vai trò nổi bật nhờ vị trí thượng nguồn trong chuỗi giá trị.
“Việc có thể ghi nhận doanh thu ngay khi bàn giao hàng hóa giúp nhóm này linh hoạt hơn đáng kể so với các công ty xây lắp, vốn thường chỉ hạch toán doanh thu theo từng giai đoạn thi công, tức phụ thuộc nhiều vào tiến độ dự án. Ngoài ra, hệ thống phân phối rộng khắp và tệp khách hàng đa dạng cũng giúp các doanh nghiệp vật liệu hạn chế rủi ro khi có biến động ở một phân khúc hay nhà đầu tư cụ thể” - bà Vy nhận định.
Các dự án đầu tư công dự kiến trong giai đoạn 2024 - 2030.
Trong khi đó, với nhóm xây lắp, chiến lược đầu tư đang có sự phân hóa rõ rệt theo từng tầm nhìn. Ở ngắn hạn, ưu tiên tập trung vào các doanh nghiệp có khả năng tiếp cận dự án nhanh chóng, thi công hiệu quả và bám sát tiến độ giải ngân.
Còn ở tầm nhìn dài hạn, nhà đầu tư đang hướng tới các doanh nghiệp xây lắp đa ngành, những đơn vị không chỉ nhận thầu thi công mà còn tham gia phát triển dự án và mở rộng sang các lĩnh vực liên quan, từ đó tạo ra nền tảng tăng trưởng ổn định và bền vững hơn trong chu kỳ tiếp theo.
Khi chiến lược phát triển quốc gia đang hội tụ cùng dòng vốn đầu tư công quy mô lớn, đây được xem là giai đoạn mà nhà đầu tư nên tập trung nhận diện những doanh nghiệp đang hiện diện trong dòng chảy hạ tầng. “Trong các chu kỳ đầu tư công trước, thị trường thường phản ứng sớm với kỳ vọng. Nhưng hiện nay, khác biệt lớn nằm ở chỗ vốn đã và đang được giải ngân mạnh mẽ, tức là kỳ vọng đang dần trở thành hiện thực” - bà Vy nhấn mạnh.
Góp thêm góc nhìn về ngành thép - một lĩnh vực hưởng lợi rõ nét từ chu kỳ đầu tư công, ông Hoàng Gia Huy - chuyên gia tại Phòng Nghiên cứu và Phân tích Chứng khoán Vietcap, cho biết: “Chỉ riêng yếu tố cầu là chưa đủ để đánh giá triển vọng ngành thép. Yếu tố cung, đặc biệt là năng lực sản xuất trong nước và chính sách bảo hộ cũng đóng vai trò then chốt”.
Theo ông Huy, kế hoạch giải ngân đầu tư công năm 2025 đã 2 lần điều chỉnh tăng, hiện cao hơn tới 40% so với mục tiêu ban đầu vào tháng 10/2023. Trong khi đó, thép Trung Quốc đang dư cung do nhu cầu nội địa giảm và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng. Trước tình hình đó, Việt Nam đã áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, gồm thuế chống bán phá giá với thép HRC (AD20) và tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc (AD19), tạo lợi thế cạnh tranh đáng kể cho các nhà sản xuất trong nước.
Theo bà Đinh Thị Thùy Dương - Phó Giám đốc Phòng Nghiên cứu và Phân tích Chứng khoán Vietcap, trong 4 tháng đầu năm 2025, giải ngân vốn đầu tư công tăng khoảng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, phù hợp với xu hướng giải ngân mạnh vào quý II và quý IV. Dự báo giải ngân cả năm 2025 sẽ tăng từ 30% đến 40%, nhằm thúc đẩy chi tiêu công và tăng trưởng nội địa trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động và xuất khẩu gặp khó khăn.