Đề nghị truy tố nhiều người trong vụ án liên quan Công ty Thuduc House

Bộ Công an vừa kết luận điều tra và chuyển hồ sơ sang VKSND Tối cao đề nghị truy tố vụ án liên quan đến Công ty Thuduc House.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND Tối cao đề nghị truy tố vụ án liên quan đến Công ty Thuduc House.

Theo đó, bị can Trần Hoàn Tiên (sinh năm 1990, giám đốc Công ty MEGA E&T VN), Trần Nhất Thanh (sinh năm 1992), Lê Thị Diệu Quỳnh (sinh năm 1993) và 31 bị can khác bị đề nghị truy tố về nhiều tội như: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, sản xuất hàng giả; buôn lậu, nhận hối lộ.

CQĐT xác định các bị can đã lừa đảo chiếm đoạt của Nhà nước hơn 538 tỉ đồng tiền thuế GTGT, vận chuyển trái phép 51.675.638.9 USD (tương đương 1.205 tỉ đồng) từ Việt Nam ra nước ngoài và 22.731.686,6 USD (tương đương 528 tỉ đồng) từ nước ngoài về Việt Nam; buôn lậu hàng hóa trị giá 2,8 tỉ đồng; nhận hối lộ 7,4 tỉ đồng; sản xuất, buôn bán hàng giả trị giá 986 tỉ đồng...

Các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng diễn ra trong thời gian dài, ảnh hưởng lớn đến chính sách thuế, tiền tệ, đầu tư... của Nhà nước.

CQĐT xác định Trịnh Tiến Dũng là đối tượng chủ mưu cầm đầu phạm tội. Tuy nhiên Dũng đã bỏ trốn. Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã và thông báo truy nã quốc tế Interpol. Đồng thời quyết định tách vụ án hình sự buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức, lừa đảo chiếm đoạt tài sản ra khỏi vụ án; tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can, khi nào bắt được Dũng sẽ phục hồi điều tra và xử lý hành vi phạm tội của bị can và các hành vi sai phạm khác có liên quan.

Hồ sơ thể hiện từ năm 2016 đến năm 2020, Dũng đã chỉ đạo thành lập nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam và nước ngoài để lập hồ sơ xuất nhập khẩu hàng hóa.

Tại Mỹ, Campuchia, Hong Kong, Malaysia và UAE, Dũng đã thành lập, sử dụng 13 pháp nhân để ký các hợp đồng xuất nhập khẩu, giao nhận hàng hóa. Tại Việt Nam, Dũng chỉ đạo các bị can Trần Hoàn Tiên, Trần Nhất Thanh... thành lập một số doanh nghiệp, trong đó phần lớn là các công ty "ma".

Dũng đã chỉ đạo nhân viên chuẩn bị sẵn một số linh kiện điện tử (ram, chip, DVD Rom, tranh gỗ...) là hàng giả, hàng nhái, hàng đã qua sử dụng, hàng có giá trị thấp, sử dụng các công ty nêu trên lập hồ sơ nhập khẩu CD hoặc DVD Rom để chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài.

Ngược lại, xuất khẩu ram, chip, tranh gỗ để chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam với mục đích hoàn thuế GTGT thông qua Công ty Nhà Thủ Đức (Công ty Thuduc House), Công ty Sài Gòn Tây Nam, Công ty Hoàng Nam Anh.

Sau khi làm thủ tục xuất khẩu linh kiện điện tử đi Mỹ, Campuchia, Singapore, Hong Kong, Dũng sử dụng các công ty trong nhóm mở tờ khai làm thủ tục nhập khẩu linh kiện điện tử lẫn với các loại hàng hóa khác quay lại Việt Nam. Riêng linh kiện điện tử xuất khẩu qua Campuchia sẽ được nhập lậu về Việt Nam bằng cách gửi xe khách.

Dũng và Lưu Thị Ngát (giám đốc Công ty Khánh Hưng) thành lập và sử dụng 16 công ty ma, xuất hóa đơn GTGT khống để hợp thức hóa đầu vào cho Công ty Sài Gòn Tây Nam, Công ty Nhà Thủ Đức, Công ty Hoàng Nam Anh để các công ty này xuất khẩu và hoàn thuế GTGT.

Khi tiền hàng và 10% tiền thuế GTGT được chuyển về tài khoản của 16 công ty "ma", Dũng chỉ đạo các đối tượng là nhân viên, người quen, lao động tự do rút tiền, chuyển tiền, nộp tiền... Sau đó, làm thủ tục kê khai khống hàng hóa đầu vào để các công ty "ma" được khấu trừ, không phải nộp khoảng 9,9% tiền thuế GTGT.

Để các công ty "ma" được hoạt động, Ngát đã móc nối, đưa hối lộ cho cán bộ chi cục thuế quận 1, quận 3 và quận 5 để các công ty "ma" hoạt động bán hóa đơn GTGT, kê khai khống hàng hóa đầu vào để được khấu trừ thuế.

HOÀNG YẾN

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-nghi-truy-to-nhieu-nguoi-trong-vu-an-lien-quan-cong-ty-thuduc-house-post695848.html