Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa ĐBSCL tăng lợi nhuận từ 4-7,6 triệu đồng/ha
Qua triển khai thực hiện Đề án 'Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030' bước đầu cho thấy mang lại những lợi ích rõ rệt cả về kinh tế lẫn môi trường.
Thực hiện Đề án này, trong thời gian qua, Bộ NN&MT đã phối hợp với các đơn vị và địa phương triển khai thực hiện 7 mô hình thí điểm với diện tích 50 ha/mô hình trong hai vụ Hè Thu, Thu Đông tại 5 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Kết quả bước đầu cho thấy, các mô hình canh tác này giúp giảm chi phí sản xuất từ 8,2% - 24,2% nhờ giảm 30-50% lượng giống, tiết kiệm 30-70 kg phân bón/ha, giảm 1-4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật và cắt giảm 30-40% lượng nước tưới. Đồng thời, năng suất tăng 2,4-7,0%, giúp nâng cao thu nhập của nông dân thêm 12-50%, tương đương lợi nhuận tăng từ 4-7,6 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống.

Mô hình canh tác trong Đề án mang lại những lợi ích rõ rệt cả về kinh tế lẫn môi trường
Quan trọng hơn, mô hình đã góp phần giảm phát thải khí nhà kính, với mức giảm trung bình 2,0-12,0 tấn CO₂ tương đương/ha. Đặc biệt, toàn bộ sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp cam kết bao tiêu với giá cao hơn từ 200-300 đồng/kg…
Ở vụ Hè Thu 2025, Bộ NN&MT phối hợp với các đơn vị và địa phương tiếp tục triển khai 6 mô hình (trừ mô hình lúa tôm) và mở rộng thêm 5 mô hình mới, đồng thời phối hợp với Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế và Ngân hàng Thế giới thí điểm quy trình MRV. Dự kiến cuối tháng 8, đầu tháng 9 tới sẽ kết thúc thu hoạch ở các mô hình. Tuy nhiên, kết quả bước đầu cho thấy việc triển khai thực hiện quy trình MRV khá thuận lợi, được người dân và chính quyền địa phương hưởng ứng, đánh giá cao.
Ngoài các mô hình trên, các địa phương cũng đã chủ động triển khai 101 mô hình thí điểm với tổng diện tích hơn 4.500ha. Kết quả, các mô hình này đều giảm được lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm nước theo mục tiêu của Đề án...
Trong thời gian tới, Bộ NN&MT sẽ rà soát, hoàn thiện quy trình canh tác giảm phát thải cho vùng Đề án; Hoàn thiện và ban hành hướng dẫn về đo đạc, báo cáo và thẩm định phát thải (MRV) cho canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp trong phạm vi Đề án; Xây dựng và triển khai chiến lược phát triển thương hiệu gạo Việt phát thải thấp (giảm phát thải).
Hướng dẫn các địa phương rà soát tổng thể lại phần diện tích tham gia Đề án tại 5 tỉnh, thành và tiếp tục mở rộng diện tích tham gia Đề án, nhằm đảm bảo đạt 1 triệu ha vào năm 2030; Tham mưu đề xuất thí điểm chính sách và cơ chế chi trả tín chỉ các- bon dựa vào kết quả cho vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp; chính sách và cơ chế thí điểm trao đổi tín chỉ carbon cho ngành hàng lúa gạo…

Thực hiện Đề án, các địa phương vùng ĐBSCL đã chủ động triển khai hơn 100 mô hình thí điểm với tổng diện tích hơn 4.500ha
Bộ NN&MT cũng đề nghị các tỉnh, thành rà soát, hoàn thành điều chỉnh Ban chỉ đạo Đề án, Kế hoạch thực hiện Đề án theo địa giới hành chính mới; Rà soát lại các vùng Dự án đã đăng ký theo các tiêu chí của Đề án, diện tích vùng dự kiến đăng ký tham gia vào dự án vốn vay.
Tập trung củng cố hệ thống cơ sở hạ tầng cho vùng lúa tham gia Đề án, nhất là hạ tầng về thủy lợi; Rà soát các tiêu chí và xác định các doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ tham gia Đề án, công bố danh sách các chủ thể tham gia liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo; Nghiêm túc triển khai có hiệu quả các thông báo kết luận của Lãnh đạo Chính phủ; các văn bản triển khai Đề án của Bộ…