Để lễ hội không còn đi 'lạc nhịp'

Sau 3 năm bị nén lại bởi dịch bệnh COVID-19, mùa lễ hội 2023 đã rộn ràng trở lại. Đến thời điểm này, các lễ hội đã diễn ra khá yên bình. Tuy nhiên, vẫn còn đó những vấn đề từng gây nhức nhối từ nhiều năm qua…

Lễ hội Xuân “bung lụa”

Theo thống kê, cả nước ta hiện có gần 9.000 lễ hội, trong đó có khoảng 7.000 lễ hội dân gian truyền thống, gần 1.400 lễ hội tôn giáo, hơn 400 lễ hội lịch sử, cách mạng... So với các quốc gia khác trong khu vực, có thể coi Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều lễ hội truyền thống nhất.

Ngay sau Tết Quý Mão, các lễ hội Xuân đã lần lượt khai hội. Từ mùng 6 tháng Giêng, nhiều lễ hội truyền thống được khai mạc như lễ hội chùa Hương, lễ hội Đền Sóc, lễ hội Cổ Loa... Tiếp đó, lễ hội xuân Yên Tử khai hội vào mùng 10 tháng Giêng. Hội Lim (Bắc Ninh), lễ hội phết Hiền Quan (Phú Thọ), lễ hội khai ấn Đền Trần (Nam Định) diễn ra xung quanh dịp rằm tháng Giêng. Các lễ hội, các khu di tích ở khu vực miền Trung, miền Nam như đền Nưa - Am Tiên (Thanh Hóa), chùa Hương Tích (Hà Tĩnh), đền ông Hoàng Mười (Nghệ An), lễ hội núi Bà Đen (Tây Ninh)… cũng chật kín du khách thập phương ngay từ những ngày đầu năm.

 Biểu diễn quan họ tại một lán hát quan họ Hội Lim 2023. Ảnh: Thế Vũ

Biểu diễn quan họ tại một lán hát quan họ Hội Lim 2023. Ảnh: Thế Vũ

Đến thời điểm này, hầu hết các lễ hội đầu xuân trên cả nước đều diễn ra trật tự, an toàn, tươi vui. Những hiện tượng lộn xộn, phản cảm đã giảm đáng kể nhờ công tác quản lý, tổ chức được thắt chặt và ý thức người dân đã tốt hơn.

Tại Hội Lim, Ban Tổ chức đã cấm hát quan họ “ngửa nón xin tiền”; không hát văn nhảy đồng, không hát nhạc mới, hát chèo, hát văn. Hội phết Hiền Quan năm nay bỏ đi màn cướp phết nên không còn cảnh tranh cướp bạo lực. Lễ hội Đền Trần, lễ hội Đền Sóc thay đổi hình thức tán lộc, phát ấn, từ đó tạm ngăn được tình trạng chen chúc, ẩu đả cướp lộc...

Tuy nhiên, đó đây vẫn còn những hình ảnh không đẹp về lễ hội, gây nên những tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa. Tại Hội phết Hiền Quan, do không được tổ chức lễ hội cướp phết, nhiều thanh niên làng đã cùng nhau chặn đoàn rước kiệu, yêu cầu Ban Tổ chức đưa trò cướp phết trở lại, tạo nên khung cảnh náo loạn ngay trước cổng đền. Sự việc khiến Ban Tổ chức và lực lượng chức năng một phen vất vả.

Tại Hội Lim, việc “quan họ ngửa nón xin tiền” bị cấm nhưng vẫn không hiếm cảnh du khách đưa tiền trực tiếp cho các liền anh, liền chị; khách bỏ tiền vào cơi trầu, bó hoa. Còn trên khu vực đồi Lim có hơn chục lán hát thì lán nào cũng trang bị loa đài “khủng”, tăng âm bật to hết cỡ. Âm thanh chát chúa, đi ngược với lại tinh thần, lề lối quan họ là nhẹ nhàng, sâu lắng. Việc có một đoàn biểu diễn chuyên nghiệp tại sự kiện khiến một vài ý kiến cho rằng, người dân địa phương, vốn đóng vai trò chủ thể của lễ hội truyền thống, thì lại bị biến thành khách thể của lễ hội…

Rồi ở lễ hội Ná Nhèm, thời xưa các cụ chỉ làm tàng thinh (sinh thực khí nam) mang tính biểu tượng thì hiện nay lại được làm quá rõ ràng, cụ thể, kích cỡ quá to khiến biểu tượng bị sai lệch, xa rời giá trị cốt lõi, thậm chí dung tục hóa. Lễ hội chùa Hương cũng như mọi năm, vẫn diễn ra tình trạng đốt vàng mã bừa bãi, hát hò karaoke ầm ĩ trên suối Yến, tiền lẻ được rải khắp các ban thờ. Lễ hội Đền Trần, lễ hội Đền Sóc phải tăng cường an ninh bằng hàng rào công an, dân quân tự vệ…

Còn đó những âu lo

Lễ hội truyền thống có vị trí rất quan trọng trong đời sống của người Việt bởi nó đáp ứng nhu cầu cầu văn hóa, tâm linh, đồng thời cũng là nơi tái hiện mô thức văn hóa cổ xưa của dân tộc. Lễ hội hướng tới các giá trị cố kết cộng đồng, hướng tới tổ tiên, giáo dục mọi người “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh những bậc anh hùng, vĩ nhân có công lao với đất nước. Do vậy, lễ hội là một hình thức giáo dục vô cùng ý nghĩa đối với lớp trẻ; là tư liệu sống về những quá khứ vàng son của dân tộc. Đặc biệt, trong không gian lễ hội có rất nhiều giá trị văn hóa đặc sắc được bảo tồn.

 Lễ rước kiệu Ngọc Lộ - một trong những nghi lễ quan trọng trong Lễ hội khai ấn đền Trần năm 2023.

Lễ rước kiệu Ngọc Lộ - một trong những nghi lễ quan trọng trong Lễ hội khai ấn đền Trần năm 2023.

Tuy nhiên, theo một số nhà nhiên cứu, xã hội thay đổi, nhu cầu của con người thay đổi thì mục đích, ý nghĩa và các thực hành lễ hội cũng thay đổi theo. Đồng thời, cũng vì có quá nhiều lễ hội diễn ra, việc kiểm soát và quản lý còn nhiều bất cập, nên nhiều vấn nạn vẫn tồn tại và trở thành những vấn đề cố hữu trong suốt nhiều mùa lễ hội. Do đó, làm sao để công tác quản lý, tổ chức lễ hội bắt kịp với thực tiễn của đời sống xã hội, hạn chế được các hiện tượng tiêu cực, phản cảm vẫn là vấn đề lớn đang được đặt ra.

Theo PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, sức sống mạnh mẽ của lễ hội biểu hiện ở tính linh thiêng trong các nghi thức nghi lễ, kết hợp cùng phần hội, phần thi tài của người tham gia lễ hội. Bởi vậy, đối với những phong tục đã lưu truyền lâu đời thì trước hết chúng ta phải trân trọng nó, muốn đổi mới phải cẩn trọng, suy xét.

Các phong tục chỉ nên thay đổi dựa trên các căn cứ là nhu cầu cộng đồng, nghiên cứu bản chất của tập tục và tạo được đồng thuận cao trong cộng đồng. “Nếu các tập tục chưa hay thì chúng ta cần phải suy nghĩ kỹ, chắt lọc, “gạn đục khơi trong” để có thể duy trì và từng bước làm cho nó tốt lên”, PGS.TS Đặng Văn Bài nói.

Cũng cho rằng văn hóa luôn có sự biến đổi, GS.TS Trương Quốc Bình - nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhấn mạnh, cần bảo tồn những nét đặc sắc, riêng có của lễ hội. Việc khôi phục, tiếp biến lễ hội truyền thống phải có những nghiên cứu, phải hiểu đầy đủ về những giá trị văn hóa từ hàng ngàn đời nay. Trong thực hành lễ hội, phải làm sao khai thác được những giá trị đặc sắc, nhưng không làm lễ hội biến dạng.

Về những mặt tiêu cực, những hành vi lệch chuẩn trong lễ hội, PGS.TS Đặng Văn Bài nhận định, nguyên nhân là cộng đồng chưa hiểu biết thấu đáo, chưa nhận thức rõ bản chất văn hóa của lễ hội và phía cơ quan quản lý cũng chưa có những giải pháp để vừa duy trì được nét đẹp văn hóa ấy vừa thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt văn hóa lành mạnh của người dân. Từ đó, ông Bài cho rằng, cần có một chương trình tuyên truyền thường xuyên, dàn trải trong cả năm chứ không chỉ rầm rộ vào dịp đầu Xuân, với sự phối hợp của nhiều cơ quan và các bộ ngành.

“Chúng ta phải tiếp tục tuyên truyền mạnh mẽ, nhưng cũng cần hiểu rằng dù hạn chế bớt những tiêu cực, đời sống thực tế sẽ còn nảy sinh những tiêu cực khác và các biện pháp quản lý cần phải điều chỉnh theo sự biến đổi của thực tiễn”, PGS.TS Đặng Văn Bài nói.

Còn theo GS.TS Trương Quốc Bình, trong việc ứng xử với lễ hội, mỗi người cần trang bị những kiến thức “nền” về văn hóa - xã hội ngay từ khi bậc tiểu học. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần luật hóa để quản lý đồng bộ, nghiêm minh.

Đứng ở góc độ quản lý nhà nước, bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, để đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, phản cảm trong lễ hội, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện xử lý kịp thời và có biện pháp chấn chỉnh những vi phạm.

Về phía Cục, đơn vị đã đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo, có phương án xử lý những tình huống phát sinh trong lễ hội, quy định chặt chẽ trách nhiệm đối với người tham gia các hoạt động lễ hội có tính chất nhạy cảm. Khi có sự cố xảy ra, địa phương phải dừng việc tổ chức lễ hội, ổn định lại trật tự mới được tiếp tục.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/de-le-hoi-khong-con-di-lac-nhip-post236426.html