ĐBQH Lê Văn Cường tham gia góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược

Chiều 26/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Nghiên cứu hồ sơ dự thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, ĐBQH Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) nhận thấy dự thảo luật nếu được thông qua có thể giải quyết hầu hết những vướng mắc, bất cập; đồng thời bổ sung thêm nhiều vấn đề mới bảo đảm tăng khả năng tiếp cận thuốc của người dân, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Lê Văn Cường đóng góp thêm một số ý kiến đó là: Đối với khoản 5 Điều 1 dự thảo Luật quy định về: Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 7. Tại Điều 7 Luật Dược hiện hành quy định về “Chính sách của Nhà nước về dược”, theo đó khoản 5 Điều 1 dự thảo Luật quy định về: Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 7 Luật Dược (2016). Trong đó, dự thảo Luật đưa ra bổ sung rất nhiều chính sách ưu đãi, ưu tiên, hỗ trợ... trong nhiều lĩnh vực như nghiên cứu khoa học; chuyển giao công nghệ; ưu đãi đầu tư, tài chính, đấu thầu; chính sách thuế; hồ sơ, thủ tục; phân phối; đào tạo nhân lực...

Để các chính sách này có tính khả thi tức là có thể triển khai trên thực tế thì cần phải quy định cụ thể những ưu đãi đó là gì; trình tự, thủ tục, hồ sơ và điều kiện để được thụ hưởng các ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước. Về mặt kỹ thuật, có những chính sách không thể quy định cụ thể ngay trong Luật mà phải quy định tại các văn bản dưới luật hoặc dẫn chiếu tới quy định của các Luật khác có liên quan. Tuy nhiên, tại Luật Dược hiện hành cũng như tại dự thảo Luật chưa quy định rõ việc giao quy định chi tiết các chính sách này hoặc chưa có dẫn chiếu tới quy định của các Luật khác có liên quan. Do vậy, đại biểu Lê Văn Cường đề nghị cần phải quy định cụ thể trong dự thảo Luật việc giao cho Chính phủ hoặc các bộ, ngành có thẩm quyền quy định chi tiết những chính sách của Nhà nước về dược.

Đối với các quy định liên quan tới hình thức kinh doanh chuỗi nhà thuốc: Dự thảo Luật có quy định bổ sung hình thức kinh doanh dược là chuỗi nhà thuốc. Theo đó, khoản 47 Điều 2 bổ sung thêm việc giải thích về hình thức này như sau: “Chuỗi nhà thuốc là hệ thống các nhà thuốc hoạt động kinh doanh dược theo hệ thống chất lượng thống nhất do doanh nghiệp tổ chức chuỗi nhà thuốc đặt ra.”

Theo giải thích nêu trên và các nội dung khác có liên quan về chuỗi nhà thuốc tại dự thảo Luật thì có thể hiểu hình thức kinh doanh chuỗi nhà thuốc chỉ do chủ thể là “doanh nghiệp” tổ chức thực hiện và dự thảo đang sử dụng 9 lần cụm từ “doanh nghiệp tổ chức chuỗi nhà thuốc”. Trên thực tế, việc kinh doanh dược có thể được tiến hành bởi nhiều loại chủ thể khác nhau như: các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình và các cá nhân... Như vậy, việc kinh doanh dược không chỉ có các doanh nghiệp và việc kinh doanh chuỗi nhà thuốc cũng không thể chỉ là các doanh nghiệp. Việc quy định như dự thảo Luật có thể làm giới hạn quyền kinh doanh của một số chủ thể khác khi họ đáp ứng đủ các điều kiện Luật định và gián tiếp giới hạn việc tiếp cận thuốc của người dân.

Do vậy, đề nghị xem xét sửa đổi lại cụm từ “doanh nghiệp tổ chức chuỗi nhà thuốc” thành “cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc” để vừa đảm bảo tính thống nhất trong cách sử dụng từ ngữ của Luật đó là “cơ sở kinh doanh dược” vừa đảm bảo tính chính xác và bao quát đối với các chủ thể kinh doanh dược như đã phân tích.

Đối với kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử, đại biểu Lê Văn Cường cho rằng, dự thảo Luật quy định bổ sung việc kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử là hết sức cần thiết. Quy định này vừa hướng tới việc Luật hóa để điều chỉnh các vấn đề đã phát sinh trong thực tiễn chưa có quy định pháp lý, vừa bảo đảm quyền tiếp cận thuốc của người dân một cách nhanh chóng, hiệu quả với sự đa dạng trong lựa chọn để chủ động trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe.

Tuy nhiên, việc kinh doanh dược nói chung và kinh doanh thuốc nói riêng là mặt hàng hết sức đặc thù vì có ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng, sức khỏe của người dân. Đối với kinh doanh dược thông thường đã có những quy định hết sức chặt chẽ thì với kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử càng cần phải có những quy định chặt chẽ hơn, đặc thù hơn. Thực tế thời gian qua, việc kinh doanh nói chung thông qua các nền tảng mạng xã hội nở rộ và được thực hiện một cách tự phát, không có giới hạn về thời gian, không gian giao dịch. Người dân có thể tiếp cận thuốc một cách nhanh chóng, hiệu quả, đa dạng trong lựa chọn; song người dân cũng có nguy cơ cao đối mặt với nhiều loại thuốc giả, thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Nghiên cứu các quy định về sửa đổi khoản 2 Điều 6; điểm a khoản 1 Điều 32; bổ sung khoản 1a và khoản 4 Điều 42 liên quan kinh doanh dược thông qua phương thức thương mại điện tử, đại biểu Lê Văn Cường nhận thấy đó mới chỉ là những quy định rất chung chưa có tính đặc thù, chưa chặt chẽ đối với kinh doanh dược. Ví dụ, có cần phải thực hiện việc đăng ký về loại hình kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử hay không? nếu phải đăng ký thì nội dung sửa đổi tại khoản 2 Điều 6 của Dự thảo luật có phù hợp hay không khi quy định “2. Kinh doanh dược tại nơi không phải là địa điểm kinh doanh dược đã đăng ký, trừ hoạt động giao dịch, mua, bán theo phương thức thương mại điện tử.”

Trong khi pháp luật về giao dịch điện tử quy định rất chặt chẽ việc đăng ký và điều kiện để đăng ký giao dịch điện tử; tiếp theo, về cách thức tổ chức, điều kiện con người, cơ sở vật chất để vận hành giao dịch bao gồm cả thuốc và nguyên liệu làm thuốc được quy định như thế nào? trách nhiệm pháp lý liên quan của các bên? chủng loại thuốc, kê đơn, hay không kê đơn, dược liệu được phép giao dịch hoặc hạn chế giao dịch theo phương thức thương mại điện tử ra sao... chưa được quy định cụ thể.

Từ những phân tích và ví dụ như vừa nêu, đề nghị việc kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử cần phải được rà soát, đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng hơn nữa, quy định chặt chẽ và đầy đủ hơn nữa để có đủ cơ chế kiểm soát và bảo vệ tốt nhất tính mạng, sức khỏe của người dân.

Quốc Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/dbqh-le-van-cuong-tham-gia-gop-y-ve-du-an-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-duoc-217802.htm