Đề án 1 triệu ha lúa không chỉ ý nghĩa với Việt Nam mà ở phạm vi thế giới

Đó là nhận định của Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) - Yvonne Pinto tại cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, vào chiều 6/6 tại Cần Thơ. IRRI đã hỗ trợ, chuyển giao cho Việt Nam nhiều giống lúa hiệu quả, điển hình như giống IR50404.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam cho biết, Việt Nam là một trong những trung tâm nguyên liệu lúa gạo nổi tiếng thế giới. Hằng năm, Việt Nam sản xuất trên 43 triệu tấn lúa, trong đó riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khoảng 24 triệu tấn, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đưa Việt Nam tham gia vào thị trường lúa gạo quốc tế.

Theo ông Nam, suốt chặng đường phát triển hàng chục năm qua, ngành hàng lúa gạo Việt Nam đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI). Trong đó, IRRI đã chuyển giao cho Việt Nam 25 bộ giống lúa, điển hình như giống IR50404 rất được ưa chuộng, chiếm khoảng 10% lượng lúa giống ở Việt Nam hiện nay.

“Điều đó chứng minh sự hợp tác của IRRI và các cơ quan chuyên môn của Bộ NN&PTNT rất chặt chẽ. Không những chuyển giao giống lúa, IRRI còn hỗ trợ công tác đào tạo và nhiều lĩnh vực khác trong ngành hàng lúa gạo”, ông Nam nói.

Thứ trưởng NN&PTNT - Trần Thanh Nam tặng quà lưu niệm cho bà Yvonne Pinto - Tổng Giám đốc IRRI. (Ảnh: CK).

Thứ trưởng NN&PTNT - Trần Thanh Nam tặng quà lưu niệm cho bà Yvonne Pinto - Tổng Giám đốc IRRI. (Ảnh: CK).

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, Việt Nam đang triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp vùng ĐBSCL. Đây là đề án lúa giảm phát thải đầu tiên trên thế giới, với mục tiêu tổ chức lại sản xuất, gia tăng giá trị lúa gạo, bảo vệ môi trường. Do dự án đầu tiên nên cũng gặp nhiều khó khăn nên Việt Nam mong muốn được sự phối hợp, hỗ trợ từ IRRI thời gian tới.

Ông Nam mong muốn IRRI hỗ trợ Việt Nam xây dựng tiêu chuẩn, thương hiệu gạo chất lượng cao, giảm phát thải. Hỗ trợ chia sẻ những kết quả nghiên cứu về các nguồn gen để phát triển các giống lúa có khả năng thích ứng với hạn mặn, giảm phát thải, các giống lúa có chỉ số đường huyết thấp… để đáp ứng nhu cầu và sức khỏe người tiêu dùng.

Trên cơ sở triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, Việt Nam mong muốn IRRI đẩy mạnh hợp tác phát triển công nghệ số trong quản lý dinh dưỡng, dự báo sâu bệnh; quản lý canh tác và truy xuất nguồn gốc lúa gạo; xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn, làm cơ sở để Việt Nam đưa ra các cơ chế, chính sách để phát triển mô hình lúa gạo này...

Tổng Giám đốc IRRI - bà Yvonne Pinto phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: CK

Tổng Giám đốc IRRI - bà Yvonne Pinto phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: CK

Tổng Giám đốc IRRI - bà Yvonne Pinto - cho biết, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia, có ý nghĩa rất lớn không chỉ với Việt Nam còn ở phạm vi thế giới. Việt Nam đã có tầm nhìn về xu hướng của thế giới khi thực hiện đề án này, để các quốc gia khác học hỏi.

"Tại IRRI, các nhà khoa học đã có những nghiên cứu thị trường, góc nhìn của người tiêu dùng đối với vấn đề phát triển bền vững. IRRI sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam những kết quả nghiên cứu này. Chúng tôi khẳng định cam kết mạnh mẽ quan hệ hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới", bà Yvonne Pinto chia sẻ.

Cảnh Kỳ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/de-an-1-trieu-ha-lua-khong-chi-y-nghia-voi-viet-nam-ma-o-pham-vi-the-gioi-post1644075.tpo