ĐBQH Đinh Công Sỹ: Cần tháo gỡ điểm nghẽn gây 'nản lòng' các nhà đầu tư vào GD

Chính sách thu hút phát triển giáo dục đã được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, tạo lập hành lang pháp lý để các nhà đầu tư tham gia phát triển GD ngoài công lập.

Sau gần 20 năm thực hiện chủ trương của Đảng và các chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo, công tác huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước thông qua đóng góp, đầu tư của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng và đông đảo nhân dân cho phát triển giáo dục đào tạo (Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP); đặc biệt, sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2019 về tăng cường huy động nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025 do Chính phủ ban hành đã cho thấy những đóng góp to lớn của giáo dục tư thục vào toàn hệ thống giáo dục.

Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai, vẫn còn tồn tại không ít khó khăn, vướng mắc đang trở thành “rào cản” khiến không phải nhà đầu tư nào cũng sẵn sàng chung tay vào phát triển giáo dục, nhất là đối với giáo dục phổ thông.

Để hiểu thêm về những vướng mắc chưa thực sự khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư và tìm giải pháp tháo gỡ, nhằm thu hút đầu tư, phát triển khối giáo dục tư thục, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội xoay quanh nội dung này.

Phóng viên: Thưa Đại biểu, ông đánh giá như thế nào về vai trò của giáo dục tư thục đối với hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay? Theo ông, khi phát triển giáo dục tư thục, sẽ có những tác động tích cực gì cho toàn hệ thống?

Phóng viên: Thưa Đại biểu, ông đánh giá như thế nào về vai trò của giáo dục tư thục đối với hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay? Theo ông, khi phát triển giáo dục tư thục, sẽ có những tác động tích cực gì cho toàn hệ thống?

Đại biểu Quốc hội Đinh Công Sỹ: Luật Giáo dục 2019 quy định trường tư thục là loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân, do nhà đầu tư trong nước hoặc nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động. Trong những năm qua, các cơ sở giáo dục tư thục đã góp phần làm đa dạng hóa các loại hình giáo dục, đáp ứng các sự lựa chọn học tập của học sinh, bảo đảm quyền được học tập của mọi người.

Xuất phát từ vai trò đó, sự phát triển của giáo dục tư thục có tác động tích cực với hệ thống giáo dục như: mở ra nhiều cơ hội hơn cho người học trong việc lựa chọn loại hình giáo dục phù hợp với nhu cầu và điều kiện của học sinh, phụ huynh; “san sẻ” áp lực về sĩ số học sinh trên lớp cho hệ thống giáo dục công lập ở các địa phương đông dân cư.

Trên bình diện vĩ mô, cùng với giáo dục công lập, giáo dục tư thục đã góp phần phát triển hệ thống giáo dục, giảm một phần gánh nặng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho xây dựng, vận hành các cơ sở giáo dục; tạo ra “sự cạnh tranh” bình đẳng giữa các loại hình giáo dục, cơ sở giáo dục, góp phần thúc đẩy chất lượng giáo dục.

Phóng viên: Sau gần 20 năm thực hiện chủ trương của Đảng và các chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo, nếu để nêu ra kết quả đáng ghi nhận đối với giáo dục phổ thông, Đại biểu sẽ đề cập đến những gì?

Đại biểu Quốc hội Đinh Công Sỹ: Chủ trương xã hội hóa giáo dục được thể hiện xuyên suốt trong các văn kiện Đại hội Đảng, nhất là từ Đại hội Đảng khóa IX đến nay. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Luật Giáo dục năm 2005, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009 và gần đây nhất là Luật Giáo dục năm 2019 đã quy định khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục tư thục đáp ứng nhu cầu xã hội về giáo dục chất lượng cao; chính sách ưu đãi đối với trường tư thục, được Nhà nước giao hoặc cho thuê đất, giao hoặc cho thuê cơ sở vật chất, hỗ trợ ngân sách khi thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước đặt hàng, được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế và tín dụng. Chính sách khuyến khích đầu tư, xã hội hóa giáo dục và đào tạo còn được thể hiện trong Luật Đầu tư.

Chính phủ đã cụ thể hóa chủ trương trên thông qua Nghị quyết số 35/NQ-CP năm 2019 về tăng cường huy động nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025. Có thể nói, chính sách thu hút phát triển giáo dục đã được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, tạo lập hành lang pháp lý để các nhà đầu tư tham gia phát triển giáo dục ngoài công lập.

Một số kết quả trong chính sách này đối với giáo dục phổ thông, theo tôi, được thể hiện trên một số phương diện như: Số lượng các trường tư thục được đầu tư, xây dựng tăng lên, “san sẻ” tình trạng quá tải về trường, lớp với khối công lập; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và môi trường giáo dục theo hướng hiện đại được chú trọng đầu tư; công tác quản trị, điều hành và hoạt động giáo dục trong nhà trường linh hoạt, tiếp cận nhanh với phương pháp giáo dục mới, hiện đại góp phần đạt hiệu quả tích cực trong dạy và học; chất lượng giáo dục tư thục đã nâng lên, góp phần vào thành tích chung của ngành giáo dục, trong đó có giáo dục chất lượng cao, được người học và phụ huynh ghi nhận, tin tưởng lựa chọn cho con em theo học.

Tuy nhiên, giáo dục tư thục ở cấp giáo dục phổ thông còn một số bất cập, hạn chế đó là: Các khoản thu đối với người học còn cao so với thu nhập, khả năng chi trả của đại bộ phận người dân, do vậy cho con theo học ở các trường tư thục chưa phải là sự lựa chọn của đa số phụ huynh. Đâu đó còn tình trạng thương mại hóa xảy ra đối với cơ sở giáo dục tư thục, chất lượng giáo dục hay quyền lợi của người học ở một số cơ sở giáo dục tư thục chưa được coi trọng đúng mức. Công tác quản lý các cơ sở giáo dục tư thục ở một số địa phương chưa thực sự sâu sát, chưa thường xuyên, dẫn đến những sai phạm chưa được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời. Các chính sách khuyến khích của Nhà nước đối với loại hình tư thục chưa thực sự đi vào thực tiễn, chưa sát thực với cơ chế vận hành, hoạt động của loại hình trường.

Phóng viên: Có nhiều ý kiến cho rằng giáo dục tư thục đang ngày càng được quan tâm, song, vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả như kỳ vọng do còn nhiều “điểm nghẽn”. Theo ông đánh giá, những “điểm nghẽn” nào đã và đang làm hạn chế nguồn lực đầu tư vào giáo dục phổ thông hiện nay?

Đại biểu Quốc hội Đinh Công Sỹ: Như tôi đã đề cập, giáo dục tư thục trong suốt những năm qua có đóng góp quan trọng vào phát triển hệ thống giáo dục quốc dân.

Tuy nhiên, qua tiếp xúc với chủ đầu tư một số trường tư thục, tôi nhận thấy vẫn còn những vướng mắc chưa thực sự khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư: Chính sách về đất đai, hiện nay các nhà đầu tư còn khá khó khăn trong tiếp cận quỹ đất “sạch” cho xây dựng các trường, lớp học mới; thủ tục hành chính còn khá rườm rà, thủ tục đầu tư còn chưa thực sự thông thoáng... Mặc dù quy định của pháp luật về các vấn đề trên đã có, nhưng thực tế triển khai ở các địa phương không như kỳ vọng, làm “nản lòng” các nhà đầu tư.

Một số chủ trương, chính sách khuyến khích xã hội hóa chưa được thể chế hóa rõ ràng, thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật; chủ trương xã hội hóa giáo dục chưa được nhận thức đầy đủ, nhất quán, nên việc triển khai còn gặp vướng mắc.

Ngoài ra, cách thức quản lý, tổ chức hoạt động của các trường ngoài công lập cần được Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu xem xét điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với loại hình tư thục trong giai đoạn hiện nay.

Phóng viên: Phải chăng, học phí cao vẫn là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều người học khó tiếp cận với hệ thống giáo dục tư thục, dẫn đến các nhà đầu tư dần không mặn mà trong lĩnh vực này? Ông có chia sẻ gì về nội dung này, thưa đại biểu?

Đại biểu Quốc hội Đinh Công Sỹ: Trường tư thục do các nhà đầu tư triển khai thực hiện, tự chủ trong các hoạt động, nguồn thu học phí của các trường tư thục phục vụ cho việc phát triển trường lớp, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, chi trả các khoản thu nhập cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên nhà trường.

Như vậy, các trường tư thục phải vừa tự đầu tư phát triển nhà trường cả về vật chất và trang trải đội ngũ nhân lực để bảo đảm chất lượng giáo dục tốt. Muốn làm được điều đó, nguồn lực chính vẫn đến từ các khoản thu từ người học. Trong khi đó, phụ huynh lại mong muốn chi phí phù hợp với khả năng chi trả.

Tôi cho rằng, đây là điều tất yếu trong phát triển trường tư thục trong bối cảnh hiện nay. Để hài hòa được lợi ích của các bên, cần có nhiều yếu tố, trong đó có lẽ cần có sự tham gia của các nhà đầu tư thật sự “có tâm”, có mong muốn đóng góp công sức thực sự với sự phát triển sự nghiệp giáo dục và có sự vào cuộc, tạo điều kiện về mọi mặt của chính quyền các địa phương đối với các nhà đầu tư, sự tham gia của phụ huynh để có tiếng nói chung trong định hướng, mục tiêu hoạt động của nhà trường.

Và trên thực tế hiện nay, có nhiều trường tư thục phát triển rất tốt, chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục này đã được xã hội ghi nhận, thu hút được đông đảo học sinh theo học. Có thể kể đến như Hệ thống giáo dục Marie Curie (Hà Nội) là một trong những ví dụ về các nhà đầu tư có đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển giáo dục.

Phóng viên: Vậy, theo ông, nếu các nhà đầu tư có thể xây dựng và phát triển mô hình trường lớp theo hướng “phân tầng” chi phí giáo dục, liệu có thể tạo hiệu quả thu hút người học hơn so với hiện nay?

Phóng viên: Vậy, theo ông, nếu các nhà đầu tư có thể xây dựng và phát triển mô hình trường lớp theo hướng “phân tầng” chi phí giáo dục, liệu có thể tạo hiệu quả thu hút người học hơn so với hiện nay?

Đại biểu Quốc hội Đinh Công Sỹ: Tôi cho rằng, đây là hướng đi phù hợp trong bối cảnh hiện nay, khi mà nhu cầu học tập ở bậc học mầm non, phổ thông đang rất lớn ở các đô thị, khu vực đông dân cư.

Thực tế cho thấy, không phải phụ huynh không muốn cho con vào học ở các trường tư thục, đặc biệt ở các thành phố lớn - nơi mà trường, lớp còn thiếu, là vấn đề luôn “nóng” trước mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp. Việc phụ huynh trăn trở tìm cách “chạy đua” để giúp con “giành suất” vào trường công lập, không chỉ là áp lực lớn đối với phụ huynh, mà ngay chính các nhà trường cũng đối diện với áp lực không kém.

Tôi cho rằng có hai nguyên nhân chính khiến phụ huynh còn nhiều băn khoăn, e ngại cho con em theo học tại các trường tư thục, đó là chất lượng giáo dục và chi phí học tập. Nếu chi phí học tập của một trường tư thục “vừa sức” hơn với khả năng kinh tế của các phụ huynh, chất lượng và môi trường giáo dục tốt sẽ thu hút ngày càng nhiều phụ huynh gửi gắm con hơn.

Chính vì vậy, tôi cho rằng, các nhà đầu tư có thể tính đến việc xây dựng hệ thống trường, lớp theo các cấp độ khác nhau, trong đó, sẽ có nhiều tầng nấc học phí khác nhau - tương ứng với từng dịch vụ giáo dục. Như vậy, sẽ giúp nhiều gia đình có thể chi trả được, đồng nghĩa với việc nhiều người học có thể tiếp cận với giáo dục tư thục hơn. Nói cách khác, các cơ sở giáo dục ngoài công lập sẽ thu hút được nhiều học sinh hơn.

Khi đó, hệ thống giáo dục ngoài công lập sẽ ngày càng thể hiện rõ nét vai trò “san sẻ” áp lực sĩ số đối với hệ thống giáo dục công lập.

Phóng viên: Từ những khó khăn trong thực tiễn, ông có kiến nghị, đề xuất gì để việc huy động các nguồn lực xã hội, sự tham gia của người dân và tổ chức xã hội đối với giáo dục của nước ta đạt như kỳ vọng?

Đại biểu Quốc hội Đinh Công Sỹ: Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn khó khăn như hiện nay, việc thu hút sự tham gia của xã hội vào phát triển giáo dục là vô cùng cần thiết.

Sự tham gia của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp không chỉ thuần túy là việc quyên góp ủng hộ, hỗ trợ vật chất, tài chính cho giáo dục công lập, mà đó phải là sự thu hút các nhà đầu tư tham gia vào phát triển, vận hành mạng lưới trường, lớp học tư thục để đáp ứng nhu cầu học tập còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Làm được điều đó, sẽ san sẻ, giảm gánh nặng về ngân sách nhà nước, đồng thời đa dạng sự lựa chọn trong học tập của người dân.

Với vai trò và trách nhiệm của mình, tôi cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các Bộ, ngành cần tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo, huy động hiệu quả sự tham gia đóng góp của toàn xã hội cho phát triển giáo dục.

Cụ thể: Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo, đáp ứng nhu cầu học tập của các nhóm dân cư có mức thu nhập khác nhau; cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo theo hướng cạnh tranh công bằng, minh bạch, bảo đảm người học đều được tiếp cận cơ hội giáo dục và hưởng lợi từ các chính sách phát triển giáo dục của Đảng và Nhà nước; thủ tục hành chính trong việc cấp phép đầu tư, xây dựng, vận hành nhà trường tư thục cần được đơn giản hóa, thời gian xử lý các thủ tục cần nhanh chóng, tránh các tầng nấc trung gian gây “nản lòng” các nhà đầu tư.

Đặc biệt, quan tâm đẩy mạnh xã hội hóa, bổ sung, hoàn thiện các chính sách hấp dẫn để thu hút đầu tư phát triển các trường mầm non, phổ thông tư thục.

Cùng với đó là hoàn thiện khung khổ pháp lý về địa vị pháp lý, quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức đầu tư cho giáo dục; bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho giáo dục.

Liên quan đến cơ chế, chính sách về đất đai, chính quyền các địa phương, nhất là khu vực đô thị, khu vực đông dân cư cần có quy hoạch, ưu tiên dành quỹ đất cho giáo dục, trong đó, có giáo dục ngoài công lập; tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức để yên tâm đầu tư xây dựng trường, lớp, trong đó có thuận lợi hóa trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi nhà đầu tư không thể tiếp tục phát triển hoặc khi nhu cầu xã hội giảm.

Bên cạnh đó, các chính sách chăm lo, bồi dưỡng, khen thưởng cho đội ngũ giáo viên, chế độ cho học sinh ngoài công lập cần được Nhà nước hỗ trợ cùng các nhà đầu tư để động viên các nhà giáo, bởi họ đều đang thực hiện nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực cho tương lai của đất nước.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Đại biểu!

Thủy Tiên

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/dbqh-dinh-cong-sy-can-thao-go-diem-nghen-gay-nan-long-cac-nha-dau-tu-vao-gd-post242568.gd