Đẩy lùi vấn nạn hàng giả: Cần một 'chiến dịch vì niềm tin tiêu dùng'

Hàng giả, hàng nhái hoành hành gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe, kinh tế và niềm tin người tiêu dùng. Đã đến lúc cần một 'chiến dịch vì niềm tin tiêu dùng' để triệt tận gốc vấn nạn này, tái thiết thị trường lành mạnh.

Nguồn: Bộ Công thương Đồ họa: Phương Anh

Nguồn: Bộ Công thương Đồ họa: Phương Anh

Từ xử phạt hành chính đến khởi tố

Đầu năm 2025 đã có liên tiếp các vụ việc sản xuất, kinh doanh hàng giả với quy mô lớn, mức độ nghiêm trọng được cơ quan công an phát hiện, khởi tố, như: Vụ việc sản xuất, buôn bán sữa giả, thuốc chữa bệnh giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, mì chính, hạt nêm, dầu ăn giả với quy mô lớn, gây bức xúc dư luận.

Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, bán thuốc, sữa giả

Tại Công điện số 55/CĐ-TTg ngày 2/5/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.

Điển hình, vừa qua, Bộ Công an và Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất sữa giả, thuốc giả ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Đến nay, công an đã khởi tố 29 bị can liên quan đến hai đường dây sản xuất sữa và thuốc giả ở các tỉnh, thành trên cả nước.

Theo Bộ Công thương, thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường kiểm soát, kiên quyết đấu tranh với nạn sản xuất, buôn bán hàng giả. Số liệu mới nhất từ Bộ này cho thấy, quý I/2025, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 5.626 vụ vi phạm, chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 42 vụ có dấu hiệu tội phạm; tổng số tiền xử lý 184 tỷ đồng, trong đó thu nộp ngân sách nhà nước gần 90 tỷ đồng.

Đối với mặt hàng sữa, thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, xử lý 783 vụ vi phạm; số tiền xử phạt vi phạm hành chính 2,2 tỷ đồng; đã kiểm tra, xử lý 985 vụ vi phạm đối với mặt hàng dược phẩm, thực phẩm chức năng, xử phạt vi phạm hành chính gần 32 tỷ đồng. Điều đáng nói là có nhiều thủ đoạn phạm tội mới từ những vụ sữa giả, thuốc giả bị phát hiện. Ví dụ, nhóm đối tượng vi phạm về thuốc giả không làm giả các sản phẩm đang lưu hành trên thị trường mà tự đặt ra tên thuốc và tên công ty, trong đó phần lớn có trụ sở "ảo" ở nước ngoài như Malaysia, Singapore…

Nói về vấn nạn hàng giả, TS. Trịnh Bá Dương - chuyên gia đổi mới sáng tạo quốc gia khẳng định, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng phổ biến trên thị trường, nhất là trong thương mại điện tử, với nhiều hình thức tinh vi. Các đối tượng làm giả không chỉ sao chép mẫu mã mà còn giả mạo thông tin, dữ liệu và mã truy xuất. Sữa, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… là nhóm hàng hóa có nguy cơ bị làm giả, làm nhái, gian lận thương mại nhiều nhất.

Thực tế, những con số, vụ việc bị phát hiện thời gian vừa qua chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm", bởi thị trường vẫn còn nhan nhản các sản phẩm giả đội lốt hàng hiệu, hàng xách tay, hàng organic... len lỏi từ chợ truyền thống tới sàn thương mại điện tử. Điều này cho thấy tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái ở Việt Nam đang ở mức đáng báo động.

Ngăn chặn tận gốc tình trạng hàng giả, hàng nhái

Hàng giả không phải là vấn đề mới nhưng chưa bao giờ là cũ. Theo nhận định của các chuyên gia, sự lan rộng của vấn nạn hàng giả, hàng nhái, cả về quy mô, chủng loại mặt hàng và tính chất tinh vi cho thấy nếu không có bước đột phá trong quản lý và sự vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống, tình trạng “sữa giả, thuốc giả, hàng kém chất lượng” và sẽ làm xói mòn niềm tin vào thị trường hàng hóa trong nước. Vì vậy, thời gian tới cần phải có một chiến dịch chung tay đấu tranh với hàng giả để bảo vệ người tiêu dùng.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhấn mạnh, đã đến lúc cần một “chiến dịch vì niềm tin tiêu dùng”, trong đó không chỉ "thanh trừng" hàng giả mà còn tái thiết lại hệ sinh thái bảo vệ người mua một cách chủ động, chuyên nghiệp và hiệu quả.

Để ngăn chặn tận gốc tình trạng hàng giả, hàng nhái, theo ông Ngô Trí Long, thời gian tới trong công tác quản lý cần tập trung tăng cường hậu kiểm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa. "Không chỉ kiểm tra tại điểm bán, các lực lượng chức năng cần mở rộng kiểm tra theo chuỗi cung ứng từ kho bãi, nơi đóng gói, gia công đến các kênh phân phối. Ứng dụng mã QR và blockchain để truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đặc biệt với nhóm hàng nhạy cảm như thực phẩm, sữa, thuốc. Siết chặt cấp phép và tiêu chuẩn hóa quản lý sản phẩm quy định rõ ràng hơn về tiêu chuẩn dán nhãn, công bố chất lượng và hồ sơ sản phẩm. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ số trong giám sát thị trường như xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về doanh nghiệp, mã sản phẩm, lô hàng - liên thông giữa các cơ quan: Quản lý thị trường, hải quan, y tế và công an kinh tế. Nhờ đó, phát hiện sớm bất thường về nhập khẩu, lưu thông và phân phối..." - ông Long chia sẻ.

TS. Trịnh Bá Dương - Chủ tịch AseanHub - chuyên gia đổi mới sáng tạo quốc gia Trịnh Bá Dương cho rằng, những phương pháp truyền thống - tem nhãn, mã vạch đơn thuần không còn đủ sức để đối phó với thủ đoạn tinh vi, đang bộc lộ nhiều bất cập, dễ bị làm giả, làm lại, thậm chí bị giả mạo cả mã QR. Các doanh nghiệp phải đi trước một bước trong ứng dụng công nghệ vào công cụ của mình, trong đó giải pháp phải mang tính đột phá, dựa trên tích hợp công nghệ thông minh và liên kết chuỗi dữ liệu, gắn vào mỗi sản phẩm.

Nhận diện các vấn đề nổi cộm, mặt hàng vi phạm mới nổi để đấu tranh ngăn chặn, xử lý

Bộ Công thương cho biết, để xử lý có hiệu quả hơn nữa đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại. Thời gian tới, Bộ sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo tập trung tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chủ động nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để đấu tranh ngăn chặn, xử lý.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh, ghi nhãn, việc chấp hành các quy định về chất lượng, hóa đơn, nguồn gốc sản phẩm lưu thông trên thị trường, việc niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết nhằm ngăn chặn việc kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng, gian lận thương mại và trữ hàng nhằm đẩy giá tăng cao.

Đồng thời, rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm bảo đảm tính khả, răn đe ngăn ngừa hành vi vi phạm và phù hợp với yêu cầu thực tế; đồng thời, tạo thuận lợi cho các lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ.

Công tác tuyên truyền phải được làm thường xuyên, liên tục, tăng cường thông tin tuyên tuyền về kết quả công tác của các lực lượng chức năng; thông tin kịp thời về các vụ việc vi phạm lớn, điển hình nhằm cảnh báo, răn đe các đối tượng vi phạm.

Bộ sẽ tăng cường hợp tác chặt chẽ với các hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong công tác chia sẻ, cung cấp thông tin và hỗ trợ kiểm tra, xử lý vi phạm về gian lận thương mại, an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Nguyên Phương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/day-lui-van-nan-hang-gia-can-mot-chien-dich-vi-niem-tin-tieu-dung-176169.html