'Dạy khỉ leo cây' và 'Thành nhân chi ác'

Từ điển thành ngữ - tục ngữ Việt Hán (Nguyễn Văn Khang - NXB Văn hóa Sài Gòn - 2008) là cuốn sách so sánh đối chiếu những câu thành ngữ, tục ngữ Việt và thành ngữ tục ngữ Hán có nghĩa tương đương nhau.

Mục “Dạy khỉ leo cây” được tác giả sách so sánh với “Thành nhân chi ác - 成人之惡”. Theo đây, Nguyễn Văn Khang cho rằng “Dạy khỉ leo cây” trong tiếng Việt, đồng nghĩa với “Thành nhân chi ác - 成人之惡” trong tiếng Hán.

Tuy nhiên, tác giả Nguyễn Văn Khang đã nhầm lẫn.

“Dạy khỉ leo cây” nghĩa là gì? Về nghĩa đen, khỉ là loài sống trên cây, chúng đu cành để di chuyển và kiếm ăn một cách dễ dàng, còn nhanh hơn là đi dưới đất. Dạy khỉ leo cây là dạy bảo một việc mà chúng đã quá thành thạo.

Leo cây là sở trường của khỉ, thế nên còn có thành ngữ “Đánh đu với khỉ” (dị bản Đánh đu với tinh; đồng nghĩa Thi bơi với giải), ý nói thi thố, đọ sức với kẻ có khả năng hơn hẳn mình. Lại còn có câu “Rung cây nhát khỉ”, cũng xuất phát từ nghĩa đen khỉ là loài rất thông thạo leo cây, chuyền cành, nên nghĩa bóng câu này ví với việc làm không có tác dụng. Bởi vậy trong tiếng Việt, “Dạy khỉ leo cây” ví việc làm thừa, đi bày cho người khác làm một việc mà họ đã quá quen thuộc, và còn thành thạo hơn cả mình.

Trong khi “Thành nhân chi ác” trong tiếng Hán, lại ám chỉ kẻ tiểu nhân thúc đẩy người khác làm điều ác. Nguyên ý này trong sách “Luận ngữ - Nhan Uyên”: “Quân tử thành nhân chi mĩ, bất thành nhân chi ác, tiểu nhân phản thị”, nghĩa là: Quân tử giúp người làm điều tốt, không xúc người làm điều ác, tiểu nhân làm ngược lại.” [nguyên văn: 君子成人之美: 謂君子當促成他人之好事.“論語‧顏淵”: “君子成人之美,不成人之惡,人反是].

Dạy dỗ hay chỉ bảo người khác làm điều gì nói chung, hoàn toàn khác với xui xúc, thúc giục người khác làm điều ác. Như vậy, do Nguyễn Văn Khang đã hiểu sai thành ngữ Việt “Dạy khỉ leo cây” với nghĩa làm một việc thừa, việc không cần thiết; dạy bảo người thông thạo hơn mình, thành xui xúc người làm điều ác, nên mới đem so sánh với “Thành nhân chi ác” trong tiếng Hán.

Thành ngữ “Dạy khỉ leo cây” đồng nghĩa với “Dạy đĩ vén xống”, “Dạy đĩ vén váy”, “Dạy thày lang bốc thuốc”, thành ngữ này xuất hiện khá sớm trong thơ văn cổ:

Chỉ nghề dạy khỉ leo cây,

Xui nguyên, giục bị, chỉ hay bày trò.

(Truyện Trên Cóc - Khuyết danh).

Mẫn Nông (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/day-khi-leo-cay-va-thanh-nhan-chi-ac-32819.htm