Đề nghị bãi bỏ quy định về công bố hợp quy vì 'vô lý và lãng phí'

Theo đại biểu Quốc hội Trần Thị Vân, việc buộc doanh nghiệp lặp lại toàn bộ quy trình kiểm tra, lấy mẫu và đánh giá để công bố hợp quy - chỉ nhằm 'xác nhận lại những gì đã được xác nhận' – quả là vô lý và lãng phí.

Tốn kém chi phí, cản trở hoạt động xuất khẩu

Sáng 10/5, Quốc hội thảo luận về dự án dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Trước khi thảo luận, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, cho biết có ý kiến đề nghị cân nhắc khi đồng thời quy định về thủ tục công bố, chứng nhận hợp quy và thủ tục cấp giấy phép lưu hành hoặc số đăng ký đối với một số sản phẩm, hàng hóa.

Tiếp thu ý kiến, dự thảo luật đã bổ sung quy định theo nguyên tắc mỗi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình hoặc môi trường chỉ được điều chỉnh bởi một quy chuẩn kỹ thuật thống nhất trên phạm vi toàn quốc, trừ trường hợp được phân cấp, phân quyền theo quy định.

Cũng có ý kiến cho rằng việc thử nghiệm, chứng nhận, công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa trong nhiều trường hợp bị lặp lại, gây tốn kém chi phí, tăng thời gian cho doanh nghiệp, làm cản trở, chậm trễ hoạt động xuất khẩu.

Tiếp thu ý kiến này, dự thảo đã bổ sung quy định về công bố hợp quy được dựa trên kết quả chứng nhận hợp quy của tổ chức chứng nhận được công nhận hoặc đăng ký theo quy định của pháp luật.

 Đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh). Ảnh: Như Ý

Đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh). Ảnh: Như Ý

"Công bố hợp quy làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh gia tăng chi phí, thời gian chờ đợi, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước", đại biểu Trần Thị Vân.

Công bố hợp quy làm giảm sức cạnh tranh

Tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) cho biết, có khoảng 20 hiệp hội đại diện cho hàng trăm doanh nghiệp thành viên và VCCI đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học để phân tích, đánh giá và làm rõ tác động của quy định này.

Họ đều có chung kiến nghị bãi bỏ quy định về công bố hợp quy trong dự thảo luật. Đặc biệt, trong các phiên thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường tại Kỳ họp thứ 8, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã phát biểu đề xuất bỏ quy định này.

Theo đại biểu, việc buộc doanh nghiệp lặp lại toàn bộ quy trình kiểm tra, lấy mẫu và đánh giá để công bố hợp quy - chỉ nhằm “xác nhận lại những gì đã được xác nhận” – quả là vô lý và lãng phí.

“Tôi cho rằng, khi có quá nhiều ý kiến phản ánh về những bất cập, phiền hà, lãng phí từ thực tiễn áp dụng pháp luật, cùng với việc tham khảo kinh nghiệm thế giới, không có quốc gia nào áp dụng quy định này thì chúng ta cần nghiêm túc tiếp thu, đánh giá khách quan đầy đủ và toàn diện vấn đề này”, bà Vân bày tỏ và tiếp tục đề nghị bãi bỏ quy định về công bố hợp quy tại Điều 48.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) cũng đề nghị bãi bỏ thủ tục hợp quy vì không phù hợp với thông lệ quốc tế. Nếu giữ quy định này sẽ khiến Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới còn duy trì loại thủ tục này.

Cũng theo đại biểu, nếu giữ loại thủ tục này Việt Nam còn rơi vào nguy cơ bị các đối tác thương mại nhìn nhận đây là hàng rào phi thuế quan.

“Thực tế cho thấy để thực hiện thủ tục hợp quy, doanh nghiệp rất tốn kém chi phí, thời gian chờ đợi, làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp”, nữ đại biểu đoàn Kiên Giang cho hay.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/de-nghi-bai-bo-quy-dinh-ve-cong-bo-hop-quy-vi-vo-ly-va-lang-phi-post1740981.tpo