Đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho nền tài chính xanh Việt Nam

Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển đổi xanh sâu rộng, cần thiết nâng cao năng lực cho các tổ chức tài chính và nhân sự trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và tài chính khí hậu.

Giai đoạn 3 của Dự án “Ngân hàng xanh” (Green Banking), do Học viện Năng lượng Tái tạo Đức (RENAC) phối hợp cùng Viện Công nghệ châu Á tại Việt Nam (AITCV) thực hiện vừa được công bố ngày 9/7 tại Hà Nội.

Tại sự kiện, ông Phùng Văn Đông, Giám đốc AITCV, cho biết: “Chuyển đổi xanh không thể diễn ra nếu thiếu đi nguồn nhân lực được đào tạo bài bản và những thể chế tài chính linh hoạt, đủ sức đánh giá, quản trị rủi ro và tài trợ hiệu quả cho các dự án năng lượng tái tạo”.

Lễ ra mắt giai đoạn 3 Dự án Ngân hàng Xanh - Green Banking. Ảnh: Ngọc Linh

Lễ ra mắt giai đoạn 3 Dự án Ngân hàng Xanh - Green Banking. Ảnh: Ngọc Linh

Kể từ khi cơ chế giá FIT kết thúc vào năm 2021, các dự án năng lượng xanh tại Việt Nam bắt đầu đối mặt với những thách thức đáng kể trong tiếp cận nguồn vốn. Hợp đồng mua bán điện không còn đáp ứng các điều kiện cần thiết để được các tổ chức tín dụng xem xét tài trợ, trong khi các cơ chế thanh toán cũng có nhiều thay đổi. Đồng thời, việc tiếp cận nguồn vốn quốc tế trở nên khó khăn hơn do yêu cầu ngày càng cao về tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường và xã hội.

Trong bối cảnh đó, các ngân hàng trong nước như MBBank, BIDV, VietinBank tiếp tục đóng vai trò chủ lực trong việc cấp vốn cho các dự án năng lượng tái tạo, nhờ vào kinh nghiệm tích lũy từ làn sóng đầu tư mạnh mẽ giai đoạn 2018–2021.

Tuy vậy, khả năng thẩm định rủi ro và xây dựng mô hình tài chính cho các công nghệ mới như hydro xanh, hệ thống lưu trữ năng lượng hay các hợp đồng mua bán điện theo cơ chế thị trường vẫn còn là khoảng trống cần được nâng cao.

Nâng cao năng lực tài chính khí hậu toàn diện

Bà Gloria Gabriel, Giám đốc Dự án RENAC và ông Hans Farías Munroz từ Học viện Năng lượng tái tạo Đức giới thiệu về dự án Ngân hàng xanh và các chương trình đào tạo. Ảnh: Ngọc Linh

Bà Gloria Gabriel, Giám đốc Dự án RENAC và ông Hans Farías Munroz từ Học viện Năng lượng tái tạo Đức giới thiệu về dự án Ngân hàng xanh và các chương trình đào tạo. Ảnh: Ngọc Linh

Chương trình Green Banking do RENAC khởi xướng từ năm 2015 đã đào tạo hơn 1.000 chuyên gia tài chính tại 178 quốc gia. Tại Việt Nam, đã có 159 học viên tham gia trong giai đoạn đầu (2015 – 2018), đến từ các tổ chức như ACB, Sacombank, Dragon Capital, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương...

Giai đoạn mới 2024–2026 (giai đoạn 3 của Dự án) hướng tới nâng cao năng lực thể chế sâu hơn thông qua đào tạo, kết nối và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế.

Theo bà Gloria Gabriel, Giám đốc Dự án RENAC, mục tiêu của chương trình là “tăng cường năng lực nhân sự và thể chế trong việc tiếp cận, thẩm định và đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, hydro xanh và lưu trữ năng lượng”.

Chương trình dành 100 suất học bổng cho Việt Nam trong giai đoạn này, với các khóa học từ cơ bản tới chuyên sâu, kết hợp đào tạo trực tuyến và trực tiếp tại Việt Nam và Đức.

Đáng chú ý, các khóa học như "Chuyên gia tài chính năng lượng xanh - Green Energy Finance Specialist" và "Chuyên gia phát triển dự án năng lượng xanh - Green Energy Project Development Specialist" không chỉ cung cấp kiến thức tài chính mà còn đào tạo kỹ năng thực tế để phân tích rủi ro, xây dựng mô hình tài chính, và kết nối với các nhà đầu tư quốc tế.

Ngoài ra, các sự kiện kết nối doanh nghiệp (matchmaking events), tham quan học hỏi tại Đức và chương trình đào tạo giảng viên (Train-the-Trainer) nhằm thúc đẩy chuyển giao tri thức một cách bền vững.

Ông Hoàng Phương, Giám đốc Tài chính dự án, Công ty Năng lượng tái tạo Levanta chia sẻ kinh nghiệm phát triển dự án tại Việt Nam. Ảnh: Ngọc Linh

Ông Hoàng Phương, Giám đốc Tài chính dự án, Công ty Năng lượng tái tạo Levanta chia sẻ kinh nghiệm phát triển dự án tại Việt Nam. Ảnh: Ngọc Linh

Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Hoàng Phương, Giám đốc Tài chính dự án Công ty Năng lượng tái tạo Levanta, cho biết, mặc dù Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, nhưng việc thiếu vắng các cơ chế tài chính đủ minh bạch, linh hoạt và phù hợp với thông lệ quốc tế đang cản trở khả năng huy động vốn, đặc biệt từ các định chế tài chính nước ngoài. Điều đó buộc nhiều nhà đầu tư phải trông cậy vào nguồn tín dụng trong nước hoặc kênh phát hành trái phiếu - những lựa chọn cũng đang chịu áp lực siết chặt về chính sách.

Ông Phương cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các ngân hàng trong nước về việc duy trì dòng vốn cho thị trường năng lượng xanh. Để hỗ trợ hiệu quả hơn cho các dự án mới, ông bày tỏ kỳ vọng vào việc sớm ban hành cơ chế đấu thầu rõ ràng, minh bạch, đi kèm với các cam kết bảo lãnh sản lượng – yếu tố then chốt nhằm khơi thông nguồn lực tài chính và tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

“Ngoài ra, cần có những tổ chức trung gian có chuyên môn, như các chuyên gia được đào tạo từ chương trình Ngân hàng xanh, để kết nối giữa doanh nghiệp, ngân hàng và nhà đầu tư”, ông Phương bổ sung.

Xây dựng nền tảng cho tài chính khí hậu

Một điểm nhấn trong chương trình năm nay là các khóa đào tạo chuyên sâu về hydro xanh (GH2), lĩnh vực đang nổi lên như một trụ cột chiến lược trong quá trình khử carbon toàn cầu. Khóa học cung cấp kiến thức từ công nghệ điện phân, sản xuất amoniac, pin nhiên liệu đến mô hình đánh giá tài chính và các xu hướng thị trường. Theo kế hoạch, khóa GH2 sẽ bắt đầu vào tháng 4/2026, với 20 học bổng dành cho học viên Việt Nam.

Ở cấp thể chế, các cơ quan như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước cũng được khuyến khích tham gia đào tạo và xây dựng mạng lưới chia sẻ thông tin. Từ đó, việc thiết kế chính sách và quy định liên quan đến tài chính khí hậu sẽ trở nên thực tiễn, đồng bộ và có tính khả thi hơn.

Chuyển đổi xanh không chỉ là công nghệ, kỹ thuật hay chính sách, đó còn là hành trình chuyển hóa tư duy và năng lực trong toàn bộ hệ sinh thái tài chính.

Chương trình Ngân hàng xanh, với cách tiếp cận đồng bộ từ cá nhân đến tổ chức, từ đào tạo kỹ thuật đến thúc đẩy thể chế, đang mang đến một hướng đi đầy triển vọng cho Việt Nam trong nỗ lực huy động nguồn lực cho các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu.

“Tài chính xanh là chiếc cầu nối giúp biến các cam kết Net Zero thành hành động cụ thể. Nhưng để cây cầu ấy vững chắc, chúng ta cần những người kiến tạo được trang bị đầy đủ năng lực, và đó là điều mà Ngân hàng xanh hướng tới,” bà Gloria Gabriel nhấn mạnh.

Ngọc Linh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/day-manh-dao-tao-nhan-luc-cho-nen-tai-chinh-xanh-viet-nam-43578.html