Đề cao trách nhiệm cá nhân trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Thực hiện Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 12/2, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Tán thành với việc sửa đổi luật, nhiều ý kiến cho rằng cần cải thiện quy trình để tận dụng tốt thời gian, trí tuệ cá nhân và tập thể, đặc biệt cần đề cao trách nhiệm cá nhân trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Tổ 8 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Tp. Cần Thơ.
Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) trình tại Kỳ họp này được bố cục gồm 8 Chương, 72 Điều (giảm 9 chương tương ứng với 53% số chương, 101 điều tương ứng với 58,4% số điều so với Luật năm 2015). Việc thiết kế bố cục này được thực hiện dựa trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 119-KL/TW về việc “nghiên cứu, sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng chỉ quy định cụ thể trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, “đối với các văn bản dưới luật, luật quy định một số nguyên tắc chung nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và giao các chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản quy định trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền”.
![Toàn cảnh phiên họp](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_510_51460229/061f8324b46a5d34047b.jpg)
Toàn cảnh phiên họp
Dự án Luật được xây dựng với mục đích kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc xây dựng và vận hành hệ thống VBQPPL thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả, dễ áp dụng trên thực tế, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Quan điểm xây dựng Dự án Luật cũng nhấn mạnh việc kế thừa những nội dung còn phù hợp của Luật năm 2015, đồng thời, đổi mới quy trình xây dựng pháp luật theo hướng bảo đảm tính chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả. Giảm tối đa thời gian, đơn giản hóa thủ tục trong việc lập, điều chỉnh Chương trình lập pháp hằng năm; tách quy trình xây dựng chính sách ra khỏi việc lập Chương trình lập pháp; phân định rõ quy trình chính sách và quy trình soạn thảo (quy phạm hóa chính sách); chính sách phải cụ thể, rõ ràng, đánh giá tác động phải thực chất. Luật điều chỉnh nội dung về kiến tạo phát triển thì quy định vấn đề khung, nguyên tắc thuộc thẩm quyền của Quốc hội, còn vấn đề thường xuyên biến động thì giao Chính phủ, bộ, ngành, địa phương quy định.
Đồng thời, bảo đảm đầu tư nguồn lực cho công tác xây dựng và tổ chức thi hành VBQPPL tương xứng với tính chất đột phá chiến lược, “đột phá của đột phá” và yêu cầu gắn kết giữa công tác xây dựng với tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật, trách nhiệm của các cơ quan, nhất là người đứng đầu trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Cho ý kiến tại phiên thảo luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ đặc biệt quan tâm tới việc phân định rõ cơ quan xây dựng chính sách và quy trình. Theo đó, để đẩy nhanh tiến độ, cần có sự phối hợp hiệu quả, chặt chẽ giữa các cơ quan, xác định rõ bên chịu trách nhiệm cần chịu trách nhiệm đến cùng; nếu cùng một công việc mà có hai cơ quan cùng làm thì không chắc đem lại kết quả tốt. Một việc thì chỉ một cơ quan chịu trách nhiệm chính, và một cơ quan thì có thể đảm nhiệm được nhiều việc. Đó là điểm đổi mới trong sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật lần này.
![Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_510_51460229/3e3cbe07894960173958.jpg)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu
Đưa ra ví dụ thực tế về việc Chính phủ phải ban hành các quy định để ứng phó dịch bệnh, thiên tai trong dịch Covid-19 hay trong cơn bão Yagi vừa qua, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, đó là những tình huống cần đưa ra quyết định nhanh chóng, rạch ròi trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đối với nội dung bổ sung nghị quyết của Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, có những việc cần giải quyết ngay, cấp bách tại thời điểm đặc biệt, nên nghị quyết của Chính phủ là rất cần thiết. Đây là bài toán thực tiễn để tháo gỡ các vướng mắc, trong khi diễn biến đời sống rất nhanh, không thể hoàn toàn dự đoán trước. Do đó, luật pháp cần quy định khung mang tính nguyên tắc, để dư địa cho cơ quan hành pháp linh hoạt thực hiện hiệu quả, miễn là không tham ô, tham nhũng, lợi ích nhóm. Đồng thời, cần đề ra không gian cho sự sáng tạo, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý quy trình phải nhanh, quyết sớm, phải quý trọng thời gian, trí tuệ cá nhân và tập thể, đề cao trách nhiệm cá nhân đi kèm với các cơ chế bảo vệ hiệu quả.
![Đại biểu Lò Thị Luyến, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_510_51460229/e51f6a245d6ab434ed7b.jpg)
Đại biểu Lò Thị Luyến, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu
Đóng góp ý kiến xây dựng Dự án Luật, đại biểu Lò Thị Luyến, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên nêu rõ, tại khoản 2 Điều 10 của Dự thảo Luật này có quy định, Quốc hội ban hành nghị quyết để quy định: Thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội khác với quy định của luật hiện hành; Tạm ngưng, điều chỉnh hiệu lực hoặc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần luật, nghị quyết của Quốc hội đáp ứng yêu cầu cấp bách về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; Vấn đề khác do Quốc hội quyết định. Theo đại biểu, việc quy định này có trùng lặp với một số quy định của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu lại quy định tại Điều 10 của Dự án Luật này để thiết kế một cách khoa học hơn.
Quan tâm tới nội dung tại Điều 51 của Dự thảo Luật, đại biểu nêu rõ, dự luật quy định cơ quan chủ trì có thể đăng tải dự thảo lên cổng thông tin điện tử của cơ quan mình; có thể lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và thực hiện truyền thông nội dung dự thảo. Trường hợp lấy ý kiến bằng văn bản thì thời hạn lấy ý kiến tối thiểu 03 ngày kể từ ngày lấy ý kiến. Đại biểu cho rằng, không nên quy định cụm từ “có thể” mà cần quy định cơ quan chủ trì phải có trách nhiệm đăng tải dự thảo lên cổng thông tin điện tử của cơ quan mình và có trách nhiệm lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp.
Ngoài ra, tại phiên thảo luận, một số ý kiến đại biểu cũng tán thành với việc đổi mới quy trình lập pháp theo hướng các dự án luật, nghị quyết về nguyên tắc sẽ được xem xét, thông qua trong một kỳ họp Quốc hội nhằm đẩy nhanh tiến độ ban hành nhưng vẫn bảo đảm chất lượng của văn bản; trường hợp qua thảo luận tại kỳ họp, Quốc hội nhận thấy dự án có nhiều nội dung phức tạp còn có ý kiến khác nhau, cần có thêm thời gian để nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý thì Quốc hội quyết định xem xét, thông qua tại kỳ họp kế tiếp.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:
![Các đại biểu Quốc hội nghiên cứu tài liệu tại phiên họp](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_510_51460229/dfed51d666988fc6d689.jpg)
Các đại biểu Quốc hội nghiên cứu tài liệu tại phiên họp
![Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_510_51460229/3277b84c8f02665c3f13.jpg)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận
![Đại biểu Lò Thị Luyến, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_510_51460229/8f35190e2e40c71e9e51.jpg)
Đại biểu Lò Thị Luyến, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu
![Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum phát biểu](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_510_51460229/cb475e7c6932806cd923.jpg)
Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum phát biểu
![Các đại biểu trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_510_51460229/a2d436ef01a1e8ffb1b0.jpg)
Các đại biểu trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=92572