Đẩy mạnh công tác bảo tồn di tích lịch sử văn hóa ở Vĩnh Linh
Với khoảng 180 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, huyện Vĩnh Linh chiếm đến 1/3 số lượng di tích của tỉnh Quảng Trị. Trong đó có 15 di tích thành phần thuộc di tích quốc gia đặc biệt, 1 di tích cấp quốc gia và trên 160 di tích cấp tỉnh. Công tác quản lý nhà nước đối với hệ thống di tích này luôn được tỉnh, huyện chú trọng. Đặc biệt, giai đoạn 2022 - 2025, HĐND tỉnh đã chỉ đạo lập hồ sơ khoa học, pháp lý và đầu tư quy hoạch, tôn tạo, chống xuống cấp nhiều di tích tại Vĩnh Linh.
Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Thiên Tùng cho biết, trước đây, công tác bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do hệ thống di tích hầu hết đã xuống cấp, ngoài sự hỗ trợ từ các cấp, ngành thì nguồn lực về ngân sách lẫn nhân lực của huyện cũng rất hạn chế. Do đó, tỉ lệ di tích được xây dựng bia biển; hoàn thiện hồ sơ pháp lý, khoa học còn thấp; những di tích được đầu tư mới chỉ dừng lại ở một số hạng mục nhỏ lẻ, chưa thực sự đồng bộ và bài bản.
Nhằm tăng cường công tác bảo tồn di tích lịch sử văn hóa, ngày 9/12/2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 167/NQ-HĐND về “Đầu tư bảo tồn, tôn tạo, phát huy hệ thống di tích lịch sử văn hóa tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022 - 2025”; UBND tỉnh triển khai Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 16/2/2022; tiếp đó UBND huyện Vĩnh Linh đã xây dựng kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 14/4/2022 về việc thực hiện đầu tư bảo tồn, tôn tạo đối với hệ thống di tích thuộc phân cấp UBND huyện trực tiếp quản lý.
Theo đó, giai đoạn 2022 - 2025, huyện Vĩnh Linh dự kiến có 109 di tích được lập hồ sơ khoa học, pháp lý; đầu tư quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo với tổng kinh phí gần 5 tỉ đồng từ ngân sách tỉnh, huyện và huy động xã hội hóa cùng các nguồn vốn hợp pháp khác. Cụ thể, huyện Vĩnh Linh ưu tiên cho việc hoàn thiện hồ sơ khoa học, pháp lý, cắm mốc, biển báo và hàng rào bảo vệ 98 di tích với số tiền 2,156 tỉ đồng. Bố trí 110 triệu đồng trùng tu tượng đài, sân vườn cây xanh di tích quốc gia Địa điểm trận địa tên lửa bắn rơi máy bay B52 đầu tiên ở Việt Nam (xã Vĩnh Khê).
Ngoài ra, đầu tư bảo tồn 5 di tích cấp tỉnh: Địa điểm trận địa DKZ (xã Vĩnh Thái); Địa điểm trận địa súng phòng không 12 ly 7 (xã Trung Nam); Địa điểm trụ sở Đảng ủy khu vực Vĩnh Linh giai đoạn 1965 - 1968 (xã Hiền Thành); Địa điểm chiến thắng Cồn Son năm 1948 (xã Vĩnh Sơn) và Trận địa phòng không 12 ly 7 đồi 96 (xã Vĩnh Hòa) với kinh phí 1,150 tỉ đồng. Đầu tư 1 tỉ đồng tôn tạo 5 di tích cấp tỉnh gắn với phát triển du lịch gồm 3 di tích là nơi thành lập 3 chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Vĩnh Linh: Bia công tích Vĩnh Hoàng (xã Trung Nam), Rú Lòi Đình (xã Vĩnh Long), Miếu thành Hoàng (xã Vĩnh Lâm) và 2 di tích Bến đò Tùng Luật (xã Vĩnh Giang), Miếu bà Vương phi họ Lê (xã Vĩnh Long).
Trên cơ sở lộ trình đề ra, huyện Vĩnh Linh quyết liệt trong chỉ đạo, kịp thời phối hợp triển khai công tác lập hồ sơ khoa học, pháp lý và đầu tư quy hoạch, tôn tạo hệ thống di tích. Đến giữa tháng 4/2023, tại huyện Vĩnh Linh đã có 34 di tích hoàn thành hồ sơ pháp lý, khoa học; 49 di tích cấp tỉnh hoàn thiện hồ sơ pháp lý, chưa có hồ sơ khoa học; 15 di tích được xây dựng bia biển, trong đó 4 di tích thành phần của các di tích cấp quốc gia đặc biệt, 1 di tích cấp quốc gia và 10 di tích cấp tỉnh. Hiện nay huyện đang hoàn thiện báo cáo kinh tế - kỹ thuật trình thẩm định xây dựng bia, khuôn viên 2 di tích cấp tỉnh và tu bổ, tôn tạo 1 di tích cấp quốc gia.
Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Thiên Tùng cho biết thêm, thời gian tới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh việc lập dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật về đầu tư bảo tồn, tôn tạo đối với di tích xếp hạng quốc gia, cấp tỉnh đã được phân cấp quản lý, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo thứ tự ưu tiên.
Tập trung nguồn lực, cân đối hợp lý ngân sách của huyện, xã, thị trấn để phân bổ hàng năm phục vụ hoạt động trùng tu, bảo tồn di tích. Mặt khác đề cao vai trò, trách nhiệm tham gia quản lý suốt quá trình triển khai những dự án, đảm bảo đầu tư đúng mục đích, đạt hiệu quả.
Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách, pháp luật của nhà nước về bảo vệ, chăm sóc di tích…, từ đó góp phần ngăn chặn tình trạng xuống cấp, gắn tôn tạo với quản lý khai thác, phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử văn hóa nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nguyện vọng của Nhân dân trong huyện.