Đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam còn nhỏ bé, vì sao?

Theo TS. Phan Hữu Thắng - Chủ tịch HĐTV Viện nghiên cứu Đầu tư quốc tế, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Đầu tư ra nước ngoài (OFDI) thể hiện mức độ phát triển của một quốc gia nhưng OFDI của Việt Nam còn nhỏ bé chưa tương xứng với tiềm năng.

Thưa ông, kể từ khi Nghị định 22/1999/NĐ-CP – nghị định đầu tiên của Chính phủ về đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam được ban hành đến nay đã 24 năm, đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam đã đạt được những kết quả nổi bật nào?

- Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế từ năm 1999 đến tháng 5/2023 Việt Nam đã có 1.648 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với số vốn gần 22,1 tỷ USD tại hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó có những thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nga…

 TS. Phan Hữu Thắng - Chủ tịch HĐTV Viện nghiên cứu Đầu tư quốc tế

TS. Phan Hữu Thắng - Chủ tịch HĐTV Viện nghiên cứu Đầu tư quốc tế

OFDI đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo cơ hội tận dụng hiệu quả mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (FTA), mở rộng tăng thị trường… OFDI tạo động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng quy mô và phát triển kinh doanh, ghi dấu ấn trên thị trường thế giới như VIETTEL, FPT, Tập đoàn TH, Hòa Phát, PVN…

Một số doanh nghiệp đã mang lợi nhuận về nước. Trong đó, FPT đã hiện diện tại 29 quốc gia, năm 2022 doanh số tại thị trường nước ngoài đạt 1 tỷ USD. VIETTEL đã chinh phục được 10 thị trường ở nước ngoài, doanh thu năm 2022, đạt gần 3 tỷ USD, tương đương doanh thu dịch vụ viễn thông trong nước của Tập đoàn…

Bên cạnh những thành công, cũng có những thất bại, có những doanh nghiệp trắng tay về nước, có những dự án dừng giữa chừng nhiều năm nay… ? Nguyên nhân do đâu, thưa ông?

- Trong cuốn sách “Đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài và tại Myanmar” của Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế (ISC), Hội Hữu nghị Việt Nam – Myanmar và Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance cũng đã nghiên cứu và phân tích từ những trường hợp thành công và cả không thành công trong bối cảnh của từng nước nhận đầu tư và bối cảnh thế giới cũng như cơ chế, chính sách của Việt Nam.

Nghiên cứu này cho thấy, ngoài những doanh nghiệp thành công, và những dự án có lãi thì hiệu quả kinh doanh ở nước ngoài còn thấp. Vẫn có những dự án bị lỗ kinh doanh. Nhiều dự án lớn gặp khó khăn phải chuyển nhượng vốn, nhiều dự án tạm dừng hoạt động…

Nguyên nhân một phần do biến động về kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh tại địa bàn đến đầu tư, hay do thay đổi pháp luật, cơ chế và chính sách của quốc gia tiếp nhận đầu tư. Đơn cử như do chính biến ở Myanmar, hàng loạt dự án phải dừng.

Bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp năng lực cạnh tranh yếu, lại thiếu kinh nghiệm hoạt động trong môi trường kinh doanh quốc tế, tiềm lực hạn chế, thương hiệu công ty, thương hiệu sản phẩm, dịch vụ chưa có… nên gặp khó khăn trong cạnh tranh với các nhà đầu tư đến từ các nước khác…

Có những dự án do tìm hiểu môi trường đầu tư không kỹ, nên sau khi được cấp giấy phép, nhiều khó khăn mới phát sinh… Lại có quá ít chi nhánh ngân hàng Việt Nam ở nước ngoài nên doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn để triển khai dự án.

Các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động ở nước ngoài phần lớn mang tính riêng lẻ, manh mún, chưa liên kết với nhau nên khó thành công. Trong khi đó nhà đầu tư các nước khi đi đầu tư đã thành lập các hiệp hội doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nhân ở nước đầu tư.

 Qui mô dự án OFDI của Việt Nam theo các năm. Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Qui mô dự án OFDI của Việt Nam theo các năm. Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo UNCTAD dòng vốn OFDI của Việt Nam đến nay vẫn quá nhỏ bé. Doanh nghiệp nói rằng mang vốn ra nước ngoài đầu tư vẫn gặp những hạn chế về chính sách?

- Theo số liệu của UNCTAD về quy mô dòng OFDI hàng năm của các quốc gia trên thế giới, dòng vốn OFDI của Việt Nam lũy kế đến hết năm 2021 đạt 12,1 tỷ USD – quá nhỏ bé so với các nước trong khu vực, chưa tương xứng với quy mô và tầm vóc của nền kinh tế đứng thứ 37 trên thế giới. Tỷ lệ vốn OFDI thực hiện GDP năm 2021 còn 3,3% - quá thấp so với mức bình quân của các nước đang phát triển và của chung toàn thế giới.

Điều này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, nhìn lại chặng đường OFDI một phần tư thế kỷ vừa qua, có thể nhận thấy sự cẩn trọng của một quốc gia đang phát triển, cố gắng hội nhập sâu rộng nhưng vẫn còn e ngại về quy mô nền kinh tế và trình độ phát triển của mình.

Và quan trọng nhất vẫn là nhận thức về OFDI còn hạn chế khi vẫn đang tồn tại phổ biến quan điểm cho rằng Việt Nam phải thu hút các nguồn lực từ ngước ngoài đề phát triển đất nước nên cần kiểm soát chặt chẽ dòng OFDI. Nhận thức chưa đúng cùng sự quá thận trọng khiến hệ thống, pháp luật và chính sách với OFDI còn hạn chế mà chưa thực sự khuyến khích, chưa khơi dậy được khát vọng tự cường “vươn ra biển lớn” của doanh nghiệp Việt, làm chậm lại quá trình phát triển và làm giảm hiệu quả OFDI.

Bên cạnh đó là những hạn chế của doanh nghiệp như chúng ta vừa đề cập.

Ông có những khuyến nghị gì để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả OFDI, khơi dậy khát vọng để doanh nghiệp Việt mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài ?

- Việt Nam cần phải chủ động mở cửa OFDI phù hợp với lộ trình phát triển của mình, tận dụng tối đa lợi thế từ bên ngoài cho phát triển kinh tế trong nước.

Theo đó, trước hết là đổi mới tư duy và nhận thức, phải coi OFDI là một bộ phận quan trọng trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia. Và cần một tầm nhìn dài hạn về đầu tư quốc tế, định hướng rõ hơn để dẫn lối cho các nhà đầu tư Việt Nam vươn ra biển lớn thành công.

Đồng thời cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến OFDI. Cần xây dựng và sớm công bố Đề án chiến lược OFDI hoàn chỉnh và toàn diện cả về ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Hoạch định chiến lược OFDI theo các giai đoạn ngắn hạn (5 năm), trung hạn (10 năm) và dài hạn (20 năm).

Tiếp đến là tăng cường hoạt động xúc tiến OFDI. Hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu thị trường. Với những dự án OFDI quan trọng có tác động đáng kể đến nền kinh tế trong nước, cần hỗ trợ về mặt tài chính, như giảm lãi vay hay giảm thuế, hỗ trợ cân đối ngoại tệ ở giai đoạn đầu… Và khuyến khích doanh nghiệp OFDI chuyển lợi nhuận về nước, để cân bằng cán cân thanh toán, tái đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, nâng cấp công nghệ.

Chúng ta cần khơi dậy khát vọng xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, có vị thế trên trường quốc tế. Nên có chính sách thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào các dự án đầu tư của Việt Nam ở nước ngoài, ưu đãi người có quốc tịch Việt Nam đầu tư các dự án ở nước ngoài có tác động trở lại kinh tế nước nhà phù hợp với Chiến lược OFDI của Việt Nam.

Hà Linh (thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dau-tu-ra-nuoc-ngoai-cua-viet-nam-con-nho-be-vi-sao-post251504.html